MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 10/5: Giá dầu và cà phê hồi phục mạnh, các mặt hàng khác giảm sâu

10-05-2019 - 08:30 AM | Thị trường

Đồn đoán về các kịch bản của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp tục tác động mạnh lên thị trường hàng hóa. Chính điều này kéo giá dầu Brent hồi phục, cà phê cũng theo đó đi lên. Tuy nhiên, đa số các mặt hàng vẫn tiếp tục giảm mạnh, trong đó đậu tương xuống thấp nhất 10 năm, kim loại và cao su cũng thấp nhất nhiều tháng.

Dầu Brent hồi phục, thị trường hy vọng kết quả tích cực từ đàm phán Mỹ - Trung

Giá dầu Brent tăng nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua vì các nhà đầu tư lại dấy lên hy vọng rằng Mỹ có thể sẽ chưa nâng thuế đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, và nếu điều đó xảy ra thì tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục được thúc đẩy.

Dầu Brent kết thúc phiên tăng 2 UScent lên 70,39 USD/thùng, mặc dù lúc đầu phiên xuống chỉ 69,40 USD/thùng. Tuy nhiên, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) vẫn giảm 42 UScent xuống 61,70 USD/thùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nhận được một bức thư "đẹp" từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó có đoạn viết: "Chúng ta hãy cùng nhau bàn bạc để thể hoàn tất mọi thứ". Chính điều này khiến cho các nhà đầu tư lại dấy lên hy vọng rằng Washington và Bắc Kinh lần này có thể đạt được một thỏa thuận thương mại.

Trong những ngày qua, sự căng thẳng liên quan đến vấn đề thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc đã tác động đến giá dầu mạnh hơn rất nhiều so với căng thẳng địa chính trị và sự kiểm soát nguồn cung khiến cho cung dầu trên toàn cầu, từ Mỹ Latinh đến Châu Phi và Trung Đông, đều sụt giảm.

Cà phê hồi phục mạnh mẽ

Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7/2019 tại London tăng 55 USD tương đương 4,3% lên 1.345 USD/tấn, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2017. Phiên giao dịch liền trước, hợp đồng này đã chạm mức thấp nhất 9 năm. Các quỹ hàng hóa tạm dừng bán ra khi giá xuống quá thấp đã giúp chặn đà giảm giá. Tuy nhiên, Brazil đang thu hoạch cà phê và điều này sẽ còn tiếp tục gây áp lực lên giá.

Tuần này, giá cà phê tại Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm do giá robusta trên sàn London không ngừng sụt giảm xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu do lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Brazil đang thu hoạch nên bán ra mạnh.

Tại Tây Nguyên, cà phê nhân xô được bán với giá 29.000 – 29.800 đồng (1,24 – 1,27 USD)/kg, giảm so với 30.300 – 31.000 đồng cách đây một tuần. Cà phê robusta xuất khẩu loại 2 (5% đen và vỡ) của Việt Nam giá thấp hơn 45 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 7 tại London, gần như không thay đổi so với cách đây một tuần.

Trong khi đó mức cộng hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2019 của Malaysia so với giá tại London tiếp tục nới rộng. Mức cộng cà phê loại 4 (80 hạt lỗi) so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2019 tại London tăng lên 200 – 400 đồng, so với 170 USD/tấn cách đây một tuần. Nguồn cung ở Indonesia đang tăng dần theo tiến độ thu hoạch ở miền Nam đảo Sumatra.

Trong phiên giao dịch vừa qua, giá arabica cũng tăng, với hợp đồng giao tháng 7/2019 trên sàn New York tăng 2,3 UScent tương đương 2,6% lên 90,85 USD/lb. Phiên trước đó giá cũng xuống mức thấp nhất 13 năm.

Palađi thấp nhất 4 tháng, vàng tăng

Giá palađi đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp, mất 1,7% còn 1.295,5 USD/ounce vào cuối phiên giao dịch. Trước đó, lúc đầu phiên, kim loại này đã giảm tới 4% xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng. Nguyên nhân bởi tiêu thụ ô tô ở Trung Quốc sụt giảm và lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, giá vàng tăng nhẹ do USD yếu đi và chứng khoán toàn cầu cũng giảm điểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là rất mong manh.

Giá vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) kết thúc phiên vừa qua tăng 0,3% lên 1.284,55 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 6/2019 trên sàn New York tăng 0,3% lên 1.285,5 USD/ounce. Nhìn chung với bối cảnh thị trường còn lo ngại về quan hệ thương mại Mỹ Trung và triển vọng thị trường chứng khoán toàn cầu thiếu chắc chắn như hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn hướng tới những tài sản an toàn như vàng.

Kim loại cơ bản thấp nhất nhiều tháng

Giá đồng và các kim loại cơ bản khác đồng loạt đi xuống trong phiên vừa qua do nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang khi Mỹ và Trung Quốc khôi phục các cuộc đàm phán.

Đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London giảm 0,7% xuống 6.012 USD/tấn vào cuối phiên giao dịch, sau khi có lúc chỉ 6.058,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 1/2019. Điều này xảy ra bất chấp lượng đồng lưu kho của sàn giao dịch London giảm 9.225 tấn xuống 217.975 tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn khá nhiều so với mức lưu kho chỉ 111.775 tấn hồi tháng 3/2019.

Với các kim loại khác, mức trừ lùi giá nickel giao ngay so với hợp đồng 3 tháng đã giảm xuống chỉ còn 40 USD/tấn, từ mức 70 USD/tấn hồi đầu tháng 5, cho thấy nguồn cung khan hiếm. Đây là khoảng chênh lệch giá thấp nhất kể từ tháng 1/2019. Dự kiến thị trường nickel thế giới năm nay sẽ thiếu hụt 84.000 tấn, so với mức thiếu 146.000 tấn năm 2019.

Giá nhôm trên sàn LME đầu phiên vừa qua giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017 sau đó kết thúc phiên ở mức 1.798 USD/tấn, không thay đổi nhiều so với mức thấp đó; giá kẽm giảm 1,5% xuống 2.610 USD/tấn, trong khi chì giảm 2,5% xuống 1.835 USD/tấn sau khi có lúc xuống thấp nhất kể từ tháng 8/2016, và thiếc giảm 0,8% xuống 19.260 USD/tấn còn nickel giảm 1,5% xuống 11.755 USD/tấn.

Tập đoàn Nghiên cứu kẽm và chì quốc tế (ILZSG) dự báo nguồn cung chì tinh luyện trên toàn cầu năm 2019 này sẽ vượt 71.000 tấn so với nhu cầu, trái lại nhu cầu kẽm tinh luyện sẽ vượt cung dẫn tới thiếu hụt khoảng 121.000 tấn.

Nhu cầu chì tinh luyện năm nay dự báo tăng 1,2% lên 11,87 triệu tấn sau khi giảm 0,2% ở năm 2018, trong khi nhu cầu kẽm tinh luyện sẽ tăng nhẹ 0,6% lên 13,77 triệu tấn, sau 4 năm tương đối ổn định.

Đậu tương thấp nhất 10 năm

Giá đậu tương kỳ hạn trên thị trường Chicago giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ bởi lo ngại Washington và Bắc Kinh có thể lại thất bại trong lần đàm phán này. Ngô và lú mì cũng theo xu hướng đi xuống.

Trên sàn Chicago, đậu tương kỳ hạn giao tháng 7/2019 giảm 2% xuống 8,12-3/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Lúa mì cũng giảm 2,3% xuống 4,29-1/2 USD/bushel, trong khi ngô giảm 3,2% xuống 3,53-1/4 USD/bushel.

Đậu tương vốn là loại nông sản mà xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đạt giá trị cao nhất, nhưng từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại thì tình hình đã thay đổi.

Trong khi đó, cơ quan nông nghiệp Brazil, Conab, đã nâng dự báo về sản lượng đậu tương nước này niên vụ 2018/19 lên 114,313 triệu tấn.

Thị trường ngày 10/5: Giá dầu và cà phê hồi phục mạnh, các mặt hàng khác giảm sâu  - Ảnh 1.

Hạt điều giảm mạnh

Giá hạt điều tại Bờ Biển Ngà –nước sản xuất điều hàng đầu thế giới- đã giảm từ mức 500 francs CFA/kg xuống hiện chỉ còn 375 FCFA (giao tại vườn) do nhu cầu yếu. Năm ngoái, giá điều quốc tế giảm mạnh khiến các nước xuất khẩu như Bờ Biển Ngà đã phải giảm giá thu mua điều của người trồng.

Thị trường hạt điều Bờ Biển Ngà hiện nay kém sôi động hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái do người trồng điều nước này thiếu tài chính và các khách hàng Việt Nam và Ấn Độ đều chỉ mua cầm chừng (Việt Nam và Ấn Độ là những thị trường tiêu thụ điều chủ chốt của nước này). Ủy ban Bông và Hạt điều quốc gia nước này, Adama Coulibaly, dự đoán sản lượng hạt điều quốc gia năm 2019 dự báo sẽ giảm xuống 730.000 tấn, từ mức 761.000 tấn năm 2018 do thời tiết xấu. Vụ thu hoạch điều ở Bờ Biển Ngà bắt đầu từ 15/2 và kết thúc vào cuối tháng 12.

Sản lượng thịt lợn Trung Quốc sẽ giảm ít nhất 10%

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ngày 9/5/2019 đưa ra nhận định rằng dịch tả lợn Châu Phi sẽ khiến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm ít nhất 10% trong năm 2019 và tạo cơ hội lớn cho những nước sản xuất thịt khác.

FAO dự đoán sản lượng thịt lợn toàn cầu sẽ đạt 115,6 triệu tấn trong năm 2019, tức là giảm 4% so với năm trước. Sản lượng giảm ở Trung Quốc nhưng sẽ tăng khá mạnh ở Mỹ, Brazil và Nga.

Gạo Ấn Độ giảm, Thái Lan và Việt Nam vững

Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ giảm tuần thứ 5 liên tiếp do nhu cầu thấp và đồng rupee yếu đi giữa bối cảnh khách hàng Châu Phi chuyển hướng mua gạo Trung Quốc (Trung Quốc đang tích cực bán gạo dự trữ ra). Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá hiện khoảng 371-374 USD/tấn, so với 373-376 USD/tấn cách đây một tuần.

Gạo Thái Lan và Việt Nam đều vững so với cách đây một tuần. Loại 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan hiện ở mức 385 -400 USD/tấn, trong khi của Việt Nam là 365 USD/tấn.

Một phái đoàn các nhà nhập khẩu gạo Trung Quốc đang tới các tỉnh ĐBSCL để tìm kiếm cơ hội mua gạo. Ai Cập cũng đang tìm mua ít nhất 20.000 tấn gạo loại 10 và 12% tấm, kỳ hạn giao từ 25/7 đến 20/8/2019.

Bangladesh đã tạm hoãn quyết định xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo kéo dài đã khá lâu. Thời gian hoãn sẽ kéo dài tới lúc thu hoạch xong vụ lúa Hè. Vụ trưởng Vụ Khuyến nông Ấn Độ cho biết, cơn lốc xoáy Fani đã gây thiệt hại tới vụ lúa Hè Thu (vụ Boro) – 55.600 ha.

Cao su giảm tiếp

Giá cao su trên sàn giao dịch Tokyo tiếp tục giảm bởi lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hợp đồng kỳ hạn tháng 10/2019 giảm 4 JPY tương đương 0,0365 USD xuống 184,1 JPY/kg. Cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải (hợp đồng được giao dịch nhiều nhất) cũng giảm 65 CNY (9,55 USD) xuống 11.790 CNY/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng nay

Thị trường ngày 10/5: Giá dầu và cà phê hồi phục mạnh, các mặt hàng khác giảm sâu  - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên