Thị trường ngày 10/6: Giá dầu bật tăng trở lại, vàng vượt xa mốc 1.700 USD/ounce
Chốt phiên giao dịch ngày 9/6, giá dầu bật tăng trở lại, vàng tăng 1%, đồng và thiếc cao nhất 3 tháng, trong khi khí tự nhiên thấp nhất 2 tuần, nhôm, kẽm, quặng sắt, thép và cao su đồng loạt giảm.
- 09-06-2020Thị trường ngày 9/6: Giá dầu giảm hơn 3%, đồng và cao su cao nhất 3 tháng
- 06-06-2020Thị trường ngày 6/6: Giá dầu tăng 5%, các hàng hóa khác cũng đồng loạt tăng cao
- 05-06-2020Thị trường ngày 5/6: Giá gạo lập đỉnh 8 năm, quặng sắt quay đầu giảm sau khi vượt 100 USD/tấn
Giá dầu tăng trở lại
Giá dầu tăng do lạc quan về các cam kết hạn chế sản lượng từ các nhà sản xuất dầu lớn, làm lu mờ lo ngại tác động của virus corona có thể khiến nhu cầu nhiên liệu suy giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/6, dầu thô Brent tăng 38 US cent tương đương 0,9% lên 41,18 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 75 US cent tương đương 2% lên 38,94 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các nước sản xuất khác được gọi là OPEC+ đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 7/2020.
Giá dầu tăng bất chấp tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng do các hạn chế bởi đại dịch khiến nhu cầu suy giảm. Tồn trữ dầu thô tăng 8,4 triệu thùng trong tuần đến ngày 5/6/2020 lên 539,4 triệu thùng, số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết.
Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu Brent năm 2020 lên 40,4 USD/thùng và dầu thô Mỹ lên 36 USD/thùng, song cảnh báo rằng giá dầu có khả năng giảm trở lại trong những tuần tới do nhu cầu không chắc chắn và tồn trữ tăng.
Giá khí tự nhiên thấp nhất 2 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tuần do dự báo nhu cầu điều hòa không khí và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng giảm, lấn át sản lượng suy giảm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn New York giảm 2,2 US cent tương đương 1,2% xuống 1,767 USD/mmBTU, thấp nhất kể từ ngày 27/5/2020.
Refinitiv cho biết, sản lượng khí đốt tại 48 tiểu bang Mỹ giảm xuống mức trung bình 88,5 tỉ feet khối/ngày (bcfd) trong tháng 6/2020 từ mức thấp nhất 1 năm (89,2 bcfd) trong tháng 5/2020 và từ mức cao kỷ lục (95,4 bcfd) trong tháng 11/2019.
Với thời tiết ôn hòa vào giữa tháng 6/2020, Refinitiv dự báo nhu cầu của Mỹ bao gồm xuất khẩu sẽ giảm từ 81,4 bcfd trong tuần này xuống 79,8 bcfd trong tuần tới.
Giá vàng tăng hơn 1%
Giá vàng tăng hơn 1% do nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn tăng, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi sự rõ ràng về tình trạng nền kinh tế và các biện pháp kích thích hơn nữa từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,2% lên 1.714,78 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York tăng 1% lên 1.721,9 USD/ounce.
Giá nhôm và kẽm tại London giảm, đồng và thiếc cao nhất 3 tháng
Giá nhôm và kẽm giảm sau khi tồn trữ tăng và nhu cầu suy yếu bởi đại dịch virus corona, có thể dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung.
Giá nhôm trên sàn London giảm sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch và ở mức ổn định 1.604,5 USD/tấn. Tuy nhiên, trong 3,5 tuần qua giá nhôm tăng gần 10% lên mức cao nhất kể từ ngày 20/3/2020 trong ngày 8/6/2020.
Tồn trữ nhôm toàn cầu dự kiến sẽ tăng 5 triệu tấn vào cuối năm nay lên 16 triệu tấn. Tồn trữ nhôm tại London đạt mức cao nhất 3 năm (1,54 triệu tấn) và trong 3 tháng qua tăng 52%.
Trong khi đó, giá nhôm kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 1,7% lên 13.555 CNY (1.915,31 USD)/tấn, cao nhất hơn 4,5 tháng.
Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,3% xuống 2.015,5 USD/tấn, do tồn trữ kẽm tại London tăng 10.000 tấn lên 89.400 tấn.
Trên sàn London, giá đồng tăng 1,2% lên 5.768,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 3/3/2020. Giá thiếc tăng 1,4% lên 16.895 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 11/3/2020.
Giá thép và quặng sắt đều giảm
Giá thép cây tại Trung Quốc giảm bởi thị trường nước ngoài chậm lại, trong khi đó mùa mưa đang đến gần làm gia tăng lo ngại về nhu cầu nguyên liệu xây dựng.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,3% xuống 3.619 CNY (510,93 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng không thay đổi ở mức 3.545 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 0,3% xuống 12.945 CNY/tấn.
Đồng thời giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên giảm 1% xuống 770 CNY/tấn, sau khi tăng 2 phiên liên tiếp.
Xuất khẩu sản phẩm thép của Trung Quốc trong tháng 5/2020 giảm 30% so với tháng 4/2020 xuống 4,4 triệu tấn.
Giá cao su rời khỏi mức cao nhất 3 tháng
Giá cao su tại Tokyo giảm, rời khỏi mức cao nhất gần 3 tháng trong phiên trước đó do lo ngại nhu cầu giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn TOCOM giảm 1,1 JPY xuống 162,9 JPY (1,5 USD)/kg.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 10 CNY lên 10.640 CNY (1.501 USD)/tấn.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn SICOM giảm 1% xuống 117,1 U cent/kg.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE tăng 0,06 US cent tương đương 0,5% lên 12 US cent/lb, trong phiên trước đó đạt 12,27 US cent/lb, cao nhất kể từ ngày 11/3/2020.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London tăng 1 USD tương đương 0,3% lên 388,3 USD/tấn.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE giảm 1,1 US cent tương đương 1,1% xuống 97,8 US cent/lb.
Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 29 USD tương đương 23% xuống 1.221 USD/tấn.
Giá đậu tương, ngô và lúa mì đều giảm
Giá đậu tương tại Mỹ giảm chậm lại, do Trung Quốc mua thêm đậu tương Mỹ sau khi thị trường giảm trước đó bởi triển vọng cây trồng được cải thiện.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 1-1/2 US cent xuống 8,63-1/4 USD/bushel. Đồng thời, giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 6-1/4 US cent xuống 3,27-1/2 USD/bushel và giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 7 US cent xuống 5,04-1/2 USD/bushel.
Thương nhân nhà nước Trung Quốc, Sinograin đã mua ít nhất 120.000 tấn đậu tương Mỹ giao hàng tháng 12/2020 từ cảng Tây Bắc Thái Bình Dương Mỹ.
Giá dầu cọ tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng bởi lạc quan xuất khẩu dầu cọ có thể được cải thiện, sau khi nước này miễn giảm hoàn toàn thuế xuất khẩu hàng hóa trong năm nay.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 43 ringgit tương đương 1,83% lên 2.391 ringgit (561,53 USD)/tấn.
Malaysia cho biết sẽ miễn giảm thuế xuất khẩu dầu cọ đến tháng 12/2020, động thái này khiến dầu cọ của Malaysia trở nên cạnh tranh hơn so với dầu cọ Indonesia và có thể thúc đẩy xuất khẩu thêm 1 triệu tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 10/6