Thị trường ngày 11/4: Giá dầu tăng kéo theo vàng, thép, cao su, đường đi lên
Giá dầu tăng kéo một loạt hàng hóa khác tăng theo trong phiên giao dịch vừa qua. Triển vọng kinh tế thế giới vẫn khó khăn, song việc các chính phủ bắt đầu lên kế hoạch kích thích là cơ sở để các nhà đầu tư tin rằng giá hàng hóa sẽ có nhiều cơ hội tăng trong thời gian tới.
- 10-04-2019Thị trường ngày 10/4: Giá thép tiếp tục tăng mạnh, sắt, vàng, đồng, cà phê cũng tăng
- 09-04-2019Thị trường ngày 9/4: Giá sắt, thép, dầu mỏ cùng tăng mạnh
- 06-04-2019Thị trường ngày 06/04: Dầu tăng, vàng giảm, đường chạm mức cao nhất 2 tuần
Dầu tăng do tồn trữ xăng Mỹ giảm sâu
Giá dầu tăng trên 1% sau khi số liệu từ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô tăng lên mức cao nhất 7 tháng nhưng không bù đắp đủ mức tồn trữ xăng giảm mạnh, và báo cáo từ OPEC cho thấy nguồn cung dầu thô của Venezuela tiếp tục bị thắt chặt hơn nữa.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua 10/4 (rạng sáng nay theo giờ VN), dầu Brent tăng 1,12 USD tương đương 1,59% lên 71,73 USD/thùng, sau khi có lúc đạt mức cao nhất 5 tháng là 71,78 USD; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 63 UScent tương đương 0,98% lên 64,61 USD/thùng.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, tồn trữ dầu thô của nước này tuần qua tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2017 do nhập khẩu tăng, trong khi tồn trữ xăng lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Cụ thể, tồn trữ dầu thô tăng 7 triệu thùng, gấp 3 lần mức dự trữ là tăng 2,3 triệu thùng của các nhà phân tích. Tuy nhiên, tồn trữ xăng giảm 7,7 triệu thùng, gấp hơn 3 lần mức dự đoán là giảm 2 triệu thùng.
Trong khi đó, rủi ro địa chính trị tiếp tục ảnh hưởng tới sản lượng của Venezulela và Iran, cộng thêm khả năng diễn biến tương tự ở Libya và ngay cả Algeria. Do đó, thị trường dầu thô nhiều khả năng sẽ tiếp tục được hỗ trợ ở mức giá hiện nay – mức mà cả OPEC và Nga đều hài lòng.
Mặc dù Nga mới đây tỏ ý muốn bơm thêm dầu, nhưng Bộ trưởng Năng lượng UAE ngày 10/4/2019 thông báo rằng Nga sẽ không nâng sản lượng trừ khi hợp tác với các thành viên còn lại trong nhóm OPEC+.
Vàng cao nhất gần 2 tuần do ECB và Fed đều đánh tín hiệu "ôn hòa"
Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên vừa qua bởi các nhà đầu tư lo ngại về sự căng thẳng cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn thương mại toàn cầu, giữa bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại đang phù hợp với tình hình.
Kết thúc phiên vừa qua, vàng giao ngay tại London tăng 0,4% lên 1.308,47 USD/ounce, trước đó có lúc đạt 1.310,5 USD, cao nhất kể từ 28/3/2019; vàng kỳ hạn trên sàn New York tăng 0,4% lên 1.313,90 USD/ounce.
Những lo ngại về kinh tế và chính trị như Brexit, chính sách của Mỹ và những căng thẳng thương mại giữa Washington với Trung Quốc và Eurozone đang hỗ trợ giá vàng đi lên.
Chủ tịch ECB ngày 10/4/2019 đánh tiếng về khả năng sẽ thêm các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế Eurozone hiện đang gặp khó. Nếu chính sách tiền tệ trên thế giới được nới lỏng thì hệ thống tài chính sẽ thanh khoản nhiều hơn, từ đó nhu cầu giao dịch hàng hóa sẽ tăng lên.
Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed cũng cho thấy lập trường kiên nhẫn về việc tăng lãi suất. Giá tiêu dùng ở Mỹ tháng 3 vừa qua tăng mạnh nhất trong vòng hơn 1 năm, nhưng lạm phát lõi vẫn thấp giữa bối ảnh kinh tế trong nước và thế giới tăng trưởng chậm lại.
Quặng sắt kết thúc chuỗi 7 phiên tăng
Giá quặng sắt kỳ hạn trên thị trường Trung Quốc giảm nhẹ trong phiên vừa qua sau 7 phiên tăng liên tiếp, nhưng nhu cầu đối với mặt hàng này tại Trung Quốc dự báo sẽ còn duy trì ở mức cao thêm một thời gian nữa.
Quặng sắt giao tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên trong phiên vừa qua kết thúc ở mức 651 CNY (96,98 USD)/tấn, so với mức 652 CNY ở phiên trước đó. Hơp đồng giao tháng 5/2019 giảm 1,1% xuống 702 CNY/tấn (phiên trước đó, 9/4/2019, giá đạt 72o CNY/tấn, cao nhất kể từ 2013, khi sàn giao dịch Đại Liên ra đời).
Từ ngày 29/3/2019 đến 9/4/2019, mặt hàng này đã tăng giá 16%, chủ yếu do lo ngại nguồn cung sẽ trở nên khan hiếm sau khi các mỏ lớn nhất thế giới hạ dự báo về sản lượng hoặc xuất khẩu trong năm nay.
Nguồn cung quặng sắt toàn cầu năm nay không đáp ứng được nhu cầu do dự báo nguồn cung từ Brazil giảm bởi mỏ Vale hoạt động cầm chừng sau sự cố vỡ đập hồi tháng 1/2019.
Thép cao nhất gần 8 năm
Giá thép xây dựng tại Trung Quốc trong phiên vừa qua vẫn ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 trong bối cảnh nhu cầu được cải thiện.
Kết thúc phiên giao dịch, thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 tăng 0,4% lên 3.774 CNY/tấn, là phiên tăng thứ 8 trong bối cảnh nhu cầu tại Trung Quốc không ngừng tăng. Thép cuộn cán nóng chốt phiên ở 3.690 CNY/tấn, so với 3.687 CNY ở phiên trước đó.
Cao su tăng nhờ chính sách kích thích tiêu thụ ô tô ở Trung Quốc
Giá cao su trên thị trường Tokyo tăng trong phiên vừa qua bởi kỳ vọng vào chính sách kích thích tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc.
Kết thúc phiên vừa qua, cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Tokyo tăng 4,3 JPY (0,0387 USD) lên 191,9 JPY/kg. Cùng xu hướng, giá hợp đồng giao tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 230 CNY (34,24 USD) lên 11.955 CNY/tấn.
Lúa mì giảm phiên thứ 5, ngô và đậu tương đi lên
Giá lúa mì trên sàn Chicago tiếp tục giảm do dự báo nguồn cung dồi dào trên toàn cầu. Tuy nhiên, ngô và đậu tương tăng trong phiên vừa qua bởi hoạt động mua mang tính kỹ thuật và bão tuyết ở khu vực Tung Tây nước Mỹ có thể ảnh hưởng tới vụ mùa những nông sản này.
Kết thúc phiên giao dịch trên sàn Chicago, ở hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2019, giá ngô tăng
1-3/4 UScent lên 3,61-3/4 USD/bushel, đậu tương tăng 3-1/4 UScent lên 9,02 USD/bushel, còn lúa mì giảm 1-1/2 UScent xuống 4,58 USD/bushel. Giá lúa mì tại Châu Âu cũng giảm theo xu hướng ở Chicago, với hợp đồng giao tháng 5 trên sàn Euronext ở Paris giảm 0,4% tương đương 0,75 EUR xuống 188,50 EUR/tấn.
Đường thô tăng theo dầu
Giá đường được tăng bởi được kích thích từ thị trường dầu mỏ. Đường thô giao tháng 5 trên sàn New York tăng 0,03 UScent tương đương 0,2% lên 12,81 UScent/lb. Sản xuất ethanol ở Brazil tăng cũng như thời tiết khô hạn ở một số khu vực trồng mía tại Trung Quốc cũng góp phần đẩy giá đường thô đi lên.
Trong khi đó, giá đường trắng trên sàn London giảm 1,5 USD tương đương 0,5% xuống 326,7 USD/tấn.
Tồn trữ táo ở EU cao kỷ lục
Tồn trữ táo tại EU mùa Xuân này ở mức cao kỷ lục. Đầu tháng 3/2019, khối lượng táo tồn trữ của các doanh nghiệp và nông dân khu vực này đạt mức cao nhất trong vòng 12 năm. Theo số liệu kết hợp của Hiệp hội Rau quả Ucraina và Hiệp hội các nhà sản xuất Lê và Táo thế giới (WAPA), con số này là 3,099 triệu tấn, gấp 1,7 lần so với cùng kỳ 2018. Vào đầu mùa Xuân năm ngoái, lượng táo tồn trữ chỉ là 1,781 triệu tấn.
Tính tới 1/3/2019, lượng tồn trữ lớn nhất là ở Ba Lan (940.000 tấn, gấp đôi năm ngoái), tiếp đến là Italia (913.000 tấn, gấp 1,8 lần), tiếp theo là Pháp (406.000 tấn, cao hơn 15%).
Về chủng loại, tồn trữ nhiều nhất hiện nay là loại táo vàng Golden Delicious, chiếm 27%, tương đương 829.000 tấn, vượt 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá măng cụt tại Trung Quốc bắt đầu giảm
Giá măng cụt trên thị trường Trung Quốc bắt đầu xu hướng giảm. Tại chợ đầu mối Jiaxing, giá vào khoảng 190 – 225 CNY (28,29 – 33,50 USD)/thùng 9 kg. So với một tuần trước đây, giá đã giảm khá nhiều, mặc dù chất lượng quả hiện nay tốt hơn so với hồi tháng 3 vừa qua. Nguyên nhân giá giảm bởi nguồn cung đang tăng lên.
Thị trường rau Trung Quốc hạ nhiệt
Các loại rau mùa Xuân bắt đầu được bán nhiều trên thị trường Trung Quốc, nhờ đó giá giảm dần. Chất lượng rau cũng được đánh giá là cao.
Tại chợ đầu mối Xinfadi, giá bắp cải trắng tròn bán buôn hiện là 1,5 – 1,9 CNY [0,22-0,28 USD]/0,5 kg, giảm 12,82% so với cách đây một tuần. Cà chua bán buôn giá cũng đang giảm sau khi liên tiếp tăng vào tháng 3 vừa qua (có lúc lên mức 3,5 CNY, tương đương 0,52 USD, đối với 0,5 kg) do nguồn cung ổn định hơn. Giá gừng xuất khẩu giảm trở lại sau khi liên tiếp tăng trong tháng 2-3 vừa qua, vì hầu hết các đơn hàng xuất khẩu sang Bắc Mỹ và Châu Âu đã thực hiện xong.
Thụy Sỹ muốn chấm dứt việc dự trữ cà phê thô
Ngày 10/4/2019, Chính phủ Thụy Sỹ thông báo kế hoạch xóa bỏ kho dự trữ cà phê khẩn cấp sau khi đã duy trì suốt nhiều thập kỷ, với lý do cà phê không quan trọng đối với sự sống của con người, "gần như không cung cấp chút năng lượng nào và không đóng góp gì vào việc cung cấp dinh dưỡng cho người dân". Thụy Sỹ vốn vẫn duy trì kho dự trữ quốc gia đối với cà phê và các mặt hàng chủ lực khác như đường, gạo, dầu ăn và thức ăn chăn nuôi. Hệ thống dự trữ khẩn cấp này được thành lập từ giữa Thế chiến I và Thế chiến II, nhằm phòng trường hợp thiếu hụt do chiến tranh, thiên tai hoặc dịch bệnh.
Ý tưởng trên đã vấp phải sự phản đối của hãng sản xuất cà phê hòa tan Nescafe và các nhà nhập khẩu, rang xay và bán lẻ cà phê của nước này.
Kế hoạch hủy bỏ dự trữ cà phê sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý. Theo kế hoạch này, việc dự trữ cà phê sẽ chấm dứt vào cuối năm 2022. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ không phải trả phí lưu kho nữa và mang toàn bộ số hàng của mình từ kho dự trữ quốc gia về. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 11/2019.
Thụy Sỹ hiện quy định dự trữ cà phê bắt buộc đối với 15 doanh nghiệp, bao gồm cả Nestle, với khối lượng lên tới 15.300 tấn, đủ cho 3 tháng tiêu dùng.
Theo Tổ chức cà phê quốc tế, 8,5 triệu dân Thụy Sỹ tiêu thụ khoảng 9kg cà phê (tương đương 20 lb)/người mỗi năm, trong khi Anh chỉ tiêu thụ trung bình 3,3kg, và Mỹ 4,5kg.
Azerbaijan áp thuế mới với thực phẩm xuất khẩu
Các bộ Kinh tế và Nông nghiệp Azerbaijan đã ra thông báo chung về việc tăng giá một số loại rau.
Liên quan tới việc giá khoai tây, hành tây và bắp cải trong nước gia tăng, nước này áp dụng thuế xuất khẩu khoai tây ra nước ngoài tới thời điểm 30/4/2019, và thuế xuất khẩu hành và bắp cải tới 31/5/2019. Mục tiêu nhằm bình ổn giá trên thị trường trong nước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng nay 11/4