Thị trường ngày 11/5: Giá ngũ cốc giảm sâu; dầu và sắt thép hồi phục
Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc đàm phán không kết quả. Phiên giao dịch cuối tuần, các thị trường hàng hóa nguyên liệu mất phương hướng nên giá dao động thất thường.
- 11-05-2019Tôm hùm đất ngon, lạ, rẻ bán đầy chợ mạng: Hàng bị cấm bán ở Việt Nam
- 11-05-2019Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng ra sao tới ngành nông nghiệp Việt Nam và toàn cầu?
- 10-05-2019Những mặt hàng bị ảnh hưởng khi Mỹ tăng thuế với Trung Quốc
Dầu kết thúc một tuần giảm giá
Mặc dù chỉ dao động nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua song dầu mỏ đã đi qua một tuần giảm giá bởi những căng thẳng thương mại xoay quanh việc Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - yếu tố làm lu mờ nỗi lo nguồn cung trên toàn cầu suy giảm và dự báo nhu cầu dầu tinh lọc của Mỹ sẽ tăng lên.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, dầu Brent tăng nhẹ 23 UScent lên 70,62 USD/thùng, nhưng tính chung cả tuần giảm 0,3%; dầu Tây Texas Mỹ giảm 4 UScent trong cùng phiên xuống 61,66 USD/thùng và cả tuần cũng giảm 0,5%.
Sau một tuần đầy biến động, các nhà đầu tư giờ đây lo ngại về khả năng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài và gây nhiều tổn thất bất chấp những nỗ lực vào phút cuối trên bàn đàm phán để cứu vãn một thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5/2019 tuyên bố ông không vội ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc ngay sau khi Bắc Kinh trả đũa Washington bằng việc nâng thuế đối với hàng hóa, và ngày thứ 2 trong vòng thỏa thuận này đã kết thúc.
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới có thể ảnh hưởng tới nhu cầu dầu toàn cầu, bởi 2 quốc gia này chiếm tổng cộng 34% nhu cầu dầu thế giới trong quý 1/2019, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế.
Trước mắt, dự báo các nhà máy lọc dầu ở bên vùng Vịnh và Trung Tây nước Mỹ sắp kết thúc đợt bảo trì theo mùa nên sẽ cần nhiều nguyên liệu (dầu thô) để tinh lọc xăng đáp ứng nhu cầu tăng trước khi bước vào mùa giao thông vận tải tăng lên – mùa Hè – sẽ hỗ trợ giá dầu thô. Chuyên gia phân tích Tom Kloza thuộc Dịch vụ Thông tin Giá dầu nhận định: "Giá dầu thô có nhiều khả năng sẽ tăng lên. Khi các nhà máy lọc dầu vùng Vịnh khôi phục hoạt động, nhu cầu sẽ tăng đáng kể so với nguồn cung trong 100 ngày tới", trùng với thời điểm OPEC và các đồng minh vẫn tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu – tới tháng 6/2019.
Đậu tương thấp nhất hơn 1 thập kỷ, ngô và lúa mì cũng đi xuống
Nông sản Mỹ đồng loạt giảm sâu do lo ngại xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nghieemt rọng.
Giá đậu tương Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vồng hơn một thập kỷ do việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố không vội ký thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc – cuộc chiến đã khiến cho xuất khẩu hat có dầu của Mỹ sang Trung Quốc giảm thê thảm.
Đậu tương kỳ hạn tháng 7/2019 – hợp đồng được giao dịch nhiều nhất – trên sàn Chicago giảm 0,6% xuống 8,09-1/4 USD/bushel vào lúc đóng cửa phiên cuối tuần. Đầu phiên có lúc chỉ 8,06-1/4 USD, thấp nhất kể từ tháng 12/2008.
Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Mỹ. Trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại, Trung Quốc mỗi năm mua khoảng 12 tỷ USD đậu tương Mỹ. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh trả đũa bằng thuế 25% từ tháng 7 năm ngoái đã khiến xuất khẩu của Mỹ sụt giảm rất mạnh.
Khó khăn gia tăng khi dịch tả lợn Châu Phi hoành hành ở Trung Quốc khiến nhu cầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi càng giảm mạnh hơn nữa.
Lúa mì cũng giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ 2018, là 4,24-3/4 USD/bushel) giảm 1,2%. Giá ngô giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018, xuống 3,51-3/4 USD/bushe (-0,9%).
Giá ngô vốn đã liên tục giảm trong mấy tháng qua do nguồn cung tăng trên toàn cầu. Dự đoán cung ngô từ Mỹ sẽ còn tăng hơn nữa trong năm tới, có thể đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Vàng tăng do căng thẳng Mỹ - Trung
Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần, và tính chung cả tuần cũng tăng do Mỹ nâng thuế quan áp vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc gây lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu. Palađi cũng tăng giá hơn 5% bởi hoạt động mua mạnh.
Bất đồng thêm sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây giảm giá chứng khoán trên toàn cầu, khiến nhà đầu tư lại hướng tiền vào những tài sản an toàn.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) tăng 0,2% lên 1.286,56 USD/ounce, cả tuần tăng 0,6%; trong khi đó vàng giao tháng 6/2019 trên sàn New York cũng tăng 0,2% lên 1.287,40 USD/ounce.
Căng thẳng Mỹ - Trung cũng có thể sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải cắt giảm lãi suất, và điều đó sẽ còn hỗ trợ hơn nữa cho giá vàng đi lên.
Palađi tăng gần 5%
Palađi tăng mạnh 4,7% trong phiên vừa qua lên 1.354,51 USD/ounce, bứt phá từ mức thấp nhất kể từ ngày 4/1/2019 ở phiên trước đó (1.263,85 USD/ounce) khi thị trường tiếp nhận thông tin thụ ô tô ở Trung Quốc sụt giảm giữa bối cảnh lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Tính chung cả tuần, palađi giảm 1,2%.
Kim loại công nghiệp hồi phục trong niềm hy vọng sẽ có thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Giá kim loại cơ bản cũng như sắt thép đều tăng nhẹ trong phiên cuối tuần bởi các nhà đầu tư hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, các thị trường này vẫn rất nhạy cảm đối với mỗi động thái của hai quốc gia này.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,4% trong phiên vừa qua, lên 6.126 USD/tấn, nhưng vẫn kết thúc tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Thép cây giao dịch trên sàn Thượng Hải tăng 0,5% trong phiên cuối tuần lên 3.746 CNY (550 USD)/tấn, và tính chung cả tuần cũng giảm nhiều nhất kể từ giữa tháng 2/2019. Thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải cùng phiên tăng 0,5% lên 3.682 CNY/tấn.
Hoạt động xây dựng ở Trung Quốc đang sôi động. Trong khi đó, Chính phủ nước này sẽ thắt chặt hơn nữa việc xét duyệt các dự án trong ngành thép, cấm toàn bộ công suất sản xuất thép mới dưới mọi hình thức. Điều này chắc chắn sẽ góp phần đẩy giá thép tăng lên.
Tồn trữ thép của các doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm 273.000 tấn trong tuần này, xuống 12,14 triệu tấn, trong đó thép cây giảm còn 6,33 triệu tấn, thép cuộn cán nóng tăng lên 2,13 triệu tấn.
Khí gas dao động thất thường
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trương Châu Á nhìn chung vững trong tuần này, với hợp đồng kỳ hạn giao tháng 6/2019 từ 5,5 – 5,6 USD/mmBtu.
Trong khi đó tại Châu Âu, giá trên thị trường Tây Ban Nha tăng do nhu cầu tăng. Ở Hà Lan và Anh, giá giảm khoảng 20 UScent xuống lần lượt 4,63 và 4,24 USD/mmBtu.
Tiêu thụ khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2019 đã tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước lên 77 tỷ m3.
Bông thấp nhất 1,5 năm
Giá bông trên sàn giao dịch New York giảm do báo cáo tháng này của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán tồn trữ cuối vụ ở Mỹ tăng, trong khi nhu cầu trở nên thiếu chắc chắn do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Bông kỳ hạn giao tháng 7/2019 trên sàn New York giảm 1,78 UScent tương đương 2,5% xuống 68,45 UScent/lb vào cuối phiên 10/5/2019. Đầu phiên có lúc giá chỉ 68,35 UScent, thấp nhất kể từ 10/11/2017.
USDA dự đoán tồn trữ bông cuối niên vụ 2019/20 sẽ ở mức 6,4 triệu kiện, tăng 1,8 triệu kiện so với một năm trước đó, đồng thời cũng cho rằng tiêu thụ bông toàn cầu sẽ tăng 2,6% lên 125,9 triệu kiện, cao hơn chút ít so với kỷ lục đạt được vào năm 2006/07.
Hành tăng ở Trung Á
Giá hành tại các nước Trung Á tăng nhanh do nhu cầu mạnh lên đối với hành nhập khẩu. Các nước cung cấp hành cho khu vực trung Á là Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và các nước Liên minh Châu Âu. Các thị trường này hiện đang tiêu thụ hành sản xuất từ năm ngoái, còn hành vụ thu hoạch sớm của năm nay chưa có nhiều.
Giá hành vụ mới trong tuần này ở Tajikistan đã tăng gấp 3 lần so với cách đây không lâu, từ 80 USD/tấn lên 260 USD/tấn. Ở Uzbekistan, giá hành thu hoạch trong năm 2019 cũng tăng từ 100-150 USD/tấn lên 300 USD/tấn. Trong khi đó ở Ucraina giá cũng tăng từ 410 USD/tấn lên 1.200 USD/tấn.
Hiện nay, bên cạnh việc cạnh tranh với các nhà nhập khẩu ở các thị trường Balan, Đức, hà Lan, Áo, CH Séc và nhiều nước khác, các nhà nhập khẩu hành và rau Ukraina phải cạnh tranh với các nhà nhập khẩu ở khu vực Trung Á. Trang Micetimes.asia dự đoán giá hành ở EU trong tương lai gần sẽ tiếp tục tăng lên do thiếu cung nghiêm trọng.
Tỏi ở Trung Quốc sẽ tăng giá do nhu cầu xuất khẩu
Giá tỏi ở Trung Quốc nhìn chung bắt đầu tăng từ tuần trước (mặc dù giá tỏi tươi giảm nhẹ vì Hà Nam bắt đầu thu hoạch mà tỏi tươi không thể thay thế hoàn toàn được tỏi khô). Thời điểm này là giao mùa, khi đã có tỏi mới nhưng thị trường phần lớn vẫn dùng tỏi cũ (vụ trước). Lúc này nguồn cung tỏi vụ cũ đang giảm nhanh, các kho của doanh nghiệp không còn nhiều trong khi nhu cầu từ khách hàng khá mạnh khi xuất khẩu tỏi Trung Quốc sang Ấn Độ tuần trước tăng lên. Ở Trung Quốc, Hà Nam thu hoạch tỏi trước, nguồn cung từ đây sẽ nhanh chóng tăng lên. Sau Hà Nam là đến Jinxiang (từ cuối tháng 5).
Ngành sản xuất tỏi Trugn Quốc những năm gần đây gặp khó do thiếu nhân lực. Chi phí lao động bắt đầu tăng lên khiến cho giá bán tỏi cũng phải tăng theo.
Trái cây theo mùa vụ được nhập khẩu qua biên giới vào Myanmar
Bộ Thương mại Myanmar thông báo các trái cây theo mùa như táo, đào, xoài, chanh và các loại khác sẽ được phép nhập khẩu từ biên giới với các nước láng giềng vào nước này (trong mùa vụ).
Theo Elevenmyanmar.com, quyết định này được đưa ra vào ngày 9/4/2019, theo đó cho phép nhập khẩu qua biên giới một số loại trái cây mà Myanmar chưa trồng như táo, nho, đào, anh đào, me ngọt và chà là. Khung thời gian cho phép sẽ được thiết lập cụ thể đối với từng loại trái cây. Chẳng hạn cam mật sẽ được nhập từ tháng 3 đến tháng 9, sầu riêng từ tháng 9 đến tháng 4, chôm chôm từ tháng 9 đến tháng 3… qua cửa khẩu Mywawaddy, còn cửa khẩu Tachelikcho phép nhập khẩu các loại quả này quanh năm.
Thanh long sẽ được nhập từ tháng 12 đến tháng 5 từ tất cả các cửa khẩu, cam Sunkist nhập từ tháng 2 đến tháng 5, còn cam nhỏ được phép nhập khẩu quanh năm; quả Jack được nhập khẩu trong tháng 1 và tháng 2, trong khi nhãn, chanh sẽ được nhập khẩu quanh năm. Nhập khẩu các loại trái cây theo mùa mùa này nhập khẩu từ các khu vực biên giới sẽ được thay đổi tùy thuộc vào vùng sản xuất.
Giá một số mặt hàng chủ chốt ngày 11/5