Thị trường ngày 13/2: Giá dầu tăng, đồng cao nhất 8 năm; vàng và cao su giảm
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu, đồng và ngô đảo chiều tăng. Trái lại, giá vàng và bạch kim giảm. Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hàng hóa nguyên liệu trong thời gian tới.
- 12-02-2021Thị trường ngày 12/2: Giá dầu, vàng, đồng và nông sản giảm khỏi mức cao kỷ lục
- 12-02-2021Sau năm 2020 “bùng nổ”, thị trường gạo thế giới sẽ ra sao trong năm 2021?
- 11-02-2021Thị trường ngày 11/2: Giá dầu tăng 9 phiên liên tiếp, đồng đạt “đỉnh” 8 năm, bạch kim cao nhất 6 năm
Dầu tăng
Giá dầu đảo chiều tăng trở lại trong phiên vừa quaa nhưng xu hướng tăng không bền vững do lo ngại nhu cầu yếu, mặc dù vẫn kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ giữa bối cảnh nguồn cung thắt chặt bởi các nước sản xuất dầu lớn cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 29 US cent (0,5%) lên 61,43 USD/thùng, sau khi có thời điểm trước đó giảm xuống chỉ 60,35 USD; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 14 US cent (0,2%) lên 58,38 USD/thùng, trong phiên có lúc cũng xuống chỉ 57,41 USD.
Những tuần gần đây, giá dầu liên tiếp tăng do chính sách kiềm chế sản lượng của OPEC+ và hy vọng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, tuần này OPEC công bố dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ hồi phục chậm hơn dự kiến và IEA cho biết nguồn cung vẫn vượt xa nhu cầu, khiến giá dầu có nhiều phiên giảm điểm.
Tại Trung Quốc, số người đi lại trước Tết Nguyên đán năm nay giảm 70% so với năm trước do những hạn chế chống Covid-19.
Vàng giảm, bạch kim ngừng tăng
Giá vàng trong phiên vừa qua giảm do USD mạnh lên, trong khi bạch kim cũng ngừng nghỉ sau một đợt tăng giá mạnh mẽ bởi kỳ vọng nhu cầu hồi phục theo tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.816,4 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4/2021 giảm 0,6% xuống 1.816,3 USD/ounce.
David Madden, nhà phân tích thị trường thuộc công ty CMC Markets UK, cho biết: "Mối quan hệ nghịch đảo giữa vàng và đồng USD gần đây rất rõ rệt và sự phục hồi của đồng USD đã có tác động tiêu cực (đến vàng)". Đồng USD phiên này tăng 0,2%, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những nhà đầu tư giao dịch bằng các loại tiền tệ khác.
Giá bạch kim giao ngay phiên này cũng giảm 1,3% xuống 1.219,13 USD/ounce sau khi chạm mức cao kỷ lục hơn 6 năm ở phiên trước đó, 1.268,88 USD/ounce. Tính chung cả tuần, bạch kim tăng hơn 8% nhiều nhất kể từ đầu tháng 12, nhờ nhu cầu hồi phục mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp.
Đồng cao nhất 8 năm
Giá đồng tăng trở lại lên mức cao nhất 8 năm do nhà đầu tư đặt cược giá sẽ còn tăng tiếp.
Kết thúc phiên này, đồng giao sau 3 tháng tăng 0,3% lên 8.302 USD/tấn, sau khi có thời điểm trong phiên lên tới 8.350 USD, cao nhất kể từ tháng 2/2013, tính từ tháng 3 năm ngoái đến nay đã tăng khoảng 90%.
Tuy nhiên, sự thiếu vắng các thương gia Trung Quốc vì đang kỳ nghỉ lễ đã hạn chế đà tăng. Sàn Thượng Hải của Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào ngày 18/2.
Đường thô giảm tiếp
Giá đường thô tiếp tục lùi xa khỏi mức cao nhất 4 năm do nhà đầu tư xác định thiếu cung hiện nay chỉ do vấn đề hậu cần, bởi nguồn cung của Ấn Độ vẫn dồi dào.
Kết thúc phiên này, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 0,14 US cent (0,85%) xuống 16,41 US cent/lb; đường trắng giao cùng ỳ hạn (phiên giao dịch cuối cùng trước khi đáo hạn) tăng 1 USD (0,2%) lên 471 USD/tấn.
Phiên 10/2, giá đường thô đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2017, là 17,05 US cent/lb. Xuất khẩu đường của Ấn Độ năm marketing này (đến tháng 9/2021) có thể giảm trên 24% do những hạn chế về hậu cần, như thiếu container và tắc nghẽn ở cảng biển.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5 giảm 0,5 US cent (0,4%) xuống 1,2250 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 11 USD (0,87%) xuống 1.351 USD/tấn.
Đồng real Brazil yếu đi đã gây áp lực giảm giá cho arabica.
Ngô, lúa mì, đậu tương tăng
Giá ngô Mỹ tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, kết thúc một tuần đầy biến động, khi giá giảm từ mức cao nhất 7,5 năm để rồi sau đó tăng trở lại.
Trên sàn Chicago, giá ngô tăng 0,5% lên 5,43-3/4 USD/bushel, đầu tuần có lúc giá đạt mức cao nhất 7 năm rưỡi. Giá đậu tương tăng 0,4% lên 13,72-1/4 USD/bushel; lúa mì tăng 1/4 US cent lên 6,33-3/4 USD/bushel.
Thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiêp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung của Mỹ sẽ cao hơn những con số ước tính trước đây, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc vẫn cao.
Đậu tương cũng tăng giá trong phiên vừa qua giữa bối cảnh dự báo sản lượng của Nam Mỹ sẽ bội thu nhưng tồn trữ của Mỹ bị thắt chặt. Theo Conab, sản lượng đậu tương Mỹ dự báo sẽ cao k ỷ lục 133,817 triệu tấn trong niên vụ 2020/21, trong khi dự báo về sản lượng ngô cũng được điều chỉnh tăng lên.
Cao su giảm
Giá cao su trên sàn Osaka (Nhật Bản) giảm do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy nhà đầu tư bán cao su ra. Giá dầu giảm cũng gây thêm áp lực giảm giá cao su.
Kết thúc phiên cuối tuần, cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Osaka giảm 4,6 JPY (1,9%) xuống 238,5 JPY (2,3 USD)/kg, trong phiên có lúc xuống chỉ 231,4 JPY. Tính chung cả tuần, giá giảm 0,4%.
Khối lượng giao dịch cao su rất thấp cho các thị trường Trung Quốc và hầu hết các nước Đông Nam Á đóng cửa nghỉ Tết. Thị trường chứng khoán cũng như hang hóa Trung Quốc đều đóng cửa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua đã có cuộc điện đàm đầu tiên, bàn về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương. Theo Reuters, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hợp tác hai bên cùng thắng, thì Tổng thống Mỹ gọi Trung Quốc là "đối thủ lớn nhất" của Mỹ và thề sẽ đánh bại Bắc Kinh.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 13/2