MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 14/2: Giá dầu và vàng cùng tăng, hoa tiêu thụ mạnh

14-02-2019 - 09:00 AM | Thị trường

Giá hoa trên các thị trường quốc tế đều tăng khá mạnh trước và trong ngày Valentine.

Dầu tăng do sản lượng của Saudi Arabia giảm

Giá dầu tăng gần 2% trong phiên vừa qua sau khi Saudi Arabia khẳng định sẽ giảm cả sản lượng và xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng ngăn cản giá tăng mạnh.

Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 1,19 USD tương đương 1,9% lên 63,61 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức 63,98 USD.

Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết nước ông sẽ giảm sản lượng dầu xuống dưới 10 triệu thùng/ngày vào tháng 3 tới, nhiều hơn nửa triệu thùng so với cam kết trong OPEC+. Nguồn cung sẽ càng khan hiếm bởi theo đánh giá của Goldman Sachs, việc Mỹ trừng phạt Venezuela có thể khiến nguồn cung của nước này giảm khoảng 330.000 thùng/ngày,

Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường dầu toàn cầu vẫn dư cung nhiều bởi "dư thừa lớn từ nửa cuối 2018", sản lượng sẽ vượt nhu cầu trong năm nay, và đối với năm 2019, chỉ riêng sản lượng của Mỹ tăng cũng nhiều hơn mức sản lượng hiện tại của Venezuela.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, sản lượng của Mỹ sẽ tăng 1,45 triệu thùng/ngày trong năm 2019, tăng tiếp 790 triệu thùng/ngày trong năm tiếp theo và đạt 13 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Dự trữ dầu thô Mỹ tuần qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2017 do các nhà máy lọc dầu hoạt động ở công suất thấp nhất kể từ tháng 10/2017.

Thị trường ngày 14/2: Giá dầu và vàng cùng tăng, hoa tiêu thụ mạnh - Ảnh 1.

Vàng cao nhất hơn 1 tuần

Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ tín hiệu sẽ kiên nhẫn hơn trong kế hoạch nâng lãi suất. Tuy nhiên, chứng khoán đi lên đã cản trở giá vàng tăng mạnh.

Vàng giao ngay tăng 0,1% trong phiên vừa qua, lên 1.311,29 USD/ounce vào cuối phiên, trước đó có lúc đạt mức cao nhất kể từ 4/2/2019 là 1.318,12 USD. Vàng giao sau tăng 0,1% lên 1.315,10 USD/ounce.

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 1 vừa qua không thay đổi tháng thứ 3 liên tiếp, dẫn tới lạm phát so theo năm tăng ít nhất trong vòng 1,5 năm. Đây có thể là lý do khiến cho Fed giữ nguyên lãi suất trong một thời gian.

Cao su tăng bởi Trung Quốc khuyến khích tiêu thụ ô tô

Giá cao su trên sàn Tokyo tăng theo xu hướng của sàn Thượng Hải nhờ những chính sách thúc đẩy tiêu thụ ô tô của Trung Quốc. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7/2019 tại Tokyo tăng 2,2 JPY (0,0199 USD) lên 183,1 JPY/kg; hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2019 tại Thượng Hải tăng 90 CNY (13,31 USD) lên 11.675 USD/tấn.

Bắc Kinh hồi cuối tháng 1/2019 thông báo sẽ trợ cấp cho người mua ô tô trên toàn quốc – nỗ lực nhằm kích thích tiêu thụ mặt hàng này. Một số công ty bắt đầu thực hiện chính sách này kể từ ngày 13/2/2019.

Sắt, thép giảm tiếp

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục giảm phiên thứ 2 liên tiếp bởi các nhà đầu tư chờ để biết rõ ràng hơn tình hình nguồn cung sau khi hãng Vale của Brazil phải đóng cửa một số mỏ khai thác.

Quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 3,3% xuống 624 CNY (92,34 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống chỉ 615 CNY lúc đầu phiên.

Thép cũng giảm giá theo xu hướng quặng sắt. Thép cây giao dịch trên sanfThwowngj Hải giảm 2,5% xuống 3.702 CNY/tấn, trong khi đó thép cuộn cán nóng giảm 2,1% xuống 3.608 CNY/tấn.

Lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp do những xung đột thương mại với Mỹ tiếp tục cản trở các mặt hàng sắt thép tăng giá.

Cà phê thấp nhất gần 2 tháng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 1,55 US cent tương đương 1,5% xuống 98,80 US cent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 98,65 US cent, thấp nhất kể từ 19/12/2018. Nguyên nhân bởi tỷ giá đồng real Brazil so với USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng, kích thích các nhà sản xuất Brazil bán cà phê ra. Robusta cũng giảm 1 USD tương đương 0,1% trong phiên vừa qua, xuống 1.534 USD/tấn.

Đường thô giảm, đường trắng tăng

Giá đường thô cũng giảm trong phiên vừa qua do đồng real yếu đi, mặc dù Brazil vẫn dành tỷ lệ lớn mía cho sản xuất ethanol. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,1 US cent tương đương 0,8% xuống 12,75 US cent/lb. Công ty mía đường Mexico Sucroliq dự báo Mexico sẽ sản xuất 6,2 triệu tấn đường trong vụ mùa 2019, tức là dư thừa 2,1 triệu tấn.

Đường trắng hợp đồng kỳ hạn tháng 3 trái lại tăng 6,2 USD tương đương 1,9% lên 332 USD/tấn vào cuối phiên, mặc dù trước đó có lúc xuống mức thấp nhất 4 tháng là 320,4 USD/tấn.

Nhập khẩu rau tươi vào Nhật nhiều nhất trong hơn một thập kỷ

Nhập khẩu rau tươi của Nhật Bản năm 2018 tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Nguyên dân bởi các nhà chế biến thực phẩm tăng mạnh lượng nhập sau hàng loạt các vụ thiên tai.

Theo nguồn tin Nhk.or.jp, Nhật Bản đã nhập khẩu gần 1 triệu tấn rau trong năm 2018, tăng 14% so với năm trước đó và là mức cao nhất trong vòng 13 năm. Hầu hết rau nhập khẩu vào Nhật Bản đến từ Trung Quốc.

Trong các loại rau nhập khẩu, hành tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất (về khối lượng) với gần 300.000 tấn, không thay đổi so với năm 2017. Trong khi đó nhập khẩu bắp cải từ Trung Quốc tăng mạnh nhất, tăng 500% lên khoảng 16.000 tấn, đưa tổng lượng bắp cải nhập khẩu tăng gấp đôi lên khoảng 92.000 tấn.

Tajikistan tạm ngừng nhập khẩu trái cây Trung Quốc

Cơ quan Kiểm dịch quốc gia Tajikistan thông báo nước này tạm dừng nhập khẩu trái cây Trung Quốc bởi phát hiện thấy nhiễm một số yếu tố gây hại cho sức khỏe con người.

Nguồn tin Foodmate.net cho biết, chuyên gia nông nghiệp Tajikistan, Leonid Kholod, giải thích rằng: "Trái cây Trung Quốc nhìn bắt mắt, nhưng hương vị không ngon bằng trái cây do Tajikistan sản xuất. Và đặc biệt, những loại thuốc trừ sâu mà nông dân Trung Quốc sử dụng không phân hủy được (không thể loại bỏ ra khỏi các loại rau quả mà họ sản xuất)".

Người phát ngôn của Chính phủ Tajikistan cho biết: "Thay vì tốn rất nhiều năng lượng để kiểm tra chất lượng trái cây Trung Quốc thì việc cấm nhập khẩu từ xuất xứ này dễ dàng hơn nhiều. Điều đó cũng có lợi cho ngành sản xuất trái cây Tajikistan".

Tajikistan đã từng nhập khẩu khoảng 250 tấn trái cây Trung Quốc mỗi năm, cho đến năm 2018. Nhưng kể từ đó, Tajikistan đã tăng nhập khẩu trái cây từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ecuador, Pakistan và Kyrgyzstan.

Hoa tiêu thụ mạnh trước và trong ngày Valentine

Tại Trung Quốc, giá và tiêu thụ hoa tăng gấp đôi trong tuần này. Hoa hồng vẫn là lựa chọn số 1, nhưng các loại hoa khác cũng được người tiêu dùng rất ưa thích. Thống kê của Taobao dựa trên lượng mua trực tuyến cho thấy đơn đặt hàng mua hoa của Taobao tăng khoảng 70% trong năm nay, trong đó riêng hoa hồng tăng gấp 3 lần. Tại chợ hoa Kunming Dounan của tỉnh Vân Nam, trong khoảng 4 ngày qua khối lượng giao dịch luôn vững ở mức khoảng 10 triệu cành/ngày, có ngày lên tới 15 triệu cành. Giá bán lẻ hoa trung bình tăng khoảng 2% so với Valentine năm ngoái. Một bông hồng hiện giá bán có thể lên tới 8 CNY (1,18 USD).

Các thị trường hoa khác cũng rất sôi động. Tại Philippine, giá hoa ở chợ bán buôn Bankerohan tăng trên 50% trong mấy ngày qua. Một trong những loại hoa bán chạy nhất, hồng đỏ, giá tới 50 peso (0,96 USD)/cành, trong khi bình thường chỉ 20 peso. Một tá hoa hồng đỏ chưa gói giá khoảng 60 peso (11,5 USD), còn đã gói giá khoảng 1.000 peso. Đặc biệt, loại hồng Ecuador giá tới 250 – 400 peso (4,79 – 7,66 USD)/cành tùy màu sắc.

Tại Pakistan, mỗi bông hồng giá cũng lên tới 300 – 400 rupee. Tại Kenya, mỗi bó hoa hồng hiện có giá 3,5 – 4,5 USD, tăng khoảng 0,5 USD so với một tuần trước đây, và khá mạnh so với mức chỉ khoảng 2,5 USD trong dịp Vanlentine năm ngoái. Những bó quà có cả hoa kèm sôcôla hoặc rượu vang có giá khoảng 20 đến 250 USD/gói.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng nay 14/2

Thị trường ngày 14/2: Giá dầu và vàng cùng tăng, hoa tiêu thụ mạnh - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên