MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 14/6: Giá dầu tăng mạnh trở lại, quặng sắt thiết lập mức cao kỷ lục mới

14-06-2019 - 08:33 AM | Thị trường

Thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2019 đã thúc đẩy giá vàng và đồng tăng trở lại. Chốt phiên giao dịch đêm qua 13/6, giá dầu tăng 2,2%, đường cao nhất 1,5 tháng, quặng sắt đạt mức cao kỷ lục mới, trong khi khí tự nhiên vẫn thấp nhất gần 3 năm.


Dầu tăng trở lại

Giá dầu tăng 2,2% sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu tại vịnh Oman, dấy lên mối lo ngại về sự suy giảm dòng chảy dầu thô thương mại thông qua một trong những tuyến vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới.

Chốt phiên giao dịch đêm qua 13/6, dầu thô Brent tăng 1,34 USD tương đương 2,23% lên 61,31 USD/thùng, trong phiên có lúc tăng mạnh 4,5% lên 62,64 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,14 USD tương đương 2,23% lên 52,28 USD/thùng, trong đầu phiên giao dịch tăng 4,5% lên 53,45 USD/thùng. Như vậy, cả hai loại dầu có ngày tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 1/2019, song cả hai vẫn đang hướng tới 1 tuần giảm.

Khí tự nhiên vẫn thấp nhất gần 3 năm

Giá khí tự nhiên tại Mỹ vẫn giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm trong tuần trước, do dự trữ cao hơn so mức bình thường mặc dù mức tăng ít hơn so với dự kiến.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn New York giảm 6,1 US cent tương đương 2,6% xuống 2,325 USD/mBTU, thấp nhất kể từ ngày 31/5/2016.

Vàng cao nhất 1 tuần, palađi cao nhất hơn 6 tuần

Vàng tăng lên mức cao nhất 1 tuần, do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất sau số liệu lạm phát suy giảm, song chứng khoán tăng đã hạn chế đà tăng.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) tăng 0,5% lên 1.340,13 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.344,6 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 7/6/2019. Vàng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn New York tăng 0,5% lên 1.343,7 USD/ounce.

Nhà phân tích kim loại quý Suki Cooper thuộc Standard Chartered Bank cho biết: "Những lo ngại xung quanh suy thoái kinh tế hay nền kinh tế Mỹ chậm lại đã thúc đẩy kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2019".

Đồng thời, palađi tăng 2,6% lên 1.442,51 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.447,26 USD/ounce, cao nhất hơn 6 tuần.

Đồng tăng trở lại

Đồng tăng sau số liệu kinh tế Mỹ suy yếu làm gia tăng kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất, song lo ngại về nhu cầu tại những nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc và Mỹ - đã hạn chế đà tăng.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,1% lên 5.858 USD/tấn. Đầu tháng 6/2019, giá đồng chạm mức thấp nhất kể từ ngày 3/1/2019 là 5.740 USD/tấn.

Quặng sắt thiết lập mức cao kỷ lục mới, thép giảm

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng trở lại trong vài phút cuối phiên giao dịch lên mức cao kỷ lục mới, do dự kiến nguồn cung sẽ vẫn thắt chặt và nhu cầu tăng mạnh.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên tăng 1,6% lên 782 CNY (113,01 USD)/tấn, mức cao kỷ lục mới. Trong đầu phiên giao dịch, giá quặng sắt giảm 1,5% do các nhà đầu tư bán ra chốt lời, sau khi nguyên liệu sản xuất thép tăng lên mức cao kỷ lục trong đầu tuần này, được thúc đẩy bởi dự kiến nguồn cung sẽ không được cải thiện trong nửa cuối năm nay.

Giá quặng sắt giao ngay sang Trung Quốc loại 52% Fe ở mức 72,5 USD/tấn, loại 58% Fe ở mức 92 USD/tấn, loại 65% Fe ở mức 120,5 USD/tấn và loại 62% Fe ở mức 104,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Giá quặng sắt được hỗ trợ bởi dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc giảm xuống 121,6 triệu tấn, thấp nhất kể từ đầu năm 2017, công ty tư vấn SteelHome cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu từ các nhà cung cấp hàng đầu Brazil và Australia suy giảm.

Trong khi đó, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 0,3% xuống 3.792 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng giảm 0,2% xuống 3.637 CNY/tấn.

Cao su giảm trở lại

Giá cao su tại Tokyo giảm theo xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải, ngay cả khi giá dầu tăng sau 1 vụ tấn công tàu chở dầu gần Iran.

Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn TOCOM giảm 0,3 JPY (0,0028 USD) xuống 204,6 JPY/kg. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn TOCOM giảm 0,5 JPY xuống 164,8 JPY/kg.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 35 CNY (5,06 USD) xuống 12.260 CNY/tấn.

Đường cao nhất 1,5 tháng, cà phê giảm

Giá đường tăng cao nhất 1,5 tháng được hỗ trợ bởi thông tin sản lượng đường niên vụ 2019/20 tại Ấn Độ - nước sản xuất hàng đầu - có thể giảm 15% do hạn hán đe dọa trữ lượng mía đường, trong khi giá cà phê giảm.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn ICE tăng 0,13 US cent tương đương 1% lên 12,75 US cent/lb, cao nhất kể từ ngày 22/4/2019. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn ICE tăng 2 USD tương đương 0,6% lên 335,7 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn ICE giảm 1,75 US cent tương đương 1,7% xuống 99,75 US cent/lb. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE giảm 15 USD tương đương 1% xuống 1.414 USD/tấn.

Trong khi đó, giá cà phê robusta thị trường nội địa Việt Nam tăng 2,1% so với phiên trước đó, do biến động của tỉ giá hối đoái khiến một số nông dân găm hàng không bán ra.

Gạo Ấn Độ và Việt Nam giảm, Thái Lan không thay đổi

Giá xuất khẩu gạo Ấn Độ và Việt Nam giảm trong phiên giao dịch vừa qua do nhu cầu yếu, trong khi đồng baht Thái Lan tăng mạnh khiến nguồn cung từ Thái Lan kém cạnh tranh ngay cả khi nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới khó khăn trong việc ký hợp đồng các đơn hàng mới.

Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm ở mức 365-367 USD/tấn, giảm so với 366-369 USD/tấn trong phiên giao dịch trước đó.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giảm xuống 345-350 USD/tấn so với 350-360 USD/tấn phiên trước đó, do chất lượng gạo từ vụ thu hoạch lúa hè thu kém.

Tại Thái Lan, gạo 5% tấm không thay đổi ở mức 393-404 USD/tấn. Các thương nhân cho biết nhu cầu gạo Thái Lan vẫn chậm chạp, không có hợp đồng lớn nào trong ngắn và trung hạn. Trong khi đó, đồng baht đạt mức cao nhất gần 4 tháng so với đồng USD, tiếp tục gây áp lực đối với giá gạo.

Dầu cọ tăng gần 2%

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng gần 2% trong nửa đầu phiên giao dịch, được hỗ trợ bởi giá dầu đậu tương trên sàn Chicago qua đêm tăng.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,4% lên 1.995 ringgit (479,68 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá dầu cọ tăng 1,7% lên 2.001 ringgit/tấn. Tính từ đầu tuần đến nay giá dầu cọ giảm 1,6%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp, do giá dầu đậu tương suy yếu và lo ngại nhu cầu xuất khẩu chậm lại.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 14/06

Thị trường ngày 14/6: Giá dầu tăng mạnh trở lại, quặng sắt thiết lập mức cao kỷ lục mới     - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên