Thị trường ngày 15/10: Giá dầu giảm 2%, vàng, đồng, ngũ cốc đồng loạt giảm
Phiên 14/10 giá dầu giảm 2% sau khi OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, trong khi các biện pháp kích thích của Trung Quốc không vực dậy được niềm tin của nhà đầu tư khiến vàng, đồng đều giảm.
- 15-10-2024Sóng gió sắp đến với dầu Nga: Ông trùm dầu mỏ lớn nhất thế giới chuẩn bị hạ giá dầu thô toàn cầu, ‘dằn mặt’ các quốc gia không cắt giảm sản lượng
- 14-10-2024Trung Quốc thu mua mạnh cau Việt Nam: Hóa ra loại quả này được chế biến thành nhiều thứ đến vậy
- 14-10-2024Bị Ấn Độ, Nga cấm xuất khẩu, một nguyên liệu quan trọng có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu - là mặt hàng Việt Nam có sản lượng 11 triệu tấn/năm
Dầu giảm 2% do OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu
Giá dầu giảm 2% do OPEC giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 và 2025 trong khi lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ 5 liên tiếp.
Các kế hoạch kích thích của Trung Quốc cũng không vực dậy được niềm tin của nhà dầu tư trong khi các thị trường tiếp tục theo dõi các cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran.
Chốt phiên 14/10, dầu thô Brent giảm 1,58 USD hay 2% xuống 77,46 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 1,73 USD hay 2,29% xuống 73,83 USD/thùng. Dầu Brent đã giảm 0,99 USD trong tuần trước trong khi dầu WTI tăng 1,18 USD.
Trong ngày 14/10, OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2024 và cũng giảm dự báo của họ cho năm tới, đánh dấu lần điều chỉnh giảm lần thứ 3 liên tiếp của tổ chức này.
Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chiếm phần lớn mức giảm trong năm 2024 khi OPEC giảm dự báo tăng trưởng của nước này xuống 580.000 thùng/ngày từ 650.000 thùng/ngày.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 10,99 triệu tấn.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc đang giảm do sử dụng xe điện ngày càng tăng cũng như tăng trưởng kinh tế đang chậm lại sau đại dịch Covid-19, đã kìm hãm mức tiêu thụ và giá dầu toàn cầu.
Áp lực giảm phát của Trung Quốc cũng tồi tệ hơn trong tháng 9, theo số liệu chính thức công bố trong ngày 12/10. Một cuộc họp báo trong cùng ngày này đã khiến các nhà đầu tư đoán về quy mô một gói kích thích để khôi phục nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Tin tức tiêu cực từ Trung Quốc đã lấn át mối lo ngại của thị trường về khả năng đáp trả của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran hôm 1/0 có thể làm gián đoạn sản lượng dầu mỏ.
USD tăng giá có thể gây tổn hại tới nhu cầu vì khiến dầu đắt hơn cho những người mua bằng ngoại tệ khác.
Vàng giảm
Giá vàng giảm do các biện pháp kích thích kinh tế rộng rãi ở Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, không thể kích hoạt niềm tin của các nhà đầu tư và do USD tăng lên mức cao nhất hai tháng.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.649,98 USD/ounce, trước đó giá đạt mức cao nhất trong hơn một tuần. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,4% xuống 2.665,6 USD/ounce.
USD tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 8, trong khi đồng euro tiếp tục giảm trước cuộc họp của ngân hàng trung ương trong tuần này.
Đợt tăng giá vàng kỷ lục trong vài tháng qua đã làm giảm niềm tin nhà đầu tư và nhu cầu vàng ở Trung Quốc. USD mạnh hơn khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.
Quặng sắt tăng do hy vọng các biện pháp kích thích mới của Bắc Kinh
Quặng sắt tăng do triển vọng kích thích tài chính tiếp theo từ Trung Quốc sau cuộc họp báo quan trọng của chính phủ đã nâng cao tâm lý trên thị trường thép của nước này.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 1,97% lên 800,5 CNY (113,08 USD)/tấn sau khi tăng hơn 3% trước đó.
Tại Singapore quặng sắt giao tháng 11 tăng 1,4% lên 107,7 USD/tấn.
Thép thanh và thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải tăng khoảng 1,36%, dây thép cuộn tăng 0,96% và thép không gỉ tăng 0,32%.
Trung Quốc trong ngày thứ bảy 12/10 đã cam kết một gói chính sách tài khóa gia tăng mới đã tăng cao tâm lý thị trường hàng hóa gồm thép.
Giá các sản phẩm thép thăng, số lượng nhà máy thép tích hợp tại Trung Quốc cuối cùng đã có lợi nhuận từ doanh số bán thép tăng nhanh chóng, dẫn tới tỷ lệ hoạt động trung bình của 87 nhà sản xuất thép tăng 1,85 điểm phần trăm trong giai đoạn 4-11/10.
Tuy nhiên, các dấu hiệu giảm phát trong nước và việc các biện pháp kích thích của họ thiếu rõ ràng đã làm lu mờ triển vọng nhu cầu.
Cao su Nhật Bản phục hồi
Giá cao su Nhật Bản kết thúc chuỗi giảm hai ngày, do triển vọng kích thích tài chính tiếp theo từ Trung Quốc sau một cuộc họp quan trọng của chính phủ cuối tuần qua.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2025 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 7,5 JPY hay 1,94% lên 393,9 JPY (2,64 USD)/kg.
Tại Thượng Hải cao su kỳ hạn tháng 1/2025 tăng 230 JPY hay 1,28% lên 18.180 CNY (2.567,62 USD)/tấn.
Tâm lý trái chiều chiếm ưu thế trong các thị trường cao su tự nhiên sau hội nghị được mong đợi từ lâu của Bộ Tài chính Trung Quốc. Cuộc họp báo đã làm thất vọng những nhà đầu tư trên thị trường, những người dự kiến sẽ có ngay các biện pháp kích thích tài chính, trong khi những người khác lại thấy tích cực khi Bộ xác nhận các biện pháp kích thích chính sách lớn mặc dù chi tiết chưa rõ ràng.
Đồng giảm
Giá đồng giảm do kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc thiếu chi tiết, áp lực giảm phát tại quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới này và đồng USD mạnh, nhưng nhập khẩu đồng của Trung Quốc tăng đã hỗ trợ một phần.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,3% xuống 9.660 USD/tấn.
Việc cho vay mới của ngân hàng ở Trung Quốc không đạt kỳ vọng và tăng trưởng tổng tài chính xã hội chậm lại cũng làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu, trong khi giảm phát giá sản xuất ngày càng trầm trọng, cho thấy Trung Quốc cần triển khai thêm các biện pháp kích thích nhanh chóng hơn để phục hồi nhu cầu và hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, cam kết tăng đáng kể nợ của Trung Quốc để phục hồi tăng trưởng không bao gồm số tiền bằng USD trong gói này, gồm cả hỗ trợ cho thị trường bất động sản.
USD mạnh lên cũng khiến các kim loại định giá bằng đồng bạc xanh này đắt hơn cho người giữ các ngoại tệ khác làm giảm nhu cầu.
Lượng đồng nhập khẩu chưa gia công của Trung Quốc trong tháng 9 đạt 479.000 tấn, tăng 15,4% so với tháng 8, do nhu cầu cải thiện theo mùa và triển vọng nhu cầu mạnh hơn.
Dự trữ đồng tại các kho của sàn giao dịch Thượng Hải sát mức 156.485 tấn, giảm hơn 50% kể từ tháng 6 cho thấy nhu cầu mạnh hơn.
Cà phê tăng
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 141 USD hay 2,9% lên 4.969 USD/tấn bởi dự đoán sản lượng vụ thu hoạch giảm ở Việt Nam.
Năm thương nhân và những người đại diện ngành cho biết vụ cà phê niên vụ mới (bắt đầu từ tháng này) tại Việt Nam sẽ giảm tới 10% xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 4% lên 2,6205 USD/lb.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,15 US cent hay 0,7% lên 22,39 US cent/lb, thị trường này đang củng cố sau khi giảm 3,3% trong tuần trước.
Các đại lý cho biết sản lượng đường giảm nhiều hơn dự kiến tại Trung Nam Brazil trong nửa cuối tháng 9 đã giúp củng cố giá.
Công ty kinh doanh hàng hóa Wilmar International đã cắt giảm dự báo của họ về sản lượng đường của Brazil trong niên vụ 2024/25 do sản lượng và chất lượng mía giảm nhanh chóng bởi khô hạn và các vụ cháy ở trang trại.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 1% lên 575,3 USD/tấn.
Ngô, đậu tương, lúa mì giảm
Ngô và đậu tương của Mỹ giảm do áp lực nguồn cung sau khi chính phủ Mỹ nhắc lại dự báo vụ mùa bội thu trong khi mưa cải thiện tại Brazil làm giảm lo ngại về khô hạn.
Lúa mì giảm do USD mạnh lên và sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ nâng triển vọng nguồn cung lúa mì toàn cầu trong một báo cáo hàng tháng.
Đậu tương kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Chicago xuống thấp nhất 11 tháng và đóng cửa giảm 9-1/2 US cent xuống 9,96 USD/bushel. Ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 7-1/2 US cent xuống 4,08-1/4 USD/bushel, thấp nhất 3 tuần.
Lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 13-3/4 US cent xuống 5,85-1/4 USD/bushel, áp lực giảm bởi việc bán ra theo kỹ thuật và không chắc chắn về nguồn cung ở Biển Đen.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/10
Nhịp sống thị trường