Thị trường ngày 15/3: Giá thép và cao su giảm, vàng lại xuống dưới 1.300 USD/ounce, dầu thô biến động thất thường
Phiên vừa qua, lo ngại nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, kinh tế thế giới có thể sa sút do kinh tế Trung Quốc yếu đi và các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa thấy hồi kết đã tác động lên các thị trường hàng hóa. USD mạnh lên cũng gây ảnh hưởng tới giá gạo, đường và vàng.
- 14-03-2019Thị trường ngày 14/3: Giá dầu lên cao nhất kể từ tháng 11/2018, kẽm lập đỉnh 8 tháng
- 13-03-2019Thị trường ngày 13/3: Giá dầu tăng vì bất lợi về nguồn cung, đồng và kẽm lập đỉnh cao 7 tháng
- 12-03-2019Thị trường ngày 12/3: Dầu thô tăng, giá thịt lợn Trung Quốc cao nhất 14 tháng
Dầu biến động giữa những thông tin tác động trái chiều
Giá dầu biến động nhẹ sau khi chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 giữa bối cảnh OPEC có thể duy trì chương trình cắt giảm sản lượng qua tháng 6/2019 nhưng dự báo về nhu cầu dầu thô cũng bị điều chỉnh giảm do sự thiếu chắc chắn về kết quả các cuộc thương lượng Mỹ - Trung cũng như về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong phiên vừa qua, dầu Brent có lúc lập mức cao nhất trong vòng 4 tháng là 68,14 USD/thùng, nhưng kết thúc phiên ở mức 67,23 USD, giảm 31 UScent so với lúc đóng cửa phiên trước; dầu Tây Texas Mỹ Trái lại nhích 35 UScent lên 58,61 USD/thùng.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo hàng tháng vừa công bố ngày 14/3 đã hạ mức dự báo về nhu cầu dầu thô trong năm nay, và cho rằng nguồn cung từ bên ngoài OPEC sẽ tăng mạnh. Kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng qua giữa năm nay.
Trong khi đó, số liệu cho thấy sản xuất công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 5,3% trong tháng 1 và 2/2019, thấp nhất trong vòng 17 năm. Số liệu từ Mỹ cũng cho thấy bán nhà mới đơn lẻ tại nước này trong tháng 1 vừa qua giảm nhiều hơn dự kiến và ở mức ít nhất trong vòng 17 năm. Những điều này có thể gây áp lực giảm nhu cầu dầu của các thị trường này nói riêng cũng như của thế giới nói chung.
Tuy nhiên, sự gián đoạn nguồn cung từ các thành viên OPEC là Venezuela và Iran đã ngăn giá dầu giảm.
Vàng giảm do lo ngại Brexit "không có thỏa thuận" và USD tăng
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua, xuống dưới 1.300 USD/ounce lần thứ 2 trong tháng này, do lo ngại về việc nước Anh rời Liên minh Châu Âu mà không đạt được thỏa thuận nào, trong bối cảnh đồng USD tăng so với bảng Anh trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu về việc kéo dài thời hạn để Anh rời EU.
Vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.296,51 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn giảm 1,1% xuống 1.295,1 USD/ounce.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa thấy hồi kết cũng gây băn khoăn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nhu cầu kim loại này sẽ sớm tăng bởi dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ kiềm chế nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách sẽ diễn ra vào tuần tới.
Quặng sắt cao nhất 1 tuần
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần do nhu cầu mạnh từ các nhà máy thép. Tuy nhiên, triển vọng thiếu chắc chắn về nhu cầu thép có thể sẽ cản trở giá tăng thêm nữa.
Quặng sắt giao tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên tăng 2,7% tương đương 626,5 CNY (93,33 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ 4/3/2019, trong phiên có lúc đạt 628 CNY.
Thép giảm
Giá thép tại Trung Quốc giảm bởi khó đoán về nhu cầu đối với mặt hàng này trong bối cảnh tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trugn Quốc 2 tháng đầu 2019 giảm xuống mức thấp nhất 17 năm, gây lo ngại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể sẽ còn tiếp tục sa sút hơn nữa.
Kết thúc phiên giao dịch, thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 0,6% xuống 3.795 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng – dùng trong ngành ô tô và đồ gia dụng – giảm 1,3% xuống 3.713 CNY/tấn.
Cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo cũng giảm do lo ngại về kinh tế Trung Quốc. Cao su giao tháng 8/2019 trên sàn TOCOM giảm 0,6 JPY xuống 196,5 JPY (1,76 USD)/kg. Tương tự, tại Thượng Hải, cao su giao tháng 5/2019 cũng giảm 80 JPY xuống 12.030 JPY (1.791 USD)/tấn.
Đường tăng giá nhẹ
Giá đường thô tăng 0,05 UScent tương đương 0,4% lên 12,41 UScent/lb bởi nhu cầu mạnh lên sau khi giá giảm thấp vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2019. Những khách hàng mua đường Mỹ gần đây có Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Tuy nhiên, giá đường trắng vẫn giảm, mất 50 UScent tương đương 0,2% trong phiên vừa qua, xuống 338,9 USD/tấn.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2019 giảm 0,5 UScent tương đương 0,5% xuống 97,15 UScent/lb do đồng real Brazil yếu đi so với USD. Robusta cũng giảm 28 USD tương đương 1,8% xuống 1.490 USD/tấn.
Gạo Ấn Độ tăng, gạo Thái Lan giảm
Giá gạo Ấn Độ tuần này tăng do đồng rupee mạnh lên so với USD mặc dù nhu cầu vẫn yếu, trong khi gạo Thái giảm nhẹ bởi thiếu vắng nhu cầu từ khách hàng quốc tế do giá kém sức cạnh tranh.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng lên 386-389 USD/tấn, từ mức 383-386 USD/tấn cách đây một tuần. Đồng rupee đạt mức gần cao nhất trong vòng hơn 2 tháng.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá hiện khoảng 380 – 385 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 380 -390 USD/tấn cách đây một tuần.
Trung Quốc mua thịt lợn Mỹ nhiều nhất 2 năm
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 14/3/2019 cho biết Trung Quốc đã mua khối lượng thịt lợn lớn nhất gần 2 năm trở lại đây từ Mỹ trong bối cảnh giá lợn tại Trung Quốc tăng mạnh bởi dịch tả lợn khiến nước này phải tiêu hủy hàng triệu con gia súc loại này và khiến giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 14 tháng, bất chấp việc Trung Quốc áp mức thuế nhập khẩu thịt lợn Mỹ tới 62%. Tin này đã khiến cho giá thịt lợn tại Chicago phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng.
Cụ thể, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 23.846 tấn thịt lợn Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 7/3/2019, là hợp đồng lớn nhất kể từ tháng 4/2017 và lớn thứ 3 kể từ khi USDA bắt đầu theo dõi tình hình xuất khẩu thịt lợn, năm 2013.
Nhu cầu khí tự nhiên của Trung Quốc gia tăng
Nhu cầu khí tự nhiên tại Trung Quốc đang gia tăng do sự điều chỉnh cơ cấu năng lượng và chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ nước này, theo đó tăng cường dự án chuyển đổi từ than đá sang khí đốt tự nhiên đồng thời khuyến khích sử dụng năng lượng sạch phục vụ nhu cầu sưởi ấm. Tỷ trọng khí đốt tự nhiên hiện nay trong các năng lượng sử dụng tại Trung Quốc hiện tương đối thấp, ước vào khoảng 7-8%, và mục tiêu trong tương lai sẽ là 15%.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), nhập khẩu khí tự nhiên của Trung Quốc trong năm 2018 đã tăng 31,9% so với năm trước đó, lên 90,39 triệu tấn. Số liệu của NBS cũng cho thấy cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tiếp tục cải thiện trong năm 2018, với tỷ trọng năng lượng sạch (bao gồm khí đốt tự nhiên và thủy điện) trong tổng mức tiêu thụ năng lượng đã tăng 1,3 điểm phần trăm so với năm trước đó.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng nay