Thị trường ngày 16/1: Dầu tăng 3%, đường lên cao nhất 7 tuần
Thị trường hàng hóa thế giới phiên vừa qua chịu tác động chủ yếu từ 2 yếu tố: Kỳ vọng vào các chương trình kích thích kinh tế mới của Trung Quốc và hy vọng đàm phán Mỹ - Trung sẽ tiến triển thuận lợi đẩy USD và chứng khoán tăng giá hỗ trợ hàng hóa đi lên. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu Brexit của Quốc hội Anh bị thất bại cản trở đà tăng.
- 15-01-2019Thị trường ngày 15/1: Dầu giảm hơn 2%, thép cao nhất 2 tháng
- 12-01-2019Thị trường ngày 12/1: Dầu giảm 2% sau 9 phiên tăng liên tiếp, cao su và đường vẫn tăng giá
- 11-01-2019Thị trường ngày 11/1: Giá dầu tăng phiên thứ 9 liên tiếp
Dầu tăng khoảng 3% bởi lại hy vọng vào kinh tế
Giá dầu tăng trở lại cùng xu hướng với thị trường chứng khoán toàn cầu, sau khi Trung Quốc lên kế hoạch đưa ra các chính sách nhằm ổn định nền kinh tế - hiện đang tăng trưởng chậm lại.
Dầu Brent tăng 1,65 USD tương đương 2,8% lên 60,40 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,6 USD tương đương 3,2% lên 52,11 USD/thùng.
Những tín hiệu tích cực và hy vọng về tiến triển từ các cuộc đàm phán Mỹ - Trung nhằm giải quyết căng thẳng đôi bên đã đẩy các thị trường chứng khoán tăng điểm, bất chấp còn đó mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc ngày hôm qua đã làm dịu nỗi lo của các nhà đầu tư sau khi tỏ ý sẽ đưa ra nhiều chương trình kích thích kinh tế hơn nữa, với khẳng định sẽ làm mọi cách để đạt được "một khởi đầu tốt" cho nền kinh tế này ngay trong quý đầu tiên của năm 2019. Nhờ đó, giá dầu đảo chiều tăng trở lại sau 2 phiên giảm trước đó.
Về yếu tố cơ bản, việc OPEC và một số nước khác, trong đó có Nga, cắt giảm sản lượng bắt đầu giúp thị trường giảm bớt lo ngại về nguồn cung. OPEC+ sẽ họp vào ngày 17 và 18/3 tới để kiểm tra việc thực hiện thỏa thuận này, sau đó sẽ họp tiếp vào ngày 17 và 18/4/2019 để quyết định có gia hạn việc giảm sản lượng thêm 6 tháng nữa hay không.
Một thông tin nữa cũng góp phần đẩy giá dầu tăng lên, đó là số giàn khoan mới của Mỹ giảm nhẹ và dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ 4 liên tiếp. Ngoài ra, có tin Mỹ sẽ không cấp thêm miễn trừ nào nữa đối với dầu mỏ Iran sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt quốc gia này, động thái có thể khiến nguồn cung dầu tư Iran ra thị trường thế giới trong những tháng tới bị hạn chế.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị cản trở bởi thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit, gây nguy cơ biến động chính trị tại nước Anh, thậm chí có thể dẫn tới việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào hoặc đảo ngược quyết định rời EU đưa ra năm 2016.
Ngoài ra, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ vẫn dự báo sản lượng dầu thô nước này sẽ đạt kỷ lục mới, hơn 12 triệu thùng/ngày, trong năm 2019, và tiếp tục tăng lên 13 triệu thùng vào năm 2020.
Vàng ổn định
Giá vàng gần như không thay đổi trong phiên vừa qua sau khi các chỉ số chứng khoán thế giới và đồng USD đều mạnh lên, mặc dù thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May bị Quốc hội bác bỏ.
Vàng giao ngay giá vững ở 1.289,35 USD/ounce, trong khi vàng giao sau giảm nhẹ 0,2% xuống 1.288,40 USD/ounce.
Đồng USD và chứng khoán đều mạnh lên chủ yếu bởi những kế hoạch của Trung Quốc nhằm ổn định lại nền kinh tế, nhưng cũng bởi đồng euro yếu đi sau những dữ liệu kinh tế kém lạc quan về kinh tế Đức.
Tuy nhiên, những lo ngại về sự mất đà của kinh tế toàn cầu vẫn đang là cơ sở hỗ trợ vững chắc cho thị trường vàng. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Mỹ cũng tỏ ý sẽ "kiên nhẫn" trong chính sách tăng lãi suất – yếu tố đang có tác động mạnh nhất tới giá vàng. Một số nhà phân tích khẳng định giá vàng có thể tăng trở lại mức 1.300 USD/ounce. Công ty MKS PAMP Group cho biết: "Chúng tôi xác định năm 2019 sẽ là năm đầu tư chuyển từ tiền sang vàng" và dự báo giá kim loại này sẽ tăng lên trung bình 1.335 USD/ounce trong năm nay.
Đồng và nhôm cũng duy trì ổn định
Thông tin Trung Quốc sẽ đưa ra những chương trình kích thích mạnh mẽ hơn nữa và hy vọng về việc Mỹ - Trung sẽ đạt được những kết quả đàm phán tích cực cũng hỗ trợ giá kim loại cơ bản vững. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng nhẹ 0,4% lên 5.290 USD/tấn; nhôm giao cùng kỳ hạn cũng tăng 1% lên 1.845,50 USD/tấn.
Tuy nhiên, dự báo dư cung đồng khiến giá đồng giao ngay thấp hơn tới 31,5 USD/tấn so với hợp đồng 3 tháng (cao nhất 5 tháng). Tương tự, dự báo cung nhôm sẽ tăng sau khi Rusal bổ sung nguồn cung vào thị trường từ tháng tới cũng khiến giá nhôm giao ngay thấp hơn tới 29 USD/tấn so với hợp đồng 3 tháng (nhiều nhất trong vòng 4 tháng).
Và dù tăng, giá đồng vẫn đang quanh mức cao nhất 18 tháng sau khi giảm 20% kể từ tháng 6 năm ngoái.
Thép giảm
Giá thép tại Trung Quốc đảo chiều giảm do lo ngại triển vọng nhu cầu ở thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này.
Thép cây trên sàn Thượng Hải giảm gần 1% xuống 3.519 CNY (521,06 USD)/tấn. Thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống 3.416 CNY/tấn.
Nhu cầu hiện đang thấp, trong khi sản lượng vẫn ở mức cao. Theo Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược ngành luyện kim Trung Quốc, sản lượng thép thô nước này năm 2018 ước đạt 923 triệu tấn, trước khi giảm nhẹ xuống 900 triệu tấn trong năm 2019. Ngành thép Trung Quốc năm 2019 sẽ tập trung nhiều hơn vào việc cơ cấu lại công suất sản xuất.
Đường cao nhất 7 tuần
Giá đường thô trên sàn New York vừa đạt mức cao nhất gần 7 tuần bởi lượng mua mạnh sau khi giá dầu tăng và những ngày qua giá giảm thấp đến mức đủ hấp dẫn nhà đầu tư mua vào. Đường giao sau 3 tháng tăng 0,41 US cent tương đương 3,1% lên 13,19 USD/lb vào lúc đóng cửa giao dịch, trước đó có lúc đạt 13,19 US cent. Trong khi đó, đường trắng trên sàn London tăng 11,30 USD tương đương 3,3% lên 354,8 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 355,80 USD/tấn, cao nhất kể từ 5/11/2018.
Sữa tăng 2 tháng liên tiếp
Giá sữa quốc tế tăng trong phiên đấu giá mới nhất vừa diễn ra hôm qua, kéo dài chuỗi 2 tháng tăng giá liên tiếp sau khi giảm trong gần suốt cả năm vừa qua. Chỉ số giá sữa toàn cầu (GDT Price Index) tăng 4,2%, đạt trung bình 3.057 USD/tấn. Phiên trước đó (cách đây 2 tuần), chỉ số này đã tăng 2,8%, và đã tăng 4 phiên liên tiếp. Giá sữa bột gạn kem tăng 10,3%, trong khi sữa bột nguyên kem tăng 3%.
Cao su giảm giá
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo sụt giảm trong phiên vừa qua theo xu hướng giá tại Thượng Hải trong bối cảnh nhu cầu yếu, thể hiện ở việc tiêu thụ xe hơi tại Trung Quốc năm 2018 giảm và nhập khẩu cao su vào nước này trong tháng 12/2019 cũng đi xuống.
Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 6/2019 trên sàn Tokyo giảm 0,7 JPY tương đương 0,0064 USD xuống 182,8 JPY/kg; hợp đồng giao tháng 7/2019 giảm 2,5 JPY xuống 151 JPY/kg.
Tại Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 5/2019 giảm 60 CNY (8,89 USD) xuống 11.505 CNY/tấn.
Dịch tả lợn tại Trung Quốc lan tới tỉnh thứ 24
Nhà phân tích Zhao Wenting thuộc công ty Dongwu Futures cho biết thị trường không mấy lạc quan về nhu cầu trong năm 2019, và dự báo giá sẽ còn tiếp tục giảm trong trung và dài hạn. Trung Quốc đã tiêu hủy 916.000 con lợn sau khi 100 ổ dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở nước này từ tháng 8 năm ngoái. Dịch bệnh hiện đã lây sang 24 tỉnh và khu vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại mặt hàng này thịt lợn như những lĩnh vực liên quan. Giá thịt lợn ở nhiều khu vực tại Trung Quốc đã xuống dưới mức giá thành từ nhiều tháng nay, do lệnh cấm vận chuyển thịt lợn ra khỏi những khu vực có dịch bệnh.
Hạt tiêu giảm
Giá hạt tiêu đen trên thị trường Ấn Độ giảm do nhu cầu yếu, nhất là ở các trung tâm tiêu thụ thuộc miền Bắc nước này, nơi nhập khẩu hạt tiêu bất hợp pháp đang gia tăng.
Trong khoảng thời gian từ 31/12/2018 đến 10/1/2019, giá tiêu đã giảm 15 rupee/kg, xuống 351 rupee/kg (loại xô) và 371 rupee/kg (loại chọn) (khoảng 5.700 USD/tấn). Giá tiêu nhập khẩu từ Việt Nam là 2.800 USD, từ Sri Lanka là 3.800 USD, và từ Brazil là 2.000 USD.
Mùa thu hoạch tiêu xanh (chưa chín, được sử dụng trong ngành chế biến thực phẩm) ở Ấn Độ thông thường từ tháng 9 đến tháng 10, và lúc đó ngành chế biến tiêu xanh ký những hợp đồng chuẩn bị cho dịp Giáng sinh và Năm mới. Tuy nhiên, năm nay cả người trồng tiêu cũng như nhà chế biến đều không mấy mặn mà với những giao dịch này.
Sản lượng cam Trung Quốc tăng hàng năm
Khu vực trồng cam chính của Trung Quốc nằm ở phía Tây Nam nước này, là các tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Phúc Kiến và Trùng Khánh. Sản lượng cam năm 2017 đạt 38.168 triệu tấn, tăng 1,38% so với năm 2016. Sản lượng cam tại Trùng Khánh hai năm qua liên tiếp tăng, kéo sản lượng chung của nước này tăng theo. Mùa cam này của Trung Quốc kéo dài từ tháng 12/2018 đến tháng 4/2019, giá tăng so với năm trước. Thị trường cam Trung Quốc có sự cạnh tranh rất mạnh mẽ, nhưng theo hướng lành mạnh để cùng nhau phát triển. Ngành cam Trung Quốc đã xây dựng được chuỗi sản xuất, từ trồng đến chế biến và tiêu thụ. Chất lượng sản phẩm được kiểm tra rất nghiêm ngặt, với mục tiêu mỗi quả cam đến tay người tiêu dùng phải tươi và ngon.
Dưa hấu Myanmar được vận chuyển qua biên giới sang Trung Quốc
Cửa khẩu Kyin San Kyawt, bị đóng cửa từ cuối tháng 12/2018, đã mở cửa trở lại chủ yếu để vận chuyển dưa hấu giữa Trung Quốc và Myanmar, sau cuộc đàm phán giữa 2 bên vào ngày 7/1/2019.
Trung Quốc đã cam kết cho phép vận chuyển nhiều tấn dưa lưới và dưa hấu từ Myanmar sang. Hiện chưa có thông tin nào về việc các loại trái cây hay hàng hóa khác được phép vận chuyển qua đây. Theo thỏa thuận giữa 2 bên, chỉ 1.000 xe tải chở hàng được đi qua biên giới này, bắt đầu từ ngày 11/1/2019. Dự kiến sẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại đây vào cuối tuần khi lượng hàng hóa vận chuyển tăng vọt.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng nay 16/1