Thị trường ngày 16/10: Giá dầu quay đầu đi xuống, vàng tiếp tục leo cao
Giá dầu và cao su giảm trở lại, trong khi vàng tiếp tục leo cao, khí tự nhiên tăng hơn 5%, lúa mì cao nhất 5 năm, ngô cao nhất 14 tháng...
- 15-10-2020Thị trường ngày 15/10: Giá dầu tiếp tục leo dốc, vàng bật tăng trở lại vượt 1.900 USD/ounce
- 14-10-2020Thị trường ngày 14/10: Giá dầu tăng trở lại gần 2%, vàng rơi xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce
Giá dầu giảm
Giá dầu giảm do các hạn chế mới nhằm ngăn chặn các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng, làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/10, dầu thô Brent giảm 16 US cent tương đương 0,4% xuống 43,16 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 8 US cent tương đương 0,2% xuống 40,96 USD/thùng, trong đầu phiên giao dịch cả hai loại dầu đều giảm hơn 1 USD/thùng.
Tổng thư ký OPEC cho biết, nhu cầu dầu hồi phục chậm hơn so với dự kiến và OPEC+ sẽ đảm bảo giá dầu không giảm mạnh khi nhóm họp vào cuối tháng 11/2020.
Các thương nhân dầu hàng đầu thế giới Vitol, Trafigura và Gunvor cho biết, nhu cầu dầu hồi phục chậm lại do đại dịch gia tăng. Tại Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước tăng lên mức cao nhất 2 tháng.
Giá khí tự nhiên tăng hơn 5%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng hơn 5% do dự báo thời tiết lạnh hơn, nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới tăng và tồn trữ khí tự nhiên thấp hơn so với dự kiến.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn New York tăng 13,9 US cent tương đương 5,3% lên 2,775 USD/mmBTU, sau khi giảm gần 8% trong phiên trước đó.
Giá vàng tiếp đà tăng
Giá vàng tăng do kỳ vọng gói kích thích virus corona trước cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, song đồng USD tăng mạnh đã hạn chế đà tăng giá vàng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,3% lên 1.906,15 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.908,9 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng 25% được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích lớn trên toàn cầu, nhằm vực dậy nền kinh tế khỏi đại dịch.
Giá đồng tăng
Giá đồng tăng do nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh, lấn át lo ngại các trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn cầu gia tăng sẽ làm giảm tăng trưởng toàn cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,7% lên 6.763,5 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp 6.668 USD/tấn trong đầu phiên giao dịch. Tính đến nay, giá đồng tăng 50% kể từ mức thấp nhất 45 tháng trong tháng 3/2020.
Giá đồng đạt mức cao nhất hơn 2 năm trong ngày 21/9/2020 và kể từ đó dao động ở mức 6.300-6.900 USD/tấn.
Giá quặng sắt và thép đều giảm
Giá quặng sắt giảm mạnh xuống mức thấp mới 2 tuần, do tồn trữ tại các cảng của Trung Quốc tăng và nhu cầu sản phẩm thép suy yếu gây áp lực thị trường.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 2,2% xuống 787,5 CNY/tấn, trong đầu phiên giao dịch chạm 783,5 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 30/9/2020. Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn Singapore giảm 0,6% xuống 114,45 USD/tấn, giảm phiên thứ 4 liên tiếp.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,3%, thép cuộn cán nóng giảm 1,2%, trong khi giá thép không gỉ tăng 0,3%.
Giá cao su đứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp
Giá cao su trên sàn Osaka giảm, kết thúc chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi đạt mức cao nhất 1,5 tháng, trong bối cảnh lo ngại về các trường hợp nhiễm Covid-19 tại châu Âu tăng, khiến nền kinh tế toàn cầu hồi phục chậm lại.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn OSE giảm 4,8 JPY xuống 197,3 JPY (1,87 USD)/kg, trong đầu phiên giao dịch đạt 204,1 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 31/8/2020.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 15 CNY lên 13.320 CNY (1.978 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 13.485 CNY/tấn, cao nhất kể từ tháng 1/2018.
Giá cà phê tăng tại Việt Nam, Indonesia và London, giảm tại New York
Diện tích trồng cà phê Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi cơn bão nhiệt đới đi qua, trong khi giá cà phê tại Indonesia tăng do nguồn cung cuối vụ thu hoạch giảm.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 150-160 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn London, tăng so với mức cộng 150 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá dao động 31.300 -32.800 VND (1,35-1,42 USD)/kg, tăng so với mức giá 31.300-31.800 VND/kg cách đây 1 tuần.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2020 giảm 0,5% so với tháng 8/2020 xuống 99.735 tấn.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 170 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn London, tăng so với mức cộng 150 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2020 cách đây 1 tuần.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 0,1 US cent tương đương 0,1% xuống 1,095 USD/lb.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 14 USD tương đương 1,1% lên 1.264 USD/tấn.
Giá đường thô và đường trắng diễn biến trái chiều
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 0,02 US cent tương đương 0,1% xuống 14,18 US cent/lb.
Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London tăng 1,3 USD tương đương 0,3% lên 388,2 USD/tấn.
Giá lúa mì cao nhất 5 năm, ngô cao nhất 14 tháng, đậu tương tăng
Giá lúa mì tại Chicago tăng lên mức cao nhất 5 năm, khi cắt giảm triển vọng lúa mì Argentina và nguồn cung toàn cầu suy giảm do thời tiết khô tại một số nước sản xuất lúa mì hàng đầu.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 21-1/2 US cent lên 6,18-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 29/12/2014. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 6-1/4 US cent lên 4,03-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 4,04-1/4 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 12/8/2019 và giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 6 US cent lên 10,62-1/4 USD/bushel.
Sở giao dịch ngũ cốc Rosario Argentina giảm ước tính sản lượng vụ thu hoạch lúa mì 2020/21 của nước này xuống 17 triệu tấn so với 18 triệu tấn dự kiến trước đó, do thời tiết khô và sương giá.
Giá gạo tăng tại Việt Nam, giảm tại Thái Lan, không thay đổi tại Ấn Độ
Giá gạo xuất khẩu tại Việt Nam tăng do triển vọng đơn hàng mới từ Philippines, trong khi nhu cầu yếu kéo giá gạo Thái Lan giảm tuần thứ 7 liên tiếp.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam tăng lên 485-490 USD/tấn so với 470 USD/tấn tuần trước đó. Tuy nhiên, nhu cầu yếu khiến hoạt động giao dịch tương đối trầm lắng.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 9/2020 giảm 36,4% so với tháng 8/2020 xuống 385.429 tấn. Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 4,99 triệu tấn.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm tuần thứ 7 liên tiếp xuống 445-480 USD/tấn so với 470-475 USD/tấn tuần trước đó, do nhu cầu thấp và dự kiến nguồn cung mới vào cuối tháng gây áp lực thị trường.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm không thay đổi ở mức 376-382 USD/tấn, thậm chí mưa lớn ở miền nam của nước này ảnh hưởng đến năng suất lúa chuẩn bị thu hoạch.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 16/10