Thị trường ngày 17/12: Giá dầu lên cao nhất gần 3 tháng, sắt thép đi xuống
Dư âm của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 tiếp tục hỗ trợ thị trường hàng hóa nguyên liệu trong phiên vừa qua, trong đó có dầu thô. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn nghi ngờ về triển vọng quan hệ thương mại giữa 2 cường quốc trong tương lai kéo giá nhiều mặt hàng như sắt thép, cao su… giảm từ mức cao kỷ lục của nhiều tháng ở phiên liền trước.
- 14-12-2019Thị trường ngày 14/12: Dầu tăng vọt lên cao nhất hơn 3 tháng, vàng cũng tăng mạnh
- 13-12-2019Thị trường ngày 13/12: Vàng tuột khỏi mức cao hơn 1 tháng, dầu và cao su bật tăng mạnh nhờ lạc quan vào thương mại Mỹ-Trung
- 12-12-2019Thị trường ngày 12/12: Giá vàng, đồng, quặng sắt, cà phê đồng loạt tăng cao, dầu giảm gần 1%
Dầu tăng trở lại, gần mức cao nhất 3 tháng
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên đầu tuần do kỳ vọng nhu cầu năng lượng sẽ đi lên sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại cuối tuần qua. Tuy nhiên, giá dù tăng vẫn thấp hơn chút ít so với mức cao nhất 3 tháng của phiên giao dịch liền trước.
Kết thúc phiên, dầu thô Brent tăng 12 US cent (0,2%) lên 65,34 USD/thùng, dầu Tây Texas (WTI) tăng 14 US cent (0,2%) lên 60,21 USD/thùng.
Tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu đi lên, nhưng thị trường vẫn hoài nghi về thỏa thuận này khiến cho đà tăng bị kìm hãm.
Giá dầu hướng lên trong phiên vừa qua một phần cũng bởi số liệu từ Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp và bán lẻ tháng 11/2019 đều tăng nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm tới dự báo sẽ vẫn tiếp tục chậm lại, mục tiêu của Chính phủ chỉ là 6% trong năm 2020, so với 6%-6,5% trong năm nay.
Vàng đi ngang vì thiếu chắc chắn về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch vừa qua do đồng USD giảm và các nhà đầu tư chưa thể yên tâm khi chưa được thấy "bút tích" thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vàng giao ngay duy trì ở 1.476,19 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2020 vững ở 1.480,5 USD/ounce.
"Thỏa thuận thương mại này không có nghĩa là các yếu tố cơ bản tốt lên, mà chỉ có nghĩa là mọi thứ không xấu đi hơn nữa", giám đốc mảng chiến lược hàng hóa của TD Securities, ông Bart Melek cho biết, và thêm rằng: "Dự kiến sự kết hợp của các yếu tố là thâm hụt (thương mại) cao, tỷ lệ lãi suất giảm và những rủi ro chính trị ở Mỹ trong năm tới (khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống) sẽ vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho thị trường vàng".
Palađi, bạch kim và bạc đều tăng
Kết thúc phiên, giá palađi tăng 2,4% lên 1.977,28 USD/ounce, sau khi có lúc đạt kỷ lục cao mới là 1.991,38 USD/ounce; bạch kim tăng 0,1% lên 928,93 USD/ounce trong khi bạc tăng 0,7% lên 17,05 USD/ounce.
Giá palađi đã tăng từ nhiều tháng nay do nguồn cung thiếu hụt, trong khi nguồn cung bạch kim vẫn dư thừa. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho biết, sẽ không có hiện tượng thay thế palađi bằng bạch kim nếu chưa xảy ra tình trạng thiếu palađi physical nghiêm trọng gây ra những vấn đề trong ngành sản xuất ô tô, buộc các nhà sản xuất ô tô phải đầu tư tốn kém để thực hiện việc chuyển đổi từ sử dụng palađi sang bạch kim. Theo Goldman Sachs, từ nay đến lúc đó, giá palađi sẽ còn tiếp tục tăng.
Đồng, nhôm, nickel, kẽm tăng
Giá đồng và một số kim loại cơ bản khác đồng loạt tăng trong phiên giao dịch vừa qua do lạc quan vào thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phân tích không cho rằng giá sẽ tăng hơn nữa trước khi bước sang năm mới.
Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,1% lên 6.199 USD/tấn; nhôm tăng 0,6% lên 1.778 USD/tấn, nickel tăng 0,2% lên 14.200 USD/tấn trong khi kẽm tăng 1,7% lên 2.291 USD/tấn.
Sản lượng nhôm của Trung Quốc trong tháng 11/2019 tăng 0,6% so với tháng trước đó, đạt 2,9 triệu tấn; lượng nhôm lưu kho trên sàn London đã tăng 45.074 tấn lên 1.309.000 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2017.
Sắt thép giảm bởi thiếu chắc chắn về triển vọng nhu cầu
Giá sắt thép trên thị trường Trung Quốc phiên vừa qua đều giảm. Đối với mặt hàng quặng sắt, tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy giảm xuống và những số liệu kinh tế vừa công bố gây lo ngại về triển vọng nhu cầu đối với mặt hàng này đã khiến giá đi xuống. Cuối phiên giao dịch, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên giảm 0,8% xuống 646 CNY/tấn, trước đó cùng phiên có lúc giá giảm 1,6% xuống 641 CNY (91,07 USD)/tấn.
Đối với nhóm thép, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Thượng Hải cũng giảm 1,3% xuống 3.480 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 1,2% xuống 3.708 CNY/tấn.
Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của 163 nhà máy trên toàn Trung Quốc đã giảm xuống 65,88% trong tuần vừa qua, cho thấy tiêu thụ nguyên liệu thép đang chậm lại.
Số liệu của Cơ quan thống kê Trung Quốc cho thấy sản lượng thép thô của nước này trong tháng 11/2019 giảm xuống 80,29 triệu tấn, so với 81,55 triệu tấn của tháng liền trước. Đầu tư gài sản cố định của Trung Quốc cũng không có dấu hiệu cải thiện khi chỉ tăng 5,2% trong giai đoạn tháng 1-11/2019, mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều thập kỷ.
Than tăng giá
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) phiên vừa qua tăng 1,1% lên 1.245 CNY/tấn, trong khi than cốc giảm 1% xuống 1.826 CNY/tấn.
Sản lượng than của Trung Quốc trong tháng 11/2019 tăng 4,5% so với cùng tháng năm ngoái, đạt 334,06 triệu tấn, đưa tổng sản lượng trong 11 tháng đầu năm lên 3,41 tỷ tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Sản lượng than cốc –loại dùng trong sản xuất thép - tháng 11/2019 tăng 4,9% lên 38,63 triệu tấn, cộng dồn 11 tháng đầu năm tăng 5,9% lên 433,28 triệu tấn.
Cà phê cũng tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 6,1% (8,05 US cent) lên 1,3895 USD/lb, song vẫn thấp hơn mức cao nhất kể từ tháng 9/2017 của phiên liền trước (1,403 USD/ounce). Arabica đã tăng giá hơn 40% kể từ giữa tháng 10/2019 do dự báo nguồn cung niên vụ 2019/20 sẽ thiếu hụt. Lượng arabica lưu kho tại sàn New York đã giảm từ 2,5 triệu tấn hồi tháng 3/2019 xuống khoảng 2 triệu tấn hiện nay, càng thúc đẩy nhiều quỹ đầu tư mua vào.
Trong khi đó, robusta tăng trong phiên vừa qua, với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 33 USD (2,3%) lên 1.450 USD/tấn.
Đường giảm từ mức cao nhất 1 năm
Giá đường giảm do các quỹ hàng hóa giảm tốc độ mua vào sau khi giá đạt mức cao nhất hơn 1 năm vào tuần trước.
Cuối phiên giao dịch, đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 1,6% (21 US cent) xuống 13,29 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1% (3,6 USD) xuống 351,7 USD/tấn.
Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt đường trong niên vụ 2019/20 và thị trường dầu mỏ khởi sắc sau khi Mỹ và Trung Quốc thông báo đạt được thỏa thuận thương mại bước đầu đã giúp giá đường tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước (13/12/2019). Tuy nhiên, Sucden Financial nhận định giá đường thô sẽ khó có thể chạm tới ngưỡng 14 US cent/lb.
Cao su giảm
Giá cao su trong phiên vừa qua giảm ở cả thị trường Tokyo và Thượng Hải. Trên sàn Tokyo, cao su kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 1,2 JPY (0,011 USD) xuống 199,8 JPY/kg; trong khi trên sàn Thượng Hải, cao su cùng kỳ hạn giảm 175 CNY (24,86 USD) xuống 13.090 CNY/tấn, loại STR20 của Trung Quốc giá giảm 265 CNY xuống 10.925 CNY/tấn.
Giá chè tăng
Giá chè trung bình tại các phiên đấu giá trong 11 tháng đầu năm 2019 trên thị trường Ấn Độ tăng 2,37% lên 141,17 rupee/kg, so với 137,89 rupee cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do nguồn cung ra tị trường năm nay thấp hơn năm trước.
Sản lượng chè của Ấn Độ trong 10 tháng đầu năm 2019 đạt 1.162,01 triệu kg, so với 1.183,27 triệu kg cùng kỳ 2018.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 17/12