Thị trường ngày 17/8: Giá vàng lên mức cao lịch sử, dầu giảm 2%
Phiên 16/8 giá dầu giảm 2% trong khi vàng lên mức cao nhất trong lịch sử bởi kỳ vọng ngày càng cao về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và căng thẳng ở Trung Đông, cao su có tuần tăng mạnh nhất trong hai tháng.
- 16-08-2024 Thị trường ngày 16/8: Giá dầu, vàng, đồng lên mức cao nhất hai tuần
- 15-08-2024Thị trường ngày 15/8: Giá dầu, vàng giảm hơn 1%, ngũ cốc tăng
- 14-08-2024Thị trường ngày 14/8: Giá dầu, đồng, quặng sắt đồng loạt giảm, cà phê robusta giảm hơn 3%
Dầu giảm 2%
Giá dầu đóng cửa giảm gần 2%, nhưng thay đổi ít trong tuần, do nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu từ Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Chốt phiên 16/8, dầu Brent giảm 1,36 USD hay 1,7% xuống 79,68 USD/thùng. Dầu WTI giảm 1,51 USD hay 1,9% xuống 76,65 USD.
Tuần trước, dầu thô Brent đóng cửa tại 79,66 USD/thùng và WTI tại 76,84 USD/thùng.
Số liệu ngày 15/8 từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế này mất đà trong tháng 7, với giá nhà mới giảm ở tốc độ nhanh nhất trong 9 năm, sản lượng công nghiệp giảm và thất nghiệp tăng.
Điều đó làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu từ quốc gia nhập khẩu hàng đầu thế giới, nơi các nhà máy lọc dầu đã cắt giảm tốc độ xử lý dầu thô vào tháng trước do nhu cầu nhiên liệu yếu.
Trong ngày 12/8, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC đã cắt giảm dự báo của họ về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay do nhu cầu yếu ở Trung Quốc. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng trích dẫn nhu cầu yếu từ Trung Quốc khi họ giảm dự báo cho năm 2025.
Nhà phân tích dầu mỏ độc lập Gaurav Sharma cho biết giá dầu có thể thiếu định hướng cho tới khi Fed quyết định có cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 9 hay không.
Thanh khoản thấp có thể gây biến động giá trong tuần này do nhiều nhà đầu tư Châu Âu và Bắc Mỹ vẫn đi nghỉ.
Giá vàng lên mức cao kỷ lục
Giá vàng tăng lên mức cao lịch sử do USD suy yếu bởi dự đoán ngày càng tăng về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và do căng thẳng ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu.
Vàng giao ngay tăng 1,7% lên 2.498,72 USD/ounce sau khi đạt cao kỷ lục 2.500,99 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 1,8% lên 2.537,8 USD/ounce. Giá vàng tăng 2,8% trong tuần này.
Chỉ số USD giảm 0,4% và ghi nhận tuần thứ 4 giảm giá khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.
Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục mới và vượt 2.500 USD sau hai tuần giao dịch cực kỳ biến động.
Đồng giảm
Giá đồng giảm do tập đoàn khai thác BHP cho biết họ đã đạt được một thỏa thuận với liên đoàn lao động để giải quyết đình công tại mỏ đồng Escodida ở Chile, làm giảm lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME giảm 0,2% xuống 9.128 USD/tấn.
Kim loại này ghi nhận tuần tăng 3%, tuần tăng đầu tiên trong 6 tuần do cuộc đình công tại Escodida thúc đẩy lo ngại về gián đoạn nguồn cung.
Escodida là mỏ đồng lớn nhất thế giới, chiếm gần 5% nguồn cung toàn cầu trong năm 2023. Một thỏa thuận về tiền lương tại mỏ này có thể được ký vào chủ nhật nếu các thành viên công đoàn chấp thuận.
Về mặt nhu cầu, triển vọng tại Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức tạo nguy cơ giảm giá đồng.
Quặng sắt ghi nhận tuần giảm giá
Quặng sắt giảm phiên thứ 5 liên tiếp, ghi nhận tuần giảm giá thứ hai, với tâm lý bi quan đang chiếm ưu thế sau khi giá thép yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc làm ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 0,99% xuống 697 CNY (97,16 USD)/tấn. Tính chung cả tuần giá giảm 6,1% và giảm 26% từ đầu năm tới nay.
Tại Singapore quặng sắt kỳ hạn tháng 9 giảm 1,39% xuống 92,25 USD/tấn, ghi nhận giảm 8,7% trong tuần.
Giá thép giảm nhiều hơn dự kiến ở Trung Quốc đã làm suy yếu tâm lý, gây áp lực cho nhu cầu và giá các thành phần sản xuất thép gồm quặng sắt.
Thép thanh chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực xây dựng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017 trong tuần này, trong khi thép cuộn cán nóng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Đóng cửa ngày giảm tương ứng 0,71% và 1,8%.
Giới phân tích tại Macquarie cho biết 55% các nhà sản xuất thép đã trải qua tình trạng giảm giá đơn hàng trong nước trong tháng 8 so với mức 30% trước đó. Các nhà máy thép tỏ ra ít quan tâm hơn đến việc bổ sung nguyên liệu.
Sản lượng thép nóng hàng ngày của các nhà sản xuất thép tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp, giảm 1,3% so với tuần trước xuống khoảng 2,29 triệu tấn tính tới ngày 16/8. Lợi nhuận của các nhà máy giảm xuống 4,76% từ 5,19% trước đó.
Cao su Nhật Bản có tuần tăng mạnh nhất trong hai tháng
Giá cao su Nhật Bản duy trì đà tăng trước đó, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hai tháng, bởi áp lực nguồn cung toàn cầu, trong khi số liệu kinh tế của Mỹ mạnh hơn cũng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 5,7 JPY hay 1,76% lên 328,9 JPY (2,21 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá tăng 2,14%, tăng mạnh nhất theo tuần kể từ ngày 7/6.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 1/2025 tăng 135 CNY hay 0,85% lên 16.060 CNY (2.238,83 USD)/tấn, đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 11/6.
Thị trường cao su giao ngay ở Đông Nam Á được hỗ trợ bởi nguồn cung yếu bất thường trong thời kỳ được coi là mùa cung cấp cao điểm toàn cầu.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,8% lên 18,03 US cent/lb, tính chung cả tuần thị trường này giảm 2,4%.
Công ty phân tích BMI cho biết nguồn cung dồi dào ở Brazil liên tục gây áp lực lên giá toàn cầu, trong khi vụ mùa đang cải thiện ở Ấn Độ cũng gây áp lực lên thị trường.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 0,7% lên 516,7 USD/tấn, nhưng giảm 1,8% trong tuần này.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 2,5% lên 2,441 USD/lb, tăng khoảng 6% so với tuần trước.
Các đại lý cho biết sương giá nhẹ ở một số nơi Brazil trong vài ngày qua đã làm tăng ngo ngại về mùa vụ năm tới, trong khi thời tiết khô hơn bình thường cũng làm giảm triển vọng.
Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024/25 của Brazil ước tính đã đạt gần 96% mùa vụ tính tới ngày 6/8.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 1,7% lên 4.452 USD/tấn, với nguồn cung tại Việt Nam vẫn khan hiếm.
Đậu tương, ngô giảm, lúa mì ổn định
Gía đậu tương và ngô Chicago quay đầu giảm trong phiên cuối tuần, cả hai đều ghi nhận tuần giảm giá thứ ba, trước vụ thu hoạch của Mỹ dự đoán sẽ đạt sản lượng cao. Lúa mì mạnh do những vấn đề với mùa vụ của Pháp và Đức.
Lúa mì CBOT đóng cửa tăng 1-3/4 US cent lên 5,3 USD/bushel, trong khi ngô đóng cửa giảm 4-1/2 US cent xuống 3,92-1/2 USD/bushel.
Đậu tương kỳ hạn giảm 11-1/2 US cent xuống 9,57 USD/bushel, trước đó giá đã giảm xuống 9,55 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 2/9/2020.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 17/8
Nhịp sống thị trường