MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 18/4: Đồng cao nhất 9 tháng, khí tự nhiên thấp nhất kể từ năm 2016

18-04-2019 - 08:45 AM | Thị trường

Các số liệu kinh tế Trung Quốc khả quan hơn dự kiến là yếu tố mới tác động tới thị trường hàng hóa thế giới trong ngày hôm qua (17/4), đẩy giá đồng lên mức cao nhất 9 tháng. Vàng không được giới đầu tư chú ý, dao động quanh mức thấp nhất từ đầu năm tới nay. Cao su được hỗ trợ tăng giá trở lại…


Đồng cao nhất 9 tháng

 Giá đồng đạt mức cao nhất 9 tháng, do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cao hơn so với dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới tăng. Giá đồng kỳ hạn trên sàn LME ở London tăng 0,9% lên 6.556 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 6.608,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 3/7/2018. 

Nền kinh tế Trung Quốc trong quý 1/2019 tăng 6,4% so với dự báo tăng 6,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó, do sản lượng công nghiệp tăng mạnh và nhu cầu tiêu dùng cho thấy dấu hiệu cải thiện.

Dầu giảm trở lại

Giá dầu giảm nhẹ, do số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô giảm ít hơn so với dự kiến.

Chốt phiên giao dịch vừa qua, dầu thô Brent kỳ hạn giảm 10 US cent xuống 71,62 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 72,27 USD/thùng, cao nhất trong năm 2019. Giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giảm 29 US cent xuống 63,76 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 64,61 USD/thùng, chỉ thấp hơn mức cao nhất năm 2019 (64,79 USD/thùng) trong tuần trước đó.

Giá dầu thô Brent tăng lên mức cao nhất năm 2019 trong đầu phiên giao dịch, được thúc đẩy bởi báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ giảm. Tuy nhiên, số liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy rằng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng, chỉ bằng 1/2 so với báo cáo của API, khiến giá dầu giảm trở lại.

Khí tự nhiên thấp nhất kể từ năm 2016

Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016, do sản lượng đạt gần mức cao kỷ lục và dự báo nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới suy giảm, đẩy dự trữ tăng trở lại khỏi mức thấp bất thường.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn New York giảm 5,5 US cent tương đương 2,1% xuống 2,517 USD/mBTU, thấp nhất kể từ ngày 8/6/2016.

Vàng giảm, palađi cao nhất gần 2 tuần

Vàng giảm, duy trì quanh mức thấp nhất năm 2019 trong phiên trước đó, do số liệu tăng trưởng kinh tế từ Trung Quốc làm giảm bớt lo ngại về suy thoái tăng trưởng toàn cầu và thúc đẩy các nhà đầu tư xa lánh vàng tập trung vào các tài sản rủi ro hơn.

Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.274,15 USD/ounce, sau khi giảm 1,2% xuống 1.272,7 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 27/12/2018 trong ngày thứ ba (16/4/2019) và vàng kỳ hạn trên sàn Comex không thay đổi ở mức 1.276,8 USD/ounce.

Người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa Bart Melek thuộc TD Securities, Toronto cho biết: "Số liệu khá tốt của Trung Quốc làm giảm bớt mối lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm lại, thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào tài sản rủi ro hơn và gây áp lực đối với vàng".

Trong khi đó, giá palađi tăng hơn 4% lên 1.406,81 USD/ounce, cao nhất gần 2 tuần. Trong tháng 3/2019, kim loại này đã tăng lên mức cao đỉnh điểm (1.620,53 USD/ounce) do thiếu hụt nguồn cung.

Quặng sắt và thép đều giảm

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm do công ty khai thác quặng sắt Vale Brazil đang chuẩn bị nối lại hoạt động sản xuất tại mỏ Brucutu, mặc dù các đối thủ Australia cắt giảm sản lượng trong năm nay.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên giảm 3,8% xuống 621 CNY (92,86 USD)/tấn, sau khi giảm mạnh 4,7% trong đầu phiên giao dịch. Đồng thời, giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.795 CNY/tấn, trong bối cảnh số liệu GDP trong quý 1/2019 ổn định ở mức 6,4% .

Nguồn cung sẽ được nới lỏng khi Vale cho biết sẽ nối lại hoạt động sản xuất tại mỏ khai thác quặng sắt lớn nhất bang Minas Gerais trong vòng 72 giờ. Mỏ này có công suất hàng năm đạt 30 triệu tấn, đã đóng cửa kể từ đầu tháng 2/2019 sau vụ vỡ đập vào cuối tháng 1/2019.

Nhà phân tích thuộc CITIC Futures, Mandarin cho biết: "Xuất khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil tăng trong 2 tuần qua, gây áp lực giá. Tuy nhiên nhu cầu từ các nhà máy thép Trung Quốc trong tháng 4/2019 vẫn tăng, do các hạn chế trong mùa đông tại khu vực phía bắc Trung Quốc được nới lỏng".

Cao su tăng trở lại

Giá cao su tại Tokyo tăng sau số liệu từ nước mua hàng đầu – Trung Quốc – cho thấy rằng, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 1/2019 duy trì ổn định.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn TOCOM tăng 0,4 JPY tương đương 0,2% lên 191,5 JPY (1,71 USD)/kg. Trong khi giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn TOCOM giảm 0,2% xuống 172,2 JPY/kg.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 95 CNY xuống 11.645 CNY (1.741 USD)/tấn.

Lúa mì tăng, ngô và đậu tương giảm

Giá lúa mì tại Mỹ tăng khỏi mức thấp nhất 1 tháng trong phiên trước đó.

Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 3-3/4 US cent lên 4,52-1/4 USD/bushel, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 13/3/2019 trong ngày thứ ba (16/4/2019). Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Chicago tăng 4 US cent lên 4,49 USD/bushel.

Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Chicago giảm 1/2 US cent xuống 3,58-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn trên sàn Chicago giảm 6 US cent xuống 8,82 USD/bushel.

Thị trường chờ đợi những dấu hiệu mới trong tiến triển các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ - nước mua đậu tương Trung Quốc lớn nhất thế giới. Xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc năm 2018 giảm, sau khi Bắc Kinh áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Dầu cọ cao nhất 1 tuần

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng lên mức cao nhất 1 tuần, do đồng ringgit suy yếu trở lại.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1% lên 2.194 ringgit (529,7 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.199 ringgit/tấn, cao nhất 1 tuần.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 18/04

Thị trường ngày 18/4: Đồng cao nhất 9 tháng, khí tự nhiên thấp nhất kể từ năm 2016 - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên