Thị trường ngày 19/4: Dầu thô hồi phục, ethanol tăng vọt 18% lên mức cao kỷ lục, sữa tăng phiên thứ 10 liên tiếp
Chốt phiên giao dịch đêm qua 18/4, dầu tăng trở lại, vàng duy trì vững, palađi cao nhất 2 tuần, ethanol tăng vọt 18% lên mức cao kỷ lục, trong khi kẽm, quặng sắt, dầu cọ và gạo tại Ấn Độ và Thái Lan đồng loạt giảm, cao su thấp nhất 1 tuần.
- 18-04-2019Thị trường ngày 18/4: Đồng cao nhất 9 tháng, khí tự nhiên thấp nhất kể từ năm 2016
- 17-04-2019Thị trường ngày 17/4: Giá vàng xuống thấp nhất kể từ đầu năm, dầu tăng trở lại
- 16-04-2019Thị trường ngày 16/4: Giá thép neo cao nhất 7 năm rưỡi, cao su cao nhất gần 4 tuần
Dầu tăng trở lại
Giá dầu tăng do xuất khẩu dầu thô từ nước dẫn đầu OPEC – Saudi Arabia – suy giảm và số lượng các giàn khoan dầu và dự trữ dầu thô của Mỹ giảm đã hỗ trợ giá.
Chốt phiên giao dịch vừa qua, dầu thô Brent kỳ hạn tăng 35 US cent lên 71,97 USD/thùng và gần với mức cao nhất 5 tháng (72,27 USD/thùng) trong ngày thứ tư (17/4/2019). Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,6%, tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tăng 24 US cent lên 64 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng chỉ dưới 0,2%, tuần tăng thứ 7 liên tiếp.
Giá dầu được hỗ trợ bởi xuất khẩu dầu thô Saudi Arabia trong tháng 2/2019 giảm 277.000 thùng xuống chỉ dưới 7 triệu thùng/ngày (bpd) so với tháng trước đó, số liệu của Joint Organizations Data Initiative (JODI) cho biết. Đồng thời, dự trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm trong tuần này, với dầu thô bất ngờ giảm tuần đầu tiên trong 4 tuần, số liệu Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết.
Phó chủ tịch nghiên cứu thị trường Gene McGillian thuộc Tradition Energy, Stamford, Connecticut cho biết: "Nguồn cung thắt chặt và lo ngại tăng trưởng nhu cầu suy giảm đã thúc đẩy thị trường tăng lên mức cao nhất 5 tháng"
Vàng duy trì ổn định, palađi cao nhất 2 tuần
Vàng duy trì vững quanh mức thấp nhất gần 4 tháng, do đồng USD tăng được thúc đẩy bởi doanh số bán lẻ của Mỹ tăng mạnh bù đắp số liệu sản xuất của các nước khu vực châu Âu suy giảm, điều này gây ra lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.
Vàng giao ngay không thay đổi ở mức 1.274,16 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.270,63 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 27/12/2018. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm hơn 1% và có tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Vàng kỳ hạn trên sàn Comex giảm 0,1% xuống 1.276 USD/ounce.
Giám đốc điều hành George Gero thuộc RBC Wealth Management cho biết: "Vàng tăng nhẹ do hoạt động mua vào cuối tuần và thông tin sản xuất từ khu vực euro zone suy yếu, song giá vàng đã không giữ được đà tăng ngày hôm nay do chỉ số đồng USD vượt ngưỡng 97 và doanh số bán lẻ của Mỹ tăng".
Trong khi đó, palađi tăng 1% lên 1.415,51 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.421,01 USD/ounce, cao nhất 2 tuần. Tính chung cả tuần, kim loại này có tuần tăng mạnh nhất trong 7 tuần.
Quặng sắt tiếp tục giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm, do nguồn cung trong ngắn hạn tăng sau khi công ty Vale Brazil cho biết sẽ mở lại hoạt động khai thác quặng sắt.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên giảm 0,9% xuống 620 CNY (92,59 USD)/tấn, sau khi giảm 3% trong phiên trước đó. Đồng thời, giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 1,9% xuống 3.710 CNY/tấn.
Nguồn cung quặng sắt tăng khi Vale cho biết sẽ nối lại hoạt động khai thác quặng sắt tại mỏ Brucutu, với công suất hàng năm đạt 30 triệu tấn trong vòng 72 giờ. Cùng với đó là xuất khẩu quặng sắt từ Brazil và Australia trong tuần tính đến ngày 14/4/2019 tăng 2,82 triệu tấn tương đương 18% lên 18,86 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Kẽm giảm
Giá kẽm giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng, sau khi dự trữ tại London tăng và số liệu sản xuất tại châu Âu suy yếu. Giá kẽm kỳ hạn trên sàn London giảm 1,9% xuống 2.767 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 2.751 USD/tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2019. Dự trữ kẽm tại London tăng lên mức cao nhất trong gần 2 tháng, tăng 7.225 tấn lên 73.575 tấn.
Cao su thấp nhất 1 tuần
Giá cao su tại Tokyo giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất 1 tuần, do giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải suy giảm trong bối cảnh lo ngại về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn TOCOM giảm 4,4 JPY tương đương 2,3% xuống 187,1 JPY (1,67 USD)/kg, thấp nhất kể từ ngày 10/4/2019. Đồng thời, giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn TOCOM giảm 2,1% xuống 168,5 JPY/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 255 CNY xuống 11.400 CNY (1.702 USD)/tấn.
Nhà phân tích hàng hóa Satoru Yoshida thuộc Rakuten Securities cho biết: "Giá cao su trên cả 2 sàn Thượng Hải và Tokyo chịu áp lực giảm do lo ngại về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vì chưa có kết quả rõ ràng".
Cà phê bật khỏi mức thấp nhất 13,5 năm
Giá cà phê bật khỏi mức thấp nhất 13,5 năm. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2019 tăng 3,25 US cent tương đương 3,6% lên 92,9 US cent/lb. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá cà phê arabica hầu như không thay đổi. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 4 USD tương đương 0,3% lên 1.416 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá cà phê robusta giảm 0,1%.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2019 tăng 0,41 US cent tương đương 3,3% lên 12,76 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt mức cao 12,79 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 tăng 6,3 USD tương đương 1,9% lên 338,7 USD/tấn.
Gạo Ấn Độ và Thái Lan giảm, Việt Nam duy trì ổn định
Các trung tâm xuất khẩu gạo châu Á chứng kiến hoạt động giao dịch chậm lại trong phiên vừa qua, với giá gạo từ nước xuất khẩu hàng đầu - Ấn Độ - giảm do nhu cầu thấp, trong khi Bangladesh sẽ xem xét lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm ở mức 377-380 USD/tấn, giảm so với 387-390 USD/tấn trong phiên trước đó, do nhu cầu từ các khách hàng châu Phi suy yếu bởi nguồn cung dồi dào, Nitin Gupta, phó chủ tịch kinh doanh gạo tại Olam Ấn Độ cho biết. Ngoài ra, hoạt động bán ra của Trung Quốc từ kho dự trữ cũ với mức thấp cũng gây áp lực giá.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giảm nhẹ xuống 393-411 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 405-410 USD/tấn phiên trước đó.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm duy trì ổn định tuần thứ 5 liên tiếp ở mức 360 USD/tấn, do nguồn cung suy giảm. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao nhất kể từ giữa tháng 1/2019, các thương nhân kỳ vọng nhu cầu mới từ Trung Quốc.
Đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương tại Mỹ tăng sau khi giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng do lo ngại về nhu cầu xuất khẩu suy yếu và vụ thu hoạch tại Nam Mỹ bội thu. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Chicago tăng 1-1/2 US cent tương đương 0,2% lên 8,8-1/2 USD/bushel, trong đầu phiên giao dịch chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1/11/2018.
Giá ngô cũng tăng. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 1/4 US cent lên 3,67-1/4 USD/bushel.
Trong khi đó, giá lúa mì chạm thấp nhất 1 tháng do triển vọng vụ thu hoạch tại Bắc bán cầu thuận lợi. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn trên sàn Chicago giảm 2 US cent tương đương 0,3% xuống 4,48-1/4 USD/bushel.
Dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm, rời khỏi chuỗi tăng 2 phiên liên tiếp, theo xu hướng giá dầu đậu tương trên sàn Chicago suy giảm và hoạt động bán chốt lời. Tuy nhiên, giá dầu cọ giảm được hạn chế bởi đồng ringgit suy yếu.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,6% xuống 2.191 ringgit (528,97 USD)/tấn.
Sữa tăng 10 phiên liên tiếp
Giá sữa toàn cầu tăng phiên thứ 10 liên tiếp trong phiên đấu giá vừa qua, mặc dù giá sữa bột nguyên kem (WMP) – mặt hàng được giao dịch nhiều nhất - giảm do nhu cầu thấp.
Chỉ số giá sữa toàn cầu – GDT Price Index – tăng 0,5% so với phiên trước đó, với giá bán trung bình ở mức 3.447 USD/tấn, song chỉ số này vẫn thấp hơn mức tăng 0,8% trong phiên đấu giá trước đó.
Chỉ số giá sữa toàn cầu tăng do giá sữa gầy và bơ tăng mạnh 4,2% và 3,5% theo thứ tự lần lượt đã lấn át giá sữa bột nguyên kem trung bình giảm 0,7%, giảm phiên thứ 2 liên tiếp. Theo chuyên gia phân tích Robert Gibson tại NZX, giá giảm do nhu cầu trên thị trường suy yếu, đặc biệt ở khu vực Bắc Á.
Ethanol Brazil tăng vọt 18% lên mức kỉ lục
Giá ethanol ngậm nước (hydrous ethanol) khu vực trung tâm miền Nam Brazil tăng vọt hơn 18% trong 11 ngày đầu tháng 4/2019 lên mức cao kỉ lục 2.350 real/m3 (tương đương 604 USD/m3) do mưa lớn, dự trữ giảm. Đồng thời, giá ethanol khan nước (anhydrous ethanol) tăng 23,5% lên mức cao kỷ lục 2.285 real/m3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Mưa lớn làm cản trở hoạt động nghiền mía khu vực trung tâm miền Nam Brazil và giá xăng dầu trung bình của Petrobras tăng là những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch trong tháng này.
Xuất khẩu ethanol khan của Brazil trong tháng 3/2019 đạt mức cao nhất kể từ năm 2016, do tỉ giá đồng real so với đồng USD giảm và giá ethanol tại Mỹ tăng do chi phí vận chuyển tăng chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt khu vực Trung tây nước này.
S&P Global Platts Analytics ước tính tổng trữ lượng ethanol khan khu vực trung tâm miền Nam Brazil tính đến cuối tháng 3/2019 ở mức 500 triệu lít, tương đương với 19 ngày tiêu thụ dựa trên mức sử dụng hàng ngày, thấp nhất kể từ tháng 3/2011.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 19/04