Thị trường ngày 2/10: Giá dầu và vàng tăng, khí gas cao kỷ lục, bông đạt ‘đỉnh’ 10 năm, lúa mì cao nhất 6 tuần
Giá nhiều mặt hàng trong phiên giao dịch 1/10 tiếp tục xu hướng tăng của phiên liền trước. Theo đó, giá dầu bật tăng; vàng cũng tiếp tục hướng lên do USD yếu đi. Đáng chú ý, giá khí gas đạt kỷ lục mới do Trung Quốc mua mạnh và giá bông đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ.
Giá dầu tăng trước cuộc họp của OPEC+
Giá dầu Brent đạt trên 78 USD/thùng trong phiên thứ Sáu (1/10), gần sát mức cao nhất 3 năm đạt được trong tuần này. Thị trường nhận định các bộ trưởng OPEC sẽ quyết định duy trì tốc độ tăng sản lượng một cách ổn định.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC +, sẽ nhóm họp vào thứ Hai (4/10). Nhóm này đang dần gỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng nhiều kỷ lục được thực hiện vào năm ngoái, và một số nguồn tin cho biết họ đang xem xét hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy sản xuất.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 97 cent, tương đương 1,2%, lên 79,28 USD/thùng, tính chung cả tuần tăng tuần thứ 4 liên tiếp; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) phiên này tăng 85 US cent lên 75,88 USD trong/tuần, tính chung cả tuần tăng tuần thứ sáu liên tiếp.
Vàng tăng do USD giảm
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua do USD yếu đi và lo ngại về lạm phát và những rủi ro gia tăng, che mờ sự tập trung chú ý vào việc Mỹ sẽ nâng tỷ lệ lãi suất. Cũng chính điều này giữ cho giá vàng tính chung cả tuần tăng nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.759,13 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,1% lên 1.758,4 USD.
Đồng đô la giảm trở lại, khiến vàng trở nên rẻ hơn nếu tính bằng các loại tiền tệ khác, khuyến khích nhu cầu vàng tăng lên.
Tính chung cả tuần, giá vàng tăng tuần đầu tiên kể từ 3/9, với mức tăng khoảng 0,5%, chủ yếu nhờ đồng USD giảm khoảng 2% trong phiên 30/9.
Giá đồng hồi phục
Giá đồng tăng trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần vẫn giảm khoảng 2%. Các nhà giao dịch cảnh báo có nhiều khả năng giá đồng sẽ còn giảm nã do lo ngại về giá năng lượng và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên tăng 2,1% lên 9.099 USD/tấn. Phiên liền trước giá hợp đồng này giảm 2,4%.
Khí gas Châu Á cao kỷ lục
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á tuần này tăng lên mức cao kỷ lục do nhu cầu của Trung Quốc duy trì ở mức cao trong bối cảnh thiếu điện và giá khí đốt ở Châu Âu cũng cao trong khi mùa Đông bắt đầu tới.
Giá LNG trung bình kỳ hạn giao tháng 11 tại Đông Bắc Á hiện khoảng 32 USD/mmBtu, tăng gần 20% so với tuần trước.
S&P Global Platts cho biết giá khí JKM (Japan-Korea-Marker) - được sử dụng rộng rãi làm giá tham chiếu cho các hợp đồng LNG giao ngay - đã tăng lên 34,47 USD/mmBtu.
Các nguồn tin thương mại cho biết, các khách hàng Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều hàng hơn và đặt giá cao hơn giá thị trường, bất chấp mức giá thị trường đã cao kỷ lục, vì mùa Đông đang đến gần trong khi lượng khí dự trữ trong kho của nước này không còn nhiều.
Lúa mì cao nhất 6 tuần do nguồn cung eo hẹp, giá ngô tăng, đậu tương giảm
Giá lúa mì kỳ hạn của Mỹ đạt mức cao nhất trong sáu tuần, là phiên tăng thứ 2 liên tiếp, sau dữ liệu cho thấy dự trữ và sản lượng của Mỹ thấp hơn dự kiến.
Giá ngô cũng tăng theo lúa mì, trong khi đậu tương giảm xuống thấp nhất trong nhiều tháng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo dự trữ đậu tương của nước này cao hơn dự kiến.
Trên sàn Chicago, lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 29-3/4 cent lên 7,55-1/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 7,58-1/2 USD, cao nhất kể từ ngày 17/8.
Giá ngô giao tháng 12 kết thúc phiên cũng tăng 4-3/4 cent lên 5,41-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11 giảm 9-1/2 cent xuống 12,46-1/2 USD/bushel vào lúc đóng cửa, sau khi có lúc giảm xuống 12,42 USD, thấp nhất kể từ ngày 22 tháng 12.
Cà phê tăng vì lo ngại nguồn cung
Giá cà phê kỳ hạn tăng lên khi nguồn cung trên thị trường vật chất trở nên thiếu hụt do thiếu hụt do sản lượng giảm.
Cà phê arabica giao tháng 12 tăng 10,05 cent, tương đương 5,2%, lên 2,0405 USD/lb, tính chung cả tuần tăng 4,75%.
Xuất khẩu cà phê robusta của tỉnh sản xuất cà phê chính của Indonesia là Lampung giảm gần 70% trong tháng 9.
Giá cà phê robusta giao tháng 11 tăng 42 USD, tương đương 2,0%, ở mức 2.168 USD/tấn.
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tương lai trên Sàn giao dịch Liên lục địa giảm vào thứ Sáu (1/10) - ngày đầu tiên của niên vụ 2021/22, do lo ngại về lạm phát thúc đẩy đồng đô la tăng gần đây và ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường hàng hóa và chứng khoán toàn cầu.
Đường thô giao tháng 3 phiên này giảm 22 cent/lb, tương đương 0,1% xuống 20,06 cent/lb.
Đường trắng kỳ hạn giao tháng 12 phiên này cũng giảm 1,90 USD/tấn, tương đương 0,37% xuống 510,90 USD/tấn.
Bông đạt "đỉnh" 10 năm
Giá bông tại Mỹ giảm lúc kết thúc phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2016, được hỗ trợ bởi lực mua mạnh từ Trung Quốc và lo ngại về nguồn cung bị suy giảm do thiệt hại về cây trồng ở nhà sản xuất lớn là Ấn Độ.
Đầu phiên giao dịch 1/10, giá bông kỳ hạn giao sau 2 tháng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 là 107,28 cent/lb.
Kết thúc phiên, hợp đồng bông giao tháng 12 giảm 0,62 cent, tương đương 0,59%, xuống 105,18 cent/lb.
Trung Quốc đã trở thành khách hàng mua bông lớn nhất của Mỹ trong 4 tuần liên tiếp. Trong khi đó, đã có báo cáo rằng mùa màng bông của Ấn Độ bị ảnh hưởng.
Giá cao su giảm
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm trong phiên thứ Sáu do các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động công nghiệp ở châu Á tháng 9 chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các mặt hàng như cao su.
Cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 1,1 yên, tương đương 0,5%, xuống 210,7 yên/kg.
Hoạt động sản xuất của châu Á trong tháng 9 "mờ nhạt" do các dấu hiệu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại và các nhà máy ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19 gây ra đã đè nặng lên các nền kinh tế của khu vực.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 2/10: