Thị trường ngày 2/11: Giá dầu tiếp tục lao dốc mất gần 3%, đã giảm 17% so với cách đây 1 tháng
Vàng quay đầu tăng cao; dầu, thép tiếp tục giảm sâu; gạo Ấn Độ thấp nhất 21 tháng, đậu tương tăng mạnh nhất gần 4 tháng...
- 01-11-2018Thị trường ngày 01/11: Giá dầu có tháng giảm sâu nhất trong hơn 2 năm
- 31-10-2018Thị trường ngày 31/10: Nỗi lo mới về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo giá dầu xuống thấp nhất 2 tháng
- 30-10-2018Thị trường ngày 30/10: Mối lo về Trung Quốc kéo giá cao su giảm xuống thấp nhất 25 tháng
Giá dầu giảm tiếp
Giá dầu kết thúc phiên vừa qua (01/11) giảm gần 3%, do gia tăng lo ngại nhu cầu toàn cầu suy yếu, cùng với đó là sản lượng từ các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới gia tăng.
Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau giảm 2,15 USD tương đương 2,9% xuống 72,89 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giao sau giảm 1,62 USD tương đương 2,5% xuống 63,69 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 9/4/2018. Như vậy, giá dầu thô Mỹ đã giảm 17% so với mức cao nhất hồi đầu tháng 10/2018.
Giá dầu chịu áp lực giảm, do nguồn cung dầu từ Mỹ và Nga hậu Xô Viết tăng, cùng với động thái sản lượng tăng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ đã lên đến đỉnh điểm. Nguồn cung dầu áp đảo mối lo ngại thị trường sẽ không thể bù đắp sự suy giảm xuất khẩu từ Iran khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào tuần tới. Đồng thời, gia tăng lo ngại về khả năng tăng trưởng toàn cầu suy giảm do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết và bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thị trường mới nổi.
Vàng quay đầu tăng mạnh, bạch kim cao nhất 4 tháng
Giá vàng kết thúc phiên giao dịch tăng gần 2%, hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 3 tuần trong phiên trước đó, do đồng USD giảm khỏi mức cao nhiều tháng, khiến kim loại này trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.234,18 USD/ounce, sau khi tăng mạnh 1,9% lên 1.237,39 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 26/10/2018 và vàng kỳ hạn giao sau tại Mỹ tăng 23,6 USD tương đương 1,94% lên 1.238,6 USD/ounce. Chỉ số đồng USD là thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với giỏ tiền tệ chủ chốt giảm 0,9% so với mức cao nhất 16 tháng trong phiên trước đó, do nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Trong khi đó, bạch kim tăng 2,8% lên 859,4 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch đạt 860,9 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 27/6/2018.
Nhôm tăng trở lại
Giá nhôm tăng trở lại từ mức thấp nhất 15 tháng, do hoạt động mua vào kiếm lời sau khi giá nhôm giảm mạnh.
Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,6% lên 1.966 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017 (1.953 USD/tấn) trong phiên trước đó. Giá nhôm được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – cam kết sẽ thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng trong nước để chống lại sự suy thoái kinh tế. Trong khi đó, dự trữ nhôm tại LME giảm 1.825 tấn xuống 723.900 tấn.
Nickel bật lên khỏi mức thấp nhất 10 tháng
Giá nickel tăng cao khỏi mức thấp nhất 10 tháng đạt được trong phiên trước đó, tăng 2,7% lên 11.785 USD/tấn, khi công ty Nhật Bản, Sumitomo Corp giảm mức dự báo của họ về sản lượng nickel tại dự án Ambatovy ở Madagascar còn trên 40.000 tấn trong năm tính đến 31/3, thấp hơn dự báo 48.000 tấn đưa ra hồi tháng 5/2018.
Thép tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần
Giá thép cây tại Trung Quốc giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống thấp nhất 3 tuần, do các nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng sản xuất chậm lại, bất chấp nước này đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Giá thép cây kỳ hạn giao sau trên sàn Thượng Hải giảm 1,9% xuống 4.057 CNY (583,5 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm 2,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 28/9/2018.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Caixin/Markit cho biết, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10/2018 chỉ tăng nhẹ lên 50,1 từ mức 50 tháng trước đó.
Cao su quay đầu giảm
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm, do giá dầu thô giảm và các yếu tố cơ bản suy yếu, ngay cả khi giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải hồi phục khỏi chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp. Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn TOCOM giảm 1,7 JPY (0,0151 USD) xuống 161,3 JPY/kg. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 45 CNY (6,47 USD) lên 11.265 CNY/tấn.
Cao Lu, nhà phân tích cao cấp thuộc Orient Futures cho biết: "Giá cao su chịu áp lực giảm một mặt do giá dầu, mặt khác do các yếu tố cơ bản về cao su yếu và không có sự cải thiện. Ngoài ra, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với xuất khẩu lốp xe trở nên rõ hơn".
Đường thấp nhất 3,5 tuần, cà phê và ca cao tăng
Giá đường giảm xuống mức thấp nhất 3,5 tuần, do hoạt động bán ra mạnh và nguồn cung dồi dào, trong khi đồng real Brazil tăng mạnh đẩy giá cà phê tăng.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2018 giảm 3,7 USD tương đương 1% xuống 352 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 350,3 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 9/10/2018. Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,06 US cent tương đương 0,5% xuống 13,13 US cent/lb.
Trong khi đó, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2018 tăng 1,55 US cent tương đương 1,4% lên 1,1425 USD/lb và giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2019 tăng 15 USD tương đương 0,9% lên 1.690 USD/tấn.
Tương tự, giá ca cao kỳ hạn tháng 12/2018 trên sàn New York tăng 26 USD tương đương 1,2% lên 2.260 USD/tấn, do đồng USD suy yếu thúc đẩy giá. Tuy nhiên, giá ca cao giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 8 GBP tương đương 0,5% xuống 1.687 GBP/tấn, do đồng bảng Anh tăng.
Đậu tương tăng mạnh nhất gần 4 tháng
Giá đậu tương tăng gần 4%, do kỳ vọng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dịu xuống, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh sẽ tích cực hơn.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Chicago tăng 30-1/4 US cent tương đương 3,6% lên 8,83-3/4 USD/bushel, tăng mạnh nhất gần 4 tháng.
Gạo Thái Lan giảm, Ấn Độ thấp nhất 21 tháng và Việt Nam không đổi
Giá xuất khẩu gạo Thái Lan trong tuần này giảm, do đồng bath suy yếu, bất chấp những thỏa thuận mới với Philippine và Trung Quốc, trong khi giá gạo Ấn Độ chạm thấp nhất 21 tháng do nhu cầu chậm chạp.
Gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 380-400 USD/tấn, FOB Bangkok, giảm so với 400-402 USD/tấn trong tuần trước đó. Đồng baht suy giảm so với đồng USD là nhân tố chính khiến giá gạo Thái Lan giảm trong tuần này, ngoài ra nhu cầu xuất khẩu gạo Thái Lan duy trì vững và thị trường dự kiến nguồn cung sẽ được bổ sung từ vụ thu hoạch sắp tới.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm ở mức 361-367 USD/tấn trong tuần này, không thay đổi so với tuần trước đó, trong phiên có lúc chạm thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Sự suy giảm này do Ấn Độ sắp bước vào vụ thu hoạch mới, đẩy nguồn cung tăng, song nhu cầu có thể được cải thiện, do giá gạo của Ấn Độ rẻ hơn gạo có xuất xứ khác.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không thay đổi so với tuần trước đó ở mức 410-415 USD/tấn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018 dự báo sẽ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,24 triệu tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 2/11