Thị trường ngày 2/2: Giá đồng loạt tăng, đậu tương cao nhất 7 tháng
Giá dầu, vàng, kim loại cơ bản và các nông sản đều tăng trong phiên 1/1 do USD yếu đi và dữ liệu sản xuất của các nền kinh tế lớn đều tích cực.
- 01-02-2022Thị trường ô tô Việt Nam sắp đón loạt xe mới sau dịp Tết Nguyên đán
- 30-01-2022Ngành rượu mạnh thế giới khát khao thị trường Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên đán
- 30-01-2022Thị trường hàng hóa thế giới quay cuồng trong tuần qua
Dầu biến động nhẹ
Giá dầu gần như không thay đổi trong phiên vừa qua trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị
và nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt tiếp tục hỗ trợ thị trường, mặc dù một số người dự đoán OPEC+ có thể sẽ đẩy nguồn cung tăng nhiều hơn dự kiến.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC +, ngày 2/2 họp bàn về chính sách sản lượng, theo đó dự kiến sẽ quyết định tiếp tục tăng dần sản lượng. Goldman Sachs dự kiến OPEC+ sẽ nâng cao mức tăng sản lượng do thị trường dầu mỏ đang căng thẳng bởi giá tăng cao và nguồn cung thắt chặt.
Giá dầu Brent kết thúc phiên giảm nhẹ 10 cent, tương đương 0,1%, xuống 89,16/thùng trong khi dầu Tây Texas của Mỹ (WTI) tăng 5 cent lên 88,20 USD.
Vàng tăng do USD giảm
Giá vàng tiếp tục tăng do USD yếu đi và căng thẳng liên quan đến Ukraine tiếp diễn thúc đẩy các nhà đầu tư tìm tới vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.800,36 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4/2021 tăng 0,3% lên 1.801,50 USD/ounce.
Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ thông báo sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, nhưng các thông điệp của họ phát đi một cách thận trọng, giúp trấn an thị trường vàng rằng tiến độ thắt chặt tiền tệ sẽ không gây sốc.
Chỉ số Dollar index tiếp tục lùi xa khỏi mức cao nhất nhiều tháng cũng khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Đồng và nickel tăng
Giá đồng tăng trong phiên vừa qua sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đều tăng trưởng tốt. Đồng USD suy yếu cũng khiến kim loại trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Giá nickel phiên này cũng tăng do lượng tồn trữ giảm, đẩy mức chênh lệch giá giữa hợp đồng giao ngay với hợp đồng giao sau 3 tháng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009.
Giá đồng kỳ hạn tham chiếu trên sàn giao dịch London kết thúc phiên 1/2 tăng 2,2% lên 9.719 USD/tấn, không xa so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 5 năm ngoái, là 10.747,50 USD.
Giá nickel phiên này cũng tăng 2% lên 22.770 USD/tấn. Hôm 20/1, kim loại này đạt 24.435 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2011.
Cao su tăng
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng phiên thứ ba liên tiếp do dữ liệu tích cực từ các nhà máy của nước này làm gia tăng kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn dự kiến. Thị trường chứng khoán Tokyo tăng điểm cũng góp phần tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 7 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 1,9 yên, tương đương 0,8%, lên 246,7 yên (2,2 USD)/kg, trong phiên có lúc giá đạt 247,7 yên, cao nhất kể từ ngày 21 tháng 1.
Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu châu Phi, đã xuất khẩu 1.229.947 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cà phê tăng
Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3 tăng 3 USD, tương đương 0,1%, lên 2.178 USD/tấn, cũng phục hồi từ mức thấp nhất ba tháng là 2.161 USD chạm tới thứ Hai (31/1) khi dữ liệu cho thấy xuất khẩu từ Việt Nam tăng.
Giá cà phê arabica giao cùng kỳ hạn phiên này tăng 1,8 cent, tương đương 0,8%, lên 2,373 USD/lb, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần vào thứ Sáu tuần trước (28/1).
Đậu tương đạt đỉnh 7 tháng
Giá đậu tương Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng do lo ngại vụ thu hoạch ở Brazil thấp hơn dự kiến sẽ khiến tồn trữ đậu tương trên toàn cầu càng thêm bị thắt chặt và nhu cầu đậu tương từ các nhà nhập khẩu sẽ chuyển hướng từ Brazil sang Mỹ.
Giá ngô cũng tăng trong phiên này, trong khi giá lúa mì vững sau khi giảm 3% ở phiên trước đó.
Giá ngũ cốc cũng được hỗ trợ tăng bởi rủi ro địa chính trị có thể ảnh hưởng đến nguồn cung từ các nhà xuất khẩu ở khu vực Biển Đen là Nga và Ukraine.
Kết thúc phiên, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3 tăng 38 US cent lên 15,28-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 15,39 USD, cao nhất kể từ ngày 11 tháng 6.
Giá ngô kỳ hạn tháng 3 phiên này cũng tăng 8-3/4 cent lên 6,34-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 7-3/4 cent lên 7,69 USD/bushel.
Đường tăng
Giá đường thô hồi phục khỏi mức thấp nhất trong vòng 3 tuần sau khi thị trường chững khoán thế giới tăng điểm trở lại.
Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,26 cent, tương đương 1,4%, lên 18,48 cent/lb, hồi phục từ mức thấp nhất kể từ ngày 11/1 chạm tới vào thứ Hai (31/1), là 17,90 cent.
Giá đường trắng phiên này cũng tăng 7 USD tương đương 1,4% lên 499,50 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 2/2: