Thị trường ngày 2/7: Quặng sắt cao kỷ lục, thép cây nối dài đợt tăng giá dài nhất kể từ 2017, dầu và cao su cũng tăng
Giá dầu, đồng, sắt thép, cao su… đồng loạt tăng do Mỹ và Trung Quốc tạm dừng cuộc chiến thương mại để bắt đầu những vòng thỏa thuận mới.
- 29-06-2019Thị trường ngày 29/06: Giá quặng sắt leo lên kỷ lục mới, thép vẫn ở đỉnh 8 năm
- 28-06-2019Thị trường ngày 28/06: Giá thép cao nhất 8 năm, cao su và dầu cùng tăng giá, vàng vẫn trên 1.400 USD
- 27-06-2019Thị trường ngày 27/06: Dầu tăng hơn 2% lên cao nhất 1 tháng, vàng dứt đà tăng
Dầu tăng do OPEC nhất trí duy trì giảm sản lượng
Giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch vừa qua trong bối cảnh thị trường vẫn lo ngại về tình trạng nguồn cung dư thừa nhưng OPEC trong cuộc họp tại Vienne đã nhất trí kéo dài thời hạn cắt giảm nguồn cung cho đến tháng 3/2020.
Dầu Brent kỳ hạn tháng 9/2019 tăng 32 UScent lên 65,06 USD/thùng, trong ngày có lúc đạt 66,75 USD. Dầu thô Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 8/2019 tăng 62 UScent lên 59,09 USD/thùng vào lúc đóng cửa, đầu phiên có lúc chạm mức cao nhất 5 tuần là 60,28 USD/thùng.
Nguồn tin từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho hay các thành viên của nhóm đã "vượt qua" được những mong muốn khác nhau để cùng vì mục tiêu thúc đẩy giá dầu tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu mà sản lượng của Mỹ lại tăng cao. OPEC dự kiến sẽ gặp Nga và các nước sản xuất dầu khác (trong liên minh OPEC+) vào ngày 2/7/2019 để thảo luận tiếp về vấn đề này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/6/2019 cho biết ông đã đồng ý với Saudi Arabia về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày thêm 6 đến 9 tháng nữa.
Đồng cao nhất 6 tuần nhưng đà tăng "mong manh"
Giá đồng trên sàn London (LME) trong phiên giao dịch đầu tuần vừa kết thúc có lúc tăng lên mức cao nhất 6 tuần bởi thị trường lạc quan sau thông tin Mỹ và Trung Quốc đình chiến thương mại.
Đồng giao sau 3 tháng tại LME kết thúc phiên giảm 0,6% xuống 5.955 USD/tấn, nhưng đầu phiên có lúc đạt 6.075 USD/tấn, cao nhất kể từ 20/5/2019.
Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí bắt đầu lại các cuộc đàm phán thương mại và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một số nhượng bộ, bao gồm tạm hoãn áp thuế quan mới và nới lỏng những hạn chế đối với công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai bên chưa đặt ra thời hạn cụ thể để cho tiến trình đàm phán này, và vẫn còn nhiều bất đồng cho một thỏa thuận song phương. Như vậy, thuế hiện tại sẽ chỉ duy trì trong quá trình hai bên đàm phán, và điều đó không đủ để thuyết phục các doanh nghiệp tin tưởng vào một thỏa thuận đầy đủ giữa 2 cường quốc này.
Trong khi đó, hàng loạt số liệu mới cho thấy hoạt động sản xuất giảm ở hầu hết các nước Châu Á và Châu Âu trong tháng 6/2019, bao gồm cả Trung Quốc, giữa bối cảnh nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu chững lại. Sản xuất tại Mỹ cũng tăng trưởng thấp nhất hơn 2,5 năm.
Quặng sắt cao kỷ lục, thép cây nối dài đợt tăng giá dài nhất kể từ 2017
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc phiên vừa qua đã lập kỷ lục cao mới do nguồn cung khan hiếm và dự báo giá thép sẽ tăng kéo theo nhu cầu nguyên liệu ngành thép tăng lên.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên trong phiên vừa qua có lúc tăng 4,9% lên 874,5 CNY (127,94 USD)/tấn, cao nhất kể từ khi lập sàn giao dịch này (năm 2018). Kết thúc phiên, quặng sắt vẫn tăng 4,7% lên 873 CNY/tấn. Quý 2/2019 quặng sắt đã tăng giá mạnh nhất kể từ cuối 2016.
Thép bắt đầu đợt tăng giá này kể từ ngày 19/6/2019 và đà tăng vẫn nối dài, lập kỷ lục là đợt tăng giá dài nhất kể từ giữa năm 2017, do những hạn chế nghiêm ngặt về sản lượng để giảm thiếu ô nhiễm ở các trung tâm công nghiệp tại Trung Quốc. Thị trường đang lo ngại sẽ thiếu cung thép ở Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2019 trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang tập trung kích thích kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 1,6% cuối phiên vừa qua, lên 4.107 CNY/tấn, đầu phiên có lúc đạt 4.148 CNY, cao nhất kể từ tháng 2/2011.
Thép cuộn cán nóng cũng lập kỷ lục cao 4.049 CNY/tấn trước khi kết thúc ở mức 9.383 CNY, vẫn là tăng 1,2% so với phiên giao dịch trước.
Lượng thép lưu kho tại các cảng Trung Quốc tính tới 28/6/2019 là 115,25 triệu tấn, giảm mạnh so với gần 149 triệu tấn hồi giữa tháng 4/2019.
Cà phê arabica cao nhất 7 tháng do thời tiết
Giá cà phê arabica đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng do lo ngại thời tiết lạnh ở Brazil ảnh hưởng tới sản lượng, mặc dù vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại do thời tiết lạnh gây ra cho các nông trường cà phê.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, arabica kỳ hạn tháng 9/2019 tăng 1,9 UScent tương đương 1,7% lên 1,1135 USD/lb, sau khi cùng ngày có lúc đạt 1,1410 USD, cao nhất kể từ 29/11/2018. Đây là phiên giao dịch thứ 2 liên tiếp arabica kết thúc ở mức cao hơn trung bình 200 ngày.
Hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 9/2019 kết thúc phiên cũng tăng 23 USD tương đương 1,6% lên 1.474 USD/tấn, sau khi trong phiên có lúc chạm mức cao nhất hơn 3 tuần là 1.489 USD/tấn, nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường arabica.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng 19,4% lên 11,6 triệu bao (1 bao = 60 kg), théo thông tin từ Tổ chức Cà phê quốc tế.
Cacao tăng
Giá cacao kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn New York tăng 76 USD tương đương 3,1% lên 2.501 USD/tấn, trong khi hợp đồng cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 39 GBP tương đương 2,2% lên 1.844 GBP/tấn do thông tin Bờ Biển Ngà lên kế hoạch trong 5 năm tới sẽ xóa bỏ hết những diện tích trồng cacao bất hợp pháp ở các rừng quốc gia và các khu rừng phòng hộ để kiểm soát tốt hơn sản lượng cũng như giá cả.
Lượng cacao chuyển tới các cảng biển của quốc gia sản xuất cacao lớn nhất thế giới này trong giai đoạn 1/10/2018 – 30/6/2019 đạt khoảng 2,098 triệu tấn, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cao su lập "đỉnh" 1 tuần do Mỹ - Trung khôi phục đàm phán
Giá cao su trên sàn Tokyo cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần khi các nhà đầu tư tăng cường mua hàng hóa bởi kỳ vọng vào việc Mỹ và Trung Quốc sẽ đàm phán để giảm bớt căng thẳng thương mại.
Cao su hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn Tokyo tăng 1,7 JPY tương đương 0,9% lên 195,2 JPY (1,8 USD)/kg vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 197 JPY, cao nhất kể từ 24/6/2019.
Vàng giảm do USD và chứng khoán tăng sau khi Mỹ - Trung đình chiến thương mại
Giá vàng giảm 2% trong phiên vừa qua do USD mạnh lên và các nhà đầu tư đổ xô vào mua những tài sản có độ rủi ro cao sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí khôi phục các cuộc đàm phán thương mại.
Cuối phiên, vàng giao ngay giảm 1,66% xuống 1.385,75 USD/ounce, trước đó cùng ngày có lúc chỉ 1.381,51 USD, thấp nhất kể từ 20/6/2019; vàng kỳ hạn tháng 8/2019 cũng giảm 1,7% xuống 1.389,30 USD/ounce.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc ngày 29/6/2019 đã nhất trí sẽ khôi phục các cuộc thương lượng để giải quyết những tranh chấp dai dẳng giữa 2 bên.
Những thông tin này đã đẩy chứng khoán toàn cầu tăng điểm và khiến chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất trong hơn 1 tuần, đồng thời giảm giảm luồn vốn chảy vào những tài sản an toàn như vàng thỏi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Commerzbank cho rằng "Giá vàng sẽ không giảm đáng kể" mà đây chỉ là một đợt điều chỉnh "lành mạnh" tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mua vàng vào.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 2/7