Thị trường ngày 20/11: Giá dầu dưới ngưỡng 80 USD/thùng, vàng thấp nhất 1 tuần, nhôm, đồng, sắt thép, cao su… đồng loạt tăng
Chốt phiên giao dịch ngày 19/11, giá dầu dưới ngưỡng 80 USD/thùng, vàng thấp nhất 1 tuần, trong khi nhôm, đồng, sắt thép, cao su… đồng loạt tăng, cà phê arabica vẫn cao nhất gần 10 năm.
- 19-11-2021Giá xăng dầu sắp giảm cực mạnh sau 5 lần liên tiếp tăng "sốc"
- 19-11-2021Giá thịt heo giảm mạnh, "ngược gió" với các mặt hàng khác
Giá dầu giảm 3%
Giá dầu giảm khoảng 3% xuống dưới 80 USD/thùng, do các trường hợp nhiễm Covid-19 tại châu Âu tăng đe dọa sự phục hồi nền kinh tế, cùng với đó là các nhà đầu tư cũng cân nhắc khả năng giải phóng dự trữ dầu thô bởi các nền kinh tế lớn để hạ nhiệt giá.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/11, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,35 USD tương đương 2,9% xuống 78,89 USD/thùng, dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2,91 USD tương đương 3,6% xuống 76,01 USD/thùng và dầu thô WTI kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,65 USD tương đương 3,4% xuống 75,78 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều có tuần giảm thứ 4 liên tiếp – lần đầu tiên – kể từ tháng 3/2020.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá dầu Brent tăng gần 60%, do các nền kinh tế hồi phục trở lại từ đại dịch và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+ chỉ tăng dần sản lượng.
Giá khí tự nhiên tiếp đà tăng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng, do thời tiết lạnh hơn và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt mức cao kỷ lục.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York tăng 16,3 US cent tương đương 3,3% lên 5,065 USD/mmBtu. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 6% sau khi giảm 13% trong tuần trước đó.
Giá vàng thấp nhất 1 tuần, palađi có tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần, do đồng USD tăng sau khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang, Christopher Waller kêu gọi sớm cắt giảm hỗ trợ kinh tế, nhằm thiết lập chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,6% xuống 1.848,05 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York giảm 0,5% xuống 1.851,6 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng 0,5% so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Palađi giảm 3,4% xuống 2.060,24 USD/ounce và có tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần.
Giá nhôm và đồng tăng
Giá nhôm tăng sau một vụ nổ tại 1 nhà máy luyện ở Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung thắt chặt, cùng với đó là mối lo ngại thiếu hụt nguồn cung và tồn trữ ở mức thấp cũng thúc đẩy giá đồng tăng.
Giá nhôm trên sàn London tăng 2,5% lên 2.682 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt mức cao 2.697,5 USD/tấn.
Giá đồng trên sàn London tăng 2,4% lên 9.670 USD/tấn.
Một nhà máy nhôm tại tỉnh Vân Nam Trung Quốc với công suất hàng năm đạt 300.000 tấn, đã ngừng sản xuất sau 1 vụ nổ, Thị trường Kim loại Thượng Hải cho biết.
Giá quặng sắt và thép đều tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng trở lại, sau 1 số thông tin tích cực từ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của nước này. Tuy nhiên, các thương nhân vẫn thận trọng về triển vọng nhu cầu nguyên liệu thô tại nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên tăng 2,5% lên 536 CNY (84 USD)/tấn. Trong đầu phiên giao dịch, giá quặng sắt chạm 509,5 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 6/11/2020 và có tuần giảm thứ 6 liên tiếp.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Singapore tăng 5,1% lên 90,6 USD/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc chạm 90 USD/tấn – thấp nhất 18 tháng, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 2,2%, thép cuộn cán nóng tăng 1,3% và thép không gỉ tăng 0,4%.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, sau khi chính phủ nước này đưa ra gói chi tiêu gần nửa nghìn tỉ USD, nhằm xoa dịu tổn thất từ đại dịch và giúp tăng trưởng kinh tế cùng với nhu cầu hàng hóa công nghiệp.
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka tăng 4,4 JPY tương đương 2% lên 229,8 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 1,2% - tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 3,4% lên 14.935 CNY/tấn.
Giá cà phê arabica vẫn cao nhất gần 10 năm
Giá cà phê arabica đạt mức cao nhất gần 10 năm trước khi giảm nhẹ vào cuối phiên, do nguồn cung tại các nước sản xuất hàng đầu thắt chặt và lo ngại thời tiết bất lợi.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1,9% lên 2,334 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 2,3955 USD/lb – cao nhất kể từ tháng 1/2012.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London tăng 1,5% lên 2.245 USD/tấn.
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,9% xuống 19,99 US cent/lb, trong phiên trước đó đạt 20,69 US cent/lb – cao nhất kể từ tháng 2/2017.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London giảm 0,8% xuống 512,6 USD/tấn.
Giá lúa mì tăng, ngô và đậu tương giảm
Giá lúa mì tại Mỹ tăng, do hoạt động mua vào mạnh đẩy giá lúa mì lên mức cao nhất gần nhiều năm đạt được trong đầu tuần này.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 3-1/2 US cent lên 8,34-1/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2 US cent xuống 12,63-1/4 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2-1/4 US cent xuống 5,7-3/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ có tuần tăng thứ 2 liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lời, song có tuần tăng thứ 2 liên tiếp do lo ngại sản lượng suy giảm và xuất khẩu tăng mạnh đã hỗ trợ giá.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,2% xuống 4.988 ringgit (1.192,73 USD)/tấn. Giá dầu cọ giảm do hoạt động bán ra chốt lời sau khi tăng 4,39% trong 2 phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 1,07%, sau khi tăng 1,13% trong tuần trước đó.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 20/11: