MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 21/12: Giá dầu lại giảm mạnh 5%, nhôm thấp nhất 16 tháng, cao su lập đỉnh 3,5 tháng

21-12-2018 - 07:33 AM | Thị trường

So với hồi tháng 10 thì giá dầu đã giảm hơn 35%.

Giá các loại hàng hóa có sự phân cực mạnh mẽ trong phiên vừa qua. Trong khi dầu thô, nhôm, đậu tương và cả gạo Việt Nam giảm mạnh thì vàng, cao su, cà phê, gạo Ấn Độ… tăng tốt. Đặc biệt, nhóm sắt thép tiếp tục đi lên, thép lập đỉnh cao nhất 5 tuần.

Dầu xuống thấp nhất hơn 1 năm

Giá dầu giảm khoảng 5% trong phiên giao dịch vừa kết thúc, xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm do lo ngại nguồn cung dư thừa và triển vọng nhu cầu chậm lại trong bối cảnh lãi suất của Mỹ tăng làm cho chứng khoán giảm điểm.

Dầu Brent kết thúc phiên giảm 2,89 USD (5,05%) xuống 54,35 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 2,29 USD (4,75%) xuống 45,88 USD/thùng. Trong phiên có lúc dầu Brent xuống chỉ 54,28 USD, thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2017; dầu WTI chỉ 45,67 USD, thấp nhất từ cuối tháng 8/2017. Như vậy cả 2 loại dầu này đã mất hơn 35% kể từ mức cao kỷ lục nhiều năm đạt tới hồi đầu tháng 10/2018.

Chứng khoán toàn cầu đồng loạt đỏ sàn sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất vào hôm 19/12/2018 và giữ nguyên hầu hết các kế hoạch trong lộ trình tăng lãi suất thêm nữa trong 2 năm tới, khiến cho các nhà đầu tư giảm hy vọng về khả năng cơ quan này sẽ điều chỉnh chính sách về lãi suất.

Trong khi đó, dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma (trung tâm giao nhận dầu thô kỳ hạn của Mỹ) đã tăng 1,85 triệu thùng trong tuần tới 18/12/2018, theo số liệu của công ty Genscape.

Vàng tăng 1%

Giá vàng tăng trong phiên vừa qua do USD, chứng khoán và dầu mỏ đều giảm khiến nhà đầu tư lại tìm tới nơi trú ẩn an toàn là vàng. Vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.262,84 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn giao sau tăng 0,9% lên 1.276,9 USD/ounce. Trong phiên có lúc vàng giao ngay lên 1.265,28 USD, cao nhất kể từ 9/7/2018.

Mối lo tăng trưởng kinh tế mất đà ngày càng lớn đã bao trùm lên các thị trường chứng khoán sau khi Fed nâng lãi suất. Nhiều người thậm chí cho rằng kinh tế toàn cầu có thể lại sắp rơi vào suy thoái.

Thép cao nhất 5 tuần, sắt cũng tăng

Giá thép tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần bởi hy vọng nhu cầu mạnh lên và lo ngại nguồn cung suy giảm.

Thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 1,8% lên 3.492 CNY (506,09 USD)/tấn, cao nhất kể từ 16/11/2018. Quặng sắt trên sàn Đại Liên cuối phiên cũng tăng 1,9% lên 496,5 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 497 CNY, cao nhất trong vòng 4 tuần.

Giới đầu tư lại dấy lên hy vọng nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng ở Trung Quốc sẽ tăng lên sau khi 2 thành phố của nước này nới lỏng những hạn chế trong lĩnh vực bất động sản nhằm thúc đẩy ngành này hồi phục. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm qua cũng thông báo một chính sách mới nhằm tăng cường cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ vay tiền.

Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, sản lượng thép thô tháng 11/2018 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 149 triệu tấn. Thông tin này có thể ảnh hưởng tới giá thép tại Trung Quốc trong ngày hôm nay 21/12.

Lithium giảm mạnh

Dư cung lithium trong năm nay đã khiến cho giá kim loại hiếm này trên thị trường Trung Quốc giảm gần một nửa. Lý do bởi sự bùng nổ trong ngành xe điện đã đẩy giá phi mã trong giai đoạn trước, khiến các ngành sử dụng nguyên liệu này, như các công ty ô tô, phải săn lùng mua bằng mọi giá để đảm bảo nguồn cung, kéo theo ngành sản xuất lithium tăng cường khai thác dẫn tới cung vượt cầu.

Các nhà phân tích của CRU dự báo thị trường sẽ dư thừa 22.000 tấn trong năm 2018, trong bối cảnh nhu cầu sẽ ở mức 277.000 tấn. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn tin tưởng rằng nhu cầu về dài hạn sẽ tăng lên.

Thị trường ngày 21/12: Giá dầu lại giảm mạnh 5%, nhôm thấp nhất 16 tháng, cao su lập đỉnh 3,5 tháng - Ảnh 1.

Nhôm thấp nhất 16 tháng vì Mỹ xóa bỏ trừng phạt Rusal

Giá nhôm vừa giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng sau khi Mỹ tuyên bố sẽ xóa bỏ các trừng phạt đối với hãng Rusal của Nga, tạo cơ hội để hãng này thúc đẩy nguồn cung tăng lên.

Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London trong phiên có lúc xuống chỉ 1.905,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ 4/8/2017, và kết thúc ở mức 1.912 USD/tấn, giảm 0,8% so với cuối phiên trước.

Đáng chú ý là giá nhôm vẫn giảm bất chấp thông tin sản lượng nhôm nguyên khai toàn cầu tháng 11/2018 giảm xuống 5,312 triệu tấn, từ mức 5,49 triệu tấn của tháng 10/2018.

Trong bối cảnh này, đại diện của các hãng sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc hôm nay nhóm họp tại Quảng Tây để thảo luận về vấn đề này. Hãng CRU ước tính các nhà máy nhôm nước này đã phải giảm công suất đi 2 triệu tấn trong năm nay do giá giảm. Lượng nhôm lưu kho trên sàn Thượng Hải lần đầu tiên lên tới 1 triệu tấn vào đầu mùa Xuân vừa qua, sau đó giảm xuống dưới 700.000 tấn nhưng hiện vẫn cao gấp 7 lần so với đầu năm 2017.

Được biết giá nhôm tại Trung Quốc đã giảm 14% từ đầu năm đến nay, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, do nhu cầu của Trung Quốc sụt giảm trong khi nguồn cung tại đây vẫn dồi dào. Giá nhôm tại Trung Quốc phiên vừa qua chỉ 13.610 CNY (1.970,20 USD)/tấn, thấp nhất kể từ tháng 9/2016. Đầu tháng 12 này có lúc giá cũng đã từng chạm mức này. Năm 2015 khi giá xuống dưới 10.000 CNY các hãng nhôm Trung Quốc cũng đã họp khẩn và cắt giảm sản lượng.

Cao su lập đỉnh 3,5 tháng

Giá cao su tại Tokyo đã tăng mạnh trong phiên vừa qua bởi nguồn cung cao su cho thị trường này dự báo sẽ trở nên khan hiếm trong bối cảnh các nước sản xuất cao su chủ chốt đã nhất trí cùng áp dụng các biện pháp đẩy giá tăng lên. Đáng chú ý là giá cao su tăng bất chấp chứng khoán châu Á sụt giảm, giá dầu đang đi xuống và đồng yen mạnh lên so với USD (JPY tăng 5 phiên liên tiếp hiện đạt 112,38 JPY/USD).

Cao su giao tháng 5 năm sau tại Tokyo tăng 3,2 JPY tương đương 1,9% lên 174,3 JPY (1,56 USD)/kg vào cuối phiên, trước đó có lúc đạt 174,8 JPY, cao nhất kể từ 3/9/2018. Cao su đặc biệt TSR 20 trên sàn TOCOM cũng tăng 0,6% lên 148,4 JPY/kg. Cùng chiều, giá cao su tại Thượng Hải tăng 140 JPY lên 11.490 CNY (1.666 USD)/tấn, và cao su tại Singapore tăng 1,1% lên 127,2 US cent/kg.

Đậu tương thấp nhất 3 tuần

Giá đậu tương trên sàn Chicago vừa giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần do triển vọng ở khu vực Nam Mỹ dự báo sẽ được cải thiện, làm giảm tác động tích cực từ việc Trung Quốc nối lại mua đậu tương Mỹ.

Đậu tương giao tháng 1 năm sau đã giảm 6-1/2 US cent xuống 8,93-1/2 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2018.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang lên kế hoạch mua đậu tương Mỹ đợt thứ 3 chỉ trong vòng vài ngày, sau khi đầu tháng 12 hai nước đã thỏa thuận đình chiến.

Gạo Ấn Độ cao nhất 3 tháng nhưng vững ở Thái Lan và giảm ở Việt Nam

Giá gạo tuần này diễn biến trái chiều ở 3 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Gạo Ấn Độ tăng lên mức cao nhất 3 tháng bởi giá thu mua tăng khiến giá lúa gạo nội địa tăng theo, trong khi gạo Việt Nam giảm bởi lo ngại Trung Quốc sẽ thắt chặt hơn nữa các quy định đối với gạo nhập khẩu. Riêng tại Thái Lan, khoảng cách giá thu hẹp, các thương gia nhận định thị trường sẽ còn tiếp tục trầm lắng tới sau Tết.

Hiện gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá 375 -382 USD/tấn, cao nhất kể từ 7/9/2018, trong khi đó gạo 5% tấm của Việt Nam giảm tuần thứ 5 liên tiếp xuống 385 USD/tấn, và gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 390 – 391 USD/tấn (so với 385 – 393 USD/tấn cách đây một tuần).

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica trên sàn New York tăng 1,65 US cent tương đương 1,6% lên 1,025 USD/lb sau khi đồng tiền Brazil (real) mạnh lên. Robusta tại London cũng tăng, với hợp đồng giao tháng 1 năm sau thêm 17 USD tương đương 1,13% lên 1.524 USD/tấn.

Tại châu Á, giá cà phê Việt Nam hồi phục từ mức thấp nhất 3 tháng chạm tới hồi đầu tuần này. Tuy nhiên, các thương gia lo ngại việc Fed nâng lãi suất có thể cản trở đà hồi phục.

Hiện cà phê nhân xô được bán với giá 32.600 – 33.500 đồng/kg, tăng so với 31.600 -32.400 đồng hôm 17/12/2018, và ngang mức 33.500 đồng cách đây một tuần. Cà phê robusta xuất khẩu loại 5% đen & vỡ giá trừ lùi 40 – 50 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 5 tại London, so với mức trừ lùi 80-85 USD/tấn cách đây một tuần. Vụ mùa cà phê hiện tại đã thu hoạch được khoảng 85%, giai đoạn thu hoạch sẽ kéo dài tới giữa tháng 1 tới.

Tại Indonesia, cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) giá cộng 20-30 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 5 tại London, không thay đổi so với cách đây một tuần.

Hãng tư vấn Safras & Mercados vừa dự báo Brazil sẽ sản xuất 63,7 triệu bao cà phê trong niên vụ 2018/19, tăng 5% so với dự báo trước đây.

Dịch cúm lợn lan đến tỉnh Quảng Đông

Ngày 19/12/2018, Bắc Kinh xác nhận dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại phía nam tỉnh Quảng Đông. Đây là khu vực tiêu thụ nhiều thịt lợn và phải phụ thuộc vào nguồn cung từ các tỉnh khác. Dịch bệnh xảy ra ở Quảng Đông có thể khiến giá mặt hàng này tại các khu vực lân cận tăng mạnh.

Giá lợn hơi tại tỉnh Quảng Đông này 19/12/2018 dao động ở mức 16 CNY/kg, tăng 10% so với đầu tháng 8/2018, khi Trung Quốc bắt đầu phát hiện có lợn chết do dịch tả.

Ngành hồ tiêu Campuchia gặp khó

Kể từ đầu mùa thu hoạch tới nay, giá hạt tiêu tại Campuchia chỉ dưới 2,6 USD/kg, dưới biên lợi nhuận. Ông Sopha nhận định giá giảm là do thị trường toàn cầu. Theo ông Yin Sopha, Giám đốc điều hành Hợp tác xã Phát triển Hồ tiêu Dar-Memot, giá hạt tiêu thấp kéo dài đã gây khó khăn lớn cho các nhà trồng tiêu nước này, nhất là những nơi không có chỉ dẫn địa lý. Nhiều diện tích tiêu dự kiến sẽ bị sụt giảm trong năm tới bởi các nhà trồng tiêu nhận định giá sẽ chưa thể hồi phục sớm.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng 21/12

Thị trường ngày 21/12: Giá dầu lại giảm mạnh 5%, nhôm thấp nhất 16 tháng, cao su lập đỉnh 3,5 tháng - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên