MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 22/1: Giá vàng, sắt, đồng đi xuống, bông cao nhất 2 năm

22-01-2021 - 07:07 AM | Thị trường

Thị trường ngày 22/1: Giá vàng, sắt, đồng đi xuống, bông cao nhất 2 năm

Kỳ vọng vào chính sách tăng cường kích thích kinh tế của ông Joe Biden tiếp tục hỗ trợ giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên đêm qua, song số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, nhất là ở Trung Quốc và Mỹ, gây lo ngại về triển vọng nhu cầu.

Năng lượng: Giá dầu biến động nhẹ

Giá dầu chỉ thay đổi nhẹ trong phiên vừa qua sau khi dữ liệu cho thấy lượng dầu thô tồn trữ của Mỹ tăng ngoài dự đoán, làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích của Mỹ tiếp tục là yếu tố ngăn giá dầu giảm.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch 21/1, dầu Brent tăng 2 US cent lên 56,1 USD/thùng; dầu Tây Texax Mỹ (WTI) giảm 18 US cent xuống 53,13 USD/thùng.

Dữ liệu từ Mỹ cho thấy, tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần vừa qua đã tăng 2,6 triệu thùng, trái với dự báo của các nhà phân tích là giảm 1,2 triệu thùng.

Tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trong tháng 12/2020 đã giảm so với tháng liền trước, chỉ đạt 99%.

Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đang gia tăng, gây lo ngại về triển vọng nhu cầu bởi đây là thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Vàng giảm do nhà đầu tư chốt lời

Giá vàng giảm khỏi mức cao nhất 2 tuần trong phiên vừa qua khi các nhà đầu tư bán chốt giữ số lãi có được sau phiên giao dịch giá tăng liền trước đó, giữa bối cảnh dự báo Mỹ kích thích kinh tế hơn nữa và đồng USD yếu đi ngăn giá vàng giảm sâu.

Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.867,56 USD/ounce, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ 8/1 là 1.874,86 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2021 vững ở 1.865,90 USD/ounce.

Vàng được xem là tài sản đảm bảo an toàn vốn cho nhà đầu tư mỗi khi lạm phát cao và tiền USD mất giá – những điều có thể xảy ra khi ông Joe Biden nỗ lực tăng cường kích thích nền kinh tế Mỹ.

Đồng giảm vì nghi ngờ về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc

Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do nhận định nhu cầu ở Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – có thể đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, mức giảm giá được hạn chế bởi USD yếu đi và lượng đồng lưu kho trên sàn London giảm.

Kết thúc phiên này, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 8.028 USD/tấn.

Lượng đồng lưu trữ trên sàn London đã giảm gần một nửa kể từ tháng 10 năm ngoái, hiện là 91.150 tấn, thấp nhất kể từ tháng 9/2020.

Quặng sắt tăng do bão lớn ở Australia

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua giữa bối cảnh Australia – nhà cung cấp quặng sắt chính cho thị trường này – đang chuẩn bị ứng phó với một cơn bão nhiệt đới lớn. Tuy nhiên, giá chỉ tăng vừa phải do lo ngại số ca nhiễm virus Covid-19 ở Trung Quốc tăng, và biên lợi nhuận của ngành thép Trung Quốc thấp.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 – giao dịch nhiều nhất – trên sàn Đại Liên phiên vừa qua tăng 0,9% lên 1.061 CNY (164,24 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Singapore cũng tăng 0,9% lên 167,43 USD/tấn.

Cảng Hedland của Australia - trung tâm vận chuyển quặng sắt lớn nhất thế giới – đang cột giữ các tàu lớn neo đậu tại đây, sau khi cơ quan dự báo thời tiết cho biết sẽ có một cơn lốc xoáy cấp 1 hoặc 2 có thể đổ bộ vào bờ biển Pilbara trong ngày 22/1.

Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ cho biết: "Thị trường lo ngại về sự bùng phát số ca nhiễm virus Covid-19 ở Trung Quốc vì điều đó có thể ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất thép" trong trường hợp các biện pháp phong tỏa được áp dụng. Theo ông Hynes, mặc dù bão lớn ở Australia có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung, song nhu cầu giảm trước Tết Nguyên đán sẽ tác động tiêu cực lên giá quặng sắt, nguy cơ đẩy giá xuống 156 USD/tấn vào cuối quý này", từ mức 171,5 USD/tấn hiện nay.

Đậu tương tăng do nguồn cung từ Nam Mỹ giảm

Giá đậu tương kết thúc phiên giao dịch vừa qua trên sàn Chicago tăng nhẹ sau chuỗi 3 phiên giảm trước đó. Cụ thể, hợp đồng đậu tương tham chiếu trên sàn Chicago tăng 3/4% lên 13,70-1/4 USD/bushel. Đầu phiên, có lúc giá tăng 18 US cent do Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo tư nhân Mỹ đã bán 136.000 tấn đậu tương Mỹ sang Trung Quốc và 163.290 tấn sang Mexico, kỳ hạn cùng giao trong niên vụ 2020/21.

Sau khi giá tăng mạnh vào đầu phiên bởi thông tin đó thì giá đã quay đầu đi xuống ở cuối phiên do thông tin Nam Mỹ đã có mưa, làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung.

Đường giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 0,22 US cent (1,3%) trong phiên vừa qua, xuống 16,05 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng giảm 5,70 USD xuống 450,30 USD/tấn.

Giới kinh doanh đường cho rằng xu hướng tăng giá gần đây đã đảo chiều, khi mà Ấn Độ đang tìm cách tăng cường xuất khẩu đường ra thế giới giữa bối cảnh lượng tồn trữ đang tăng.

Một số thông tin cho thấy, Ấn Độ đã ký các hợp đồng xuất khẩu với khối lượng lên tới tổng cộng 2 triệu tấn.

Tuy nhiên, Czarnikow hôm 21/1 dự báo sản lượng đường của Brazil niên vụ 2021/22 sẽ giảm 6% xuống 36 triệu tấn.

Cà phê arabia tăng, robusta giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 1,25 US cent (1%) lên 1,2645 USD/lb, đảo chiều sau 2 phiên giảm liên tiếp trước đó. Sản lượng cà phê của Brazil được dự báo là sẽ giảm mạnh tới 30,5% trong năm nay, xuống còn 43,8 triệu bao loại 60 kg. Lượng cà phê lưu kho trên sàn ICE hiện ở mức 1,57 triệu bao.

Trái với arabica, robusta phiên vừa qua giảm 17 USD (1,3%) xuống 1,323 USD/tấn.

Tại Châu Á, giá cà phê gần như không thay đổi trong tuần này. Theo đó, người trồng cà phê ở Tây Nguyên bán loại nhân xô với giá 31.200-32.000 đồng (1,35- 1,39 USD)/kg, không đổi so với tuần trước; các thương nhân tại Việt Nam chào giá cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) ở mức cộng 80 – 90 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3 trên sàn London, giảm từ mức +100 110 USD của tuần trước.

Indonesia chào giá robusta kỳ hạn tháng 3 cao hơn 250 USD/tấn so với giá tại London, trong khi kỳ hạn tháng 4 cao hơn 290 USD/tấn.

Hoạt động giao dịch ở cả Việt Nam và Indonesia trầm lắng. Việc thiếu container góp phần đáng kể làm cho giao dịch cà phê trở nên kém sôi động, trong khi Indonesia phải chờ đến tháng 3 mới thu hoạch vụ mới.

Bông cao nhất 2 năm do USD yếu đi

Giá bông trên sàn New York phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm do USD trượt giá và thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm.

Bông kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 1 US cent (1,2%) lên 82,59 cent/lb vào cuối phiên, sau khi có thời điểm trước đó lên 83,06 US cent, cao nhất kể từ tháng 9/2018.

Cao su tăng do hy vọng vào ông Biden

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua bởi hy vọng ông Biden sẽ tăng thêm các chương trình kích thích nền kinh tế Mỹ.

Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Osaka tăng 3,8 JPY (1,6%) lên 241,9 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 5 cũng tăng 55 CNY lên 14.745 CNY/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 22/1

Thị trường ngày 22/1: Giá vàng, sắt, đồng đi xuống, bông cao nhất 2 năm - Ảnh 1.

Minh Quân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên