Thị trường ngày 22/2: Dầu, vàng, đồng và cao su đều quay đầu giảm giá, thép tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch ngày 21/2, dầu, vàng, đồng và cao su đều giảm trở lại song khí gas tự nhiên cao nhất 3 tuần, thép tăng, gạo tăng mạnh tại Thái Lan; lúa mì, ngô và đậu tương đều tăng giá.
- 21-02-2019Thị trường ngày 21/2: Dầu thô lên cao nhất kể từ đầu năm, cao su cao nhất 9 tháng, palađi vượt 1.500 USD/ounce
- 20-02-2019Thị trường ngày 20/2: Giá vàng tiếp tục tăng mạnh, cao su lên đỉnh 9 tháng
- 19-02-2019Thị trường ngày 19/02/2019: Dầu tăng phiên thứ 5 liên tiếp, vàng cao nhất gần 10 tháng
Dầu giảm trở lại
Giá dầu giảm trở lại xuống dưới mức cao năm 2019, do số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy rằng, dự trữ dầu thô tăng mạnh và sản lượng đạt mức cao kỷ lục, cùng với đó là lo ngại về tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu chậm lại đã gây áp lực giá.
Chốt phiên giao dịch vừa qua, giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giảm 20 US cent xuống 56,96 USD/thùng, sau khi đạt mức cao năm 2019 (57,55 USD/thùng) trong phiên giao dịch trước và dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1 US cent xuống 67,07 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất năm 2019 (67,38 USD/thùng) trong phiên trước đó.
Dự trữ dầu thô Mỹ tăng tuần thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất trong hơn 1 năm, do sản lượng đạt mức cao kỷ lục và hoạt động bảo dưỡng theo mùa khiến tỉ lệ tinh lọc dầu chạm mức thấp trong tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết. Dự trữ dầu thô Mỹ tăng 3,7 triệu thùng trong tuần đến ngày 15/2 lên 454,5 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2017, ngay cả khi xuất khẩu dầu thô tăng 1,2 triệu thùng/ngày (bpd) lên mức cao kỷ lục 3,6 triệu thùng/ngày. Dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma, địa điểm giao nhận dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng lên 3,4 triệu thùng.
Các nhà phân tích cho biết, liên tiếp các dấu hiệu của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã ngăn giá dầu tăng vượt quá mức cao đạt được hồi đầu tuần này.
Khí gas tự nhiên cao nhất 3 tuần
Giá khí gas tự nhiên tăng lên mức cao nhất 3 tuần, do dự báo thời tiết lạnh hơn so với dự kiến.
Giá khí gas tự nhiên kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn New York tăng 6,1 US cent tương đương 2,3% lên 2,697 USD/mBTU, cao nhất kể từ ngày 1/2/2019.
Vàng rời khỏi mức cao nhất 10 tháng
Vàng giảm khỏi mức cao nhất 10 tháng, chịu áp lực bởi các dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ có thay đổi về chính sách tiền tệ và các nhà đầu tư chốt lời, trong khi palađi giảm khỏi mức cao kỷ lục.
Vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.324,7 USD/oune, sau khi đạt mức cao nhất (1.346,73 USD/ounce) kể từ ngày 19/4/2018 trong phiên trước đó và vàng kỳ hạn giảm 1,5% xuống 1.327,8 USD/ounce.
Đồng thời, palađi giảm 1,4% xuống 1.468 USD/ounce, sau khi vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce lần đầu tiên trong phiên trước đó.
Đồng rơi khỏi mức cao nhất 7 tháng
Giá đồng giảm khỏi mức cao nhất 7 tháng, do đồng USD tăng và các nhà đầu tư chốt lời. Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,4% xuống 6.379 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất (6.426,5 USD/tấn) kể từ ngày 10/7/2018 trong phiên trước đó. Đồng USD tăng mạnh, sau biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ làm gia tăng kỳ vọng khả năng tăng lãi suất của Mỹ trong năm nay.
Thép, than luyện cốc và than cốc đều tăng
Giá than luyện cốc tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 6 phiên, sau 1 vụ tai nạn tại mỏ Queensland và việc hạn chế nhập khẩu than đá Australia, đã làm gia tăng lo ngại về nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép.
Giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 1,6% lên 3.677 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 3.671 CNY/tấn.
Giá than luyện cốc kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 2,1% lên 1.285 CNY (191,62 USD)/tấn, sau khi tăng 2,9% trong đầu phiên giao dịch.
Giá than cốc kỳ hạn tăng phiên thứ 4 liên tiếp, tăng 1,7% lên 2.126,5 CNY/tấn, cũng do lo ngại về nguồn cung thiếu hụt. Than luyện cốc được nung nóng để sản xuất than cốc, được sử dụng sản xuất quặng sắt và thép.
Cao su đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp
Giá cao su tại Tokyo rời khỏi chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp và giảm khỏi mức cao nhất 9 tháng, do các nhà đầu tư bán ra chốt lời. Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn TOCOM giảm 2,4 JPY tương đương 1,2% xuống 195,1 JPY (1,76 USD)/kg. Và giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn TOCOM giảm 0,5% xuống 165,3 JPY/kg. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 25 CNY xuống 12.325 CNY (1.835 USD)/tấn.
Lúa mì tăng trở lại, đậu tương và ngô tăng
Giá lúa mì tại Chicago tăng trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp, trong khi thị trường ngũ cốc duy trì vững, khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận, chấm dứt chiến tranh thương mại.
Giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Chicago tăng 5-3/4 US cent lên 4,86-1/2 USD/bushel, và giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2019 tăng 6-3/4 US cent lên 4,91 USD/bushel.
Đồng thời, giá ngô kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Chicago tăng 4-3/4 US cent lên 3,75-1/2 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn trên sàn Chicago tăng 8-1/2 US cent lên 9,11 USD/bushel.
Gạo tăng mạnh tại Thái Lan, song không thay đổi tại Ấn Độ và Việt Nam
Thị trường xuất khẩu gạo tại Ấn Độ và Thái Lan chịu áp lực bởi nhu cầu yếu, nguồn cung dồi dào và xu hướng tiếp tục chậm lại tại các trung tâm hàng đầu Châu Á trong năm nay, trong khi tồn kho gạo tại Việt Nam ngày càng gia tăng, do các hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm tăng lên 383-405 USD/tấn FOB Bangkok, so với 382-398 USD/tấn trong phiên giao dịch trước đó, do đồng baht tăng, ngay cả khi nước này đang bước vào vụ thu hoạch mới và nhu cầu chậm lại.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm không thay đổi so với phiên trước đó ở mức 380-385 USD/tấn, do nhu cầu từ Châu Phi suy giảm. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ giai đoạn từ tháng 4-12/2018 giảm 10,2% so với 8,46 triệu tấn cùng kỳ năm trước đó.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm không thay đổi, ở mức 340 USD/tấn, do các giao dịch hạn chế từ Trung Quốc, đẩy tồn kho gia tăng và khiến giá thị trường nội địa suy giảm.
Dầu cọ thấp nhất 1 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia chạm mức thấp nhất 1 tháng, giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do dự kiến nhu cầu trong những tuần tới sẽ chậm hơn và giá các loại dầu khác suy yếu.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Bursa giảm 0,2% xuống 2.241 ringgit (550,88 USD)/tấn, trong phiên có lúc chạm 2.234 ringgit/tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/1/2019.
Đồng thời, giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Chicago giảm 0,1% và giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên giảm 0,8%. Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên giảm 1,5%.
Giá dầu cọ giảm hướng theo giá các loại dầu thực vật khác suy giảm và triển vọng nhu cầu yếu.
Nhà phân tích thị trường, Wang Tao dự kiến, giá dầu cọ sẽ giảm xuống 2.214 ringgit/tấn, phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 2.249 ringgit/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 22/02