Thị trường ngày 24/4: Giá dầu tiếp tục leo dốc gần 20%, các hàng hóa khác cũng đồng loạt tăng cao
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục khởi sắc phiên thứ 2 liên tiếp nhờ giá dầu thô hồi phục và Hạ viện Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế trị giá gần 500 tỷ USD.
- 22-04-2020Thị trường ngày 22/4: Giá dầu lao dốc 43%, đường thấp nhất 12 năm
- 21-04-2020Thị trường ngày 21/4: Dầu WTI lần đầu tiên giảm xuống mức âm và mất hơn 300% trong 1 ngày
- 18-04-2020Thị trường ngày 18/04: Vàng tiếp đà giảm 2%; giá đồng, quặng sắt cùng tăng cao
Dầu tăng do sản lượng giảm nhanh
Giá dầu thô tiếp tục hồi phục trong phiên giao dịch vừa qua do các nước sản xuất dầu chủ chốt đẩy nhanh việc cắt giảm sản lượng theo kế hoạch để bù đắp cho việc nhu cầu giảm mạnh vì Covid-19.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 96 US cent (4,7%) lên 21,33 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,72 USD (19,7%) lên 16,5 USD/thùng.
Số giàn khoan của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 và sản lượng dầu thô của nước này mỗi ngày giảm 100.000 thùng, xuống 12,2 triệu thùng.
"Chúng thôi đang chứng kiến những phản ứng thực sự trong ngành dầu mỏ Mỹ do giá giảm xuống mức siêu thấp, và đó là lý do giúp giá hồi phục nhẹ", ông John Kilduff, đối tác của quỹ đầu cơ fund Again Capital LLC ở New York cho biết, nhưng cũng thêm rằng: "Rất khó hào hứng ở mức giá chỉ 15 USD/thùng như hiện nay".
OPEC+ đã thống nhất sẽ cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,5 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% nguồn cung, để kéo giá dầu lên. Kuwait ngày 23/4 cho biết họ bắt đầu cắt giảm nguồn cung sớm hơn thỏa thuận, tức là trước ngày 1/5. Nga cũng đang tìm các giải pháp khác như kích thích tiêu thụ dầu, trong bối cảnh sản lượng của nước này từ tháng 3 đến nay không thay đổi nhiều.
Vàng thêm hơn 1%
Giá vàng cũng tiếp tục tăng mạnh 1,5% lên mức cao nhất hơn 1 tuần do nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ sẽ tăng cường kích thích hơn nữa khi Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động nước này.
Vàng giao ngay cuối phiên đã tăng 0,8% lên 1.726,94 USD/ounce, trong phiên có lúc giá chạm mức cao nhất kể từ 14/4 (1.738,58 USD/ounce); vàng kỳ hạn tháng 6/2020 tăng 0,4% lên 1.745,40 USD/ounce.
"Tỷ lệ thất nghiệp đang hướng đến mức 20%, và chỉ riêng điều này đã đủ để Cục Dự trữ Liên bang và Chính quyền Mỹ tiếp tục tung thêm các chương trình kích thích để hỗ trợ kinh tế", nhà phân tích thị trường cấp cao của hãng môi giới OANDA, ông Edward Moya cho biết. -
Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có thêm 4,427 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua, đưa số đơn trong vòng 5 tuần qua lên mức cao kỷ lục 26 triệu. Nguyên nhân vì chính sách hạn chế đi lại để ngăn chặn Covid-19.
Đó là lý do khiến các thành viên của Hạ viện Mỹ ngày hôm qua họp tại Washington nhằm thông qua dự luật cứu trợ do khủng hoảng Covid-19 trị giá 484 tỷ USD, đưa tổng số tiền hỗ trợ kinh tế trong dịp khủng hoảng này lên gần 3 nghìn tỷ USD – mức cao chưa từng có.
Theo thông tin mới nhất thì gói cứu trợ này đã được Hạ viện thông qua dễ dàng với 388 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 1 phiếu trắng.
Các chuyên gia nhận định giá vàng sẽ còn tăng tiếp lên 1.800 USD/ounce bởi các chương trình kích thích kinh tế sẽ chưa kết thúc sớm.
Đồng đi lên
Giá kim loại đồng tăng trong phiên vừa qua theo xu hướng giá dầu, song các nhà phân tích nhận định xu hướng này khó duy trì vì triển vọng nhu cầu yếu kém khi ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy kinh tế sẽ còn suy thoái hơn nữa do Covid-19.
Kết thúc phiên 23/4, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME (London) tăng 0,6% lên 5.164,5 USD/tấn. Kim loại này- được các nhà đầu tư xem như thước đo sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Ngày 20/4, giá đồng đạt mức cao nhất 5 tuần (5.248 USD/tấn), nhưng vẫn mất khoảng 17% kể từ giữa tháng 1/2020.
"Những gì chúng ta đang thấy chỉ là một thời gian "nghỉ ngơi" sau khi giá dầu tăng trở lại, nhưng rủi ro đang tăng lên", nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cảnh báo, trên cơ sở dự báo dư cung đồng năm nay sẽ tăng lên.
Kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng nhiều nhất thế giới – đã giảm trong quý 1 năm nay. Kết quả điều tra sơ bộ ở Eurozone cũng cho thấy hoạt động sản xuất của khu vực này trong tháng 4 bị đình trệ cho chính sách cách ly xã hội.
Ngô, đậu tương và lúa mì đều tăng do hy vọng xuất khẩu tăng
Giá ngô, đậu tương và lúa mì Mỹ phiên vừa qua đều đi lên vì nhu cầu từ các nước nhập khẩu đối với cả 3 loại nông sản này đều tăng sau khi giá giảm mạnh gần đây. Trung Quốc đang chuẩn bị mua hơn 30 triệu tấn ngũ cốc (khoảng 10 triệu tấn đậu tương, 20 triệu tấn ngô) và 1 triệu tấn bông để đưa vào kho dự trữ phòng trường hợp nguồn cung bị gián đoạn một lần nữa do Covid-19 và đồng thời để giữ cam kết với Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago tăng 4-1/4 US cent lên 8,46-3/4 USD/bushel; lúa mì đỏ mềm tăng 1 US cent lên 5,44-3/4 USD/bushel; trong khi ngô tăng 1-1/4 US cent lên 3,26 USD/bushel.
Quặng sắt tăng, thép giảm
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc mạnh lên trong phiên vừa qua khi các nhà máy đẩy mạnh việc mua tích trữ trước kỳ nghỉ Quốc tế Lao động.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên phiên vừa qua có thời điểm tăng 2,3% lên 618 CNY (87,36 USD)/tấn, trước khi kết thúc ở mức tăng 0,2% lên 605 CNY/tấn. Phiên 22/4, giá quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc tăng lên 85,5 USD/tấn.
Trái với xu hướng tăng của quặng sắt, giá thép cây và thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải trong phiên vừa qua đều giảm do nhu cầu từ khách hàng nước ngoài suy yếu. Hai loại thép này giá giảm lần lượt 0,3% và 0,1%, so với các mức lần lượt 3.375 CNY/tấn và 3.211 CNY/tấn của phiên liền trước.
Sản lượng thép thô trên toàn cầu trong tháng 3/2020 giảm 6% so với cùng tháng năm ngoái, xuống 147,1 triệu tấn, do khủng hoảng Covid-19 buộc các nhà máy phải đóng cửa trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, sản lượng thép thô tháng 3 của Trung Quốc chỉ giảm nhẹ (-1,7% xuống 79 triệu tấn).
Các khu vực khác như Châu Âu và Nhật đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh do nhu cầu từ các hãng sản xuất ô tô và các dự án xây dựng đều suy giảm. Sản lượng thép của Liên minh Châu Âu tháng 3 giảm 20,4% xuống 12 triệu tấn, của Bắc Mỹ giảm 9,4% xuống 9,7 triệu tấn, trong khi của Nhật Bản giảm 9,7% xuống 8,2 triệu tấn và của Ấn Độ giảm 13,9% xuống 8,7 triệu tấn.
Gạo Ấn Độ giảm, gạo Việt Nam cao nhất 2 năm
Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm khỏi mức cao nhất 8 tháng do đồng rupee giảm mạnh, trong khi gạo Thái Lan vững vào gạo Việt Nam cao nhất 2 năm.
Loại đồ 5% tấm của Ấn Độ giá giảm từ 375 – 380 USD/tấn xuống 374 0- 379 USD/tấn do đồng rupee chạm mức thấp kỷ lục mặc dù nhu cầu từ Châu Phi vẫn tốt. Việc vận chuyển gạo ở nước này vẫn gặp khó khăn do lệnh phong tỏa kéo dài ít nhất tới 1/5.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá giảm nhẹ còn 530 – 556 USD/tấn, từ mức 530 – 538 USD/tấn cách đây một tuần vì không có hợp đồng lớn. Các doanh nghiệp nước này vẫn lo ngại hạn hán sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá và làm giảm sức cạnh tranh của gạo Thái Lan.
Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này bắt đầu được báo với giá ở mức 440 – 450 USD/tấn, cao nhất trong vòng gần 2 năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng như các khách hàng của họ đều không muốn ký hợp đồng mới vào lúc này vì không biết chắc liệu có thể giao hàng hay không bởi việc xuất khẩu gạo những tháng dịch bệnh này đang thực hiện theo cơ chế hạn ngạch.
Chính sách phong tỏa toàn quốc ở Bangladesh – tới 5/5 – cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới sản lượng vụ lúa Hè – chiếm khoảng một nửa trong tổng sản lượng gạo cả năm (khoảng 35 triệu tấn) vì thiếu nhân lực thu hoạch.
Cà phê mạnh lên
Giá cả 2 loại cà phê arabica và robusta đều tăng trong phiên vừa qua. Cụ thể, arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 0,35 US cent (0,3%) lên 1,124 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn tăng 29 USD lên 1.150 USD/tấn.
Giao dịch cà phê ở Việt Nam đã khôi phục trở lại từ ngày 23/4 mặc dù chưa sôi động. Tại Tây Nguyên, cà phê nhân xô được bán ra với giá 29.500 đồng (1.26 USD)/kg, thấp hơn so với mức 31.200 – 31.500 đồng trước kỳ giãn cách xã hội (cuối tháng 3/2020). Cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) giá chào cộng 150 USD/tấn so với mức 1.128 USD/tấn của hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn London ở phiên liền trước. Giá thấp khiến người trồng cà phê không sẵn sàng bán ra vào lúc này.
Tại tỉnh Lampung (Indonesia), cà phê robusta Sumatra giá chào cộng 300 – 310 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn London, tăng từ mức cộng 250 USD/tấn cách đây một tuần. Nguồn cung vụ mới đã có trên thị trường nhưng chưa nhiều.
Thịt lợn Trung Quốc giảm 8 tuần liên tiếp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc cho biết, giá thịt lợn ở thị trường này đã giảm 8 tuần liên tiếp nhờ sản lượng hồi phục dần.
Cao su tăng
Giá cao su trên sàn TOCOM tăng gần 3% trong phiên giao dịch vừa qua theo xu hướng giá cao su Thượng Hải và giá dầu mỏ ở phiên liền trước sau khi Chính phủ Mỹ tung thêm gói kích thích để vượt qua Covid-19.
Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 9 tại TOCOM tăng 4,3 JPY (2,9%) lên 152 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, giá cũng tăng 3,6% lên 10.025 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 24/4