MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 24/8: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang nhấn chìm giá hàng hóa

24-08-2018 - 08:32 AM | Thị trường

Các mặt hàng từ vàng, dầu cho đến kim loại cơ bản đều bị mất giá.

Dầu giảm nhẹ

Giá dầu giảm nhẹ trong phiên qua do cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc gây sức ép lên triển vọng nhu cầu.

Dầu thô Brent chốt phiên ngày 23/8/2018 giảm 5 US cent xuống 74,73 USD/thùng. Dầu WTI giảm 3 US cent xuống 67,83 USD/thùng.

Gene McGillian, giám đốc thị trường thuộc công ty Tradition Energy, Stamford cho biết "thị trường đang cố gắng cân bằng giữa những lo lắng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu giảm và lượng dầu thêm vào từ Saudi và Nga". Tuy nhiên ông cho biết giá giảm được hỗ trợ từ báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, với việc áp thuế quan 25% với hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của nhau. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế quan với 100 tỷ US sản phẩm hàng hóa kể từ đầu tháng 7/2018, và Washington đang tổ chức điều trần về việc áp thuế đề xuất với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu khác từ Trung Quốc. Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đáp trả. Xung đột này khiến các nhà phân tích cắt giảm dự báo về nhu cầu năng lượng, mặc dù một số thị trường vẫn thắt chặt.

Vàng giảm do thuế quan mới giữa Mỹ và Trung Quốc

Giá vàng giảm trong phiên qua dưới áp lực đồng USD mạnh lên do Cục dự trữ liên bang Mỹ tái khẳng định ý định nâng lãi suất và thuế quan thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu.

Vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,7% xuống 1.187,3 USD/ounce. Giá đã đạt 1.201,51 USD/ounce mức cao nhất kể từ ngày 13/8/2018 trong phiên trước. Vàng kỳ hạn tháng 12/2018 của Mỹ giảm 9,3 USD hay 0,5% xuống 1.194 USD/ounce do đồng USD tăng so với rổ các đồng tiền chủ chốt.

Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed cho thấy Ngân hàng trung ương này tiếp tục theo đuổi việc tăng lãi suất sau hai lần tăng đã làm giảm nhu cầu vàng trong năm nay. Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần trước củng cố thêm khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất.

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc áp thuế quan thương mại lên hàng hóa của nhau trong ngày 23/8/2018 khiến đồng USD tăng giá ngay cả khi các quan chức cấp trung hai bên tiếp tục đàm phán tại Washington. 

Đồng giảm do đồng USD tăng giá

Giá đồng cũng giảm trong phiên qua do xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang và đồng USD mạnh lên bởi dự đoán lãi suất của Mỹ sẽ sớm tăng.

Đồng kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 5.986,5 USD/tấn. Đầu tuần giá đã chạm mức cao nhất một tuần tại 6.076 USD/tấn.

Đồng USD tăng khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này đắt hơn đối với các công ty nước ngoài và có khả năng làm giảm nhu cầu đồng.

Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến nâng lãi suất 2 lần nữa trong năm nay và thêm 2 lần vào năm tới. Cuộc họp tới của Fed diễn ra vào ngày 25 – 26/9/2018.

Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế cho biết thị trường đồng tinh luyện toàn cầu thiếu hụt 31.000 tấn trong tháng 5/2018 so với mức thâm hụt 105.000 tấn trong tháng 4/2018.

Một khảo sát gần đây của Reuters cho thấy thị trường đồng thiếu hụt 129.000 tấn trong năm nay và khoảng 151.000 tấn trong năm 2019.

Thép cây giảm gần 2%

Thép cây giao sau tại Thượng Hải giảm gần 2% trong phiên qua do các nhà đầu tư chốt lời khi giá lên mức cao nhất trong 7 năm gần đây bởi Trung Quốc hạn chế sản lượng để chống ô nhiễm.

Giá thép cuộn cán nóng cũng giảm từ mức cao kỷ lục khi Mỹ và Trung quốc leo thang chiến tranh thương mại trong ngày 23/8/2018 bằng việc áp thuế quan 25% lên hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của nhau ngay cả khi các quan chức cấp trung hai bên tiếp tục đàm phán tại Washington.

Giá thép tăng gần đây sau khi có tin đồn trong tuần trước rằng Đường Sơn, thành phố sản xuất thép hàng đầu tại Trung Quốc, đang xem xét đưa ra kế hoạch cắt giảm sản lượng trong 2 tháng mùa đông bắt đầu từ 1/9/2018. Tuy nhiên Hiệp hội Quặng sắt và Thép Đường Sơn và hai nhà máy thép tại thành phố này trả lời Reuters rằng họ không nhận được các yêu cầu như vậy từ chính phủ.

Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 1/2019 tại Thượng Hải đóng cửa giảm 1,7% xuống 4.280 CNY (623 USD)/tấn. Sản phẩm thép xây dựng này đã tăng 25% trong năm nay, đạt mức cao nhất trong 7 năm vào ngày 22/8/2018.

Thép cuộn cán nóng sử dụng trong sản xuất, giảm 1,6% xuống 4.226 CNY/tấn, sau khi đã đạt mức cao lịch sử tại 4.369 CNY/tấn trong ngày 21/8/2018.

Cao su giảm do yếu tố cung cầu yếu

Cao su giao sau tại Tokyo khép lại chuỗi tăng giá 3 ngày liên tiếp, kết thúc phiên giảm do thị trường Thượng Hải và các yếu tố cơ bản yếu gây sức ép lên giá.

Nhà phân tích Shen Xiaoxia thuộc công ty môi giới Zheshang Futures cho biết "cao su kỳ hạn tăng nhiều trong tuần này, nhưng yếu tố cơ bản không thay đổi nhiểu". Tồn kho vẫn cao và nhu cầu ổn định.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo đóng cửa giảm 2,3 JPY xuống 176,5 JPY/kg.

Cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 295 CNY (42,92 USD) xuống 12.375 CNY/tấn.

Giá gạo không biến động nhiều do nhu cầu yếu

Giá gạo tại Ấn Độ hầu như không có sự thay đổi trong tuần này, mặc dù đồng rupee yếu hơn cho phép các nhà xuất khẩu hạ giá chào bán. Trong khi đó nhu cầu trầm lắng khiến giá xuất khẩu không biến động ở Việt Nam và Thái Lan.

Tại nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm không đổi tại 389 – 393 USD/tấn. Đồng rupee của Ấn Độ đã mất 9% kể từ đầu năm tới nay và đang giao dịch gần mức thấp kỷ lục, lợi nhuận của các nhà xuất khẩu ngày càng tăng từ doanh số bán ra nước ngoài.

Trong khi đó nước láng giềng Bangladesh vốn nổi lên như một nhà nhập khẩu gạo chủ chốt kể từ năm 2017 sau trận lũ lụt gây thiệt hại cho vụ mùa, đã đẩy mạnh việc mua vào của các địa phương nhằm hỗ trợ cho dự trữ của chính phủ.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm dao động từ 395 – 400 USD/tấn trong tuần thứ 3 liên tiếp. Ngày 22/8/2018 chính phủ cho biết đã nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo trong một nỗ lực nhằm gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, các thương gia cho biết động thái của chính phủ chỉ là một bước thủ tục.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào ở mức 390 – 395 USD/tấn, FOB Bangkok, thay đổi ít so với mức 390 – 393 USD/tấn một tuần trước. Nhiều nơi ở Thái Lan bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, gồm cả khu vực Jasmine ở đông bắc, nhưng các thương gia cho biết lũ lụt chưa có tác động tới giá cả.

Bộ Thương mại Thái Lan hồi đầu tuần cho biết Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 2,6% so với một năm trước.

Giá cà phê tại Việt Nam giảm, nguồn cung tại Indonesia thấp

Dự báo vụ thu hoạch bội thu ở Việt Nam đã khiến giá trong nước giảm xuống mức thấp nhất hơn hai năm trong ngày 23/8/2018, trong khi các nguồn cung tại Indonesia đang giảm xuống nhanh chóng do vụ thu hoạch kết thúc.

Giá tại Việt Nam giảm do dự đoán vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 10/2018 bội thu. Một lái thương tại Đắk Lắk cho biết "giá cũng giảm do sự suy yếu gần gây của đồng real Brazil và VNĐ, khi các thương nhân lo sợ rằng VNĐ sẽ mất giá hơn nữa vào cuối năm nay".

Các thương gia dự báo sản lượng vụ cà phê 2018/19 của Việt Nam bắt đầu từ tháng 10/2018 đạt 1,85 triệu tấn, tăng 4% so với năm trước.

Nông dân Việt Nam sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, đã chào giá cà phê ở mức 33.500 đồng/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016 và giảm từ 34.200 - 34.400 đồng/kg so với một tuần trước đó.

Cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ được chào giá thấp hơn hợp đồng tháng 11/2018 của London 60 - 70 USD/tấn so với mức một tuần trước là 70 - 100 USD/tấn.

Trong khi đó, vụ thu hoạch cà phê tại miền nam đảo Sumatra, khu vực trồng cà phê chính của Indonesia, sắp kết thúc làm hạn chế nguồn cung tại đây.

Cà phê robusta loại 4 với hạt khiếm khuyết 80 tại tỉnh Lampung cao hơn 90 USD/tấn so với hợp đồng tháng 11/2018, từ mức chênh 70 USD/tấn một tuần trước.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 24/8

Thị trường ngày 24/8: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang nhấn chìm giá hàng hóa - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên