MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 25/9: Giá dầu tăng vọt, vượt 81 USD/thùng

25-09-2018 - 07:24 AM | Thị trường

OPEC và Nga kết thúc họp nhưng quyết định không nâng sản lượng khiến giá dầu tăng mạnh trong xu hướng tích cực bao trùm hầu hết các thị trường hàng hóa, ngoại trừ rau củ.

Dầu tăng do Saudi Arabia và Nga không nâng sản lượng

Giá dầu Brent đã tăng hơn 3% trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất 4 năm, trên 80 USD/thùng sau khi Saudi Arabia và Nga kết thúc cuộc họp mà chưa có bất kỳ kế hoạch nào về việc tăng sản lượng ngay lập tức mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi hãy hành động để nâng nguồn cung dầu toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch 24/9, dầu Brent Biển Bắc tăng 2,4 USD (3,1%) lên 81,20 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 81,39 USD, cao nhất kể từ tháng 11/2014; dầu ngọt nhẹ Tây Texas - Mỹ (WTI) tăng 1,3 USD (1,8%) lên 72,08 USD/thùng.

Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu lớn ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã nhóm họp tại Algiers vào ngày 24/9/2018. Cuộc họp đã kết thúc nhưng không có tín hiệu tăng sản lượng, đồng nghĩa với việc OPEC và Nga bác yêu cầu của ông Trump.

Thị trường dầu vốn đang bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về nguồn cung từ Iran và Venezuela. Việc các nhà sản xuất lớn không muốn nâng sản lượng có nghĩa là thị trwongfg sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khoảng 3-6 tháng tới. Một số người dự báo giá dầu Brent có thể tăng lên 90 USD/thùng vào tháng 12 và vượt 100 USD/thùng vào 2019, khi nguồn cung càng thêm thắt chặt vì lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ có hiệu lực đầy đủ từ tháng 11 tới. JPMorgan tính toán rằng lệnh cấm vận Iran của Mỹ có thể làm cho 1,5 triệu thùng dầu/ngày biến mất khỏi thị trường, trong khi con số mà Mercuria cảnh báo lên tới 2 triệu thùng/ngày.

Mặc dù có ý kiến cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ làm giảm nhu cầu, khiến khoảng trống cung – cầu thu hẹp lại, nhưng mức sụt giảm nếu có cũng không nhiều, trong khi các kho dự trữ dầu thương phẩm của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015, còn sản lượng gần mức cao kỷ lục 11 triệu thùng/ngày, có nghĩa Mỹ sẽ không thể có tác động nhiều tới việc thay đổi cục diện nguồn cung trong thời gian tới.

Vàng và các kim loại quý khác tăng nhẹ

Giá vàng tương đối vững trong phiên vừa qua trong bối cảnh USD giảm sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu nhận định đồng EUR sẽ tăng giá vì tiền lương và tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung đều tăng trưởng tích cực.

Vàng giao ngay tăng nhẹ 0,04% lên 1.199,57 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 12/2018 tăng 3,1 USD (0,3%) lên 1.204,40 USD/ounce. Thanh khoản trên thị trường châu Á giảm trong những giờ cuối phiên vì các thị trường Nhật Bản và Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ.

Palađi phiên vừa qua tăng nhẹ 0,9% lên 1.058,72 USD/ounce vào cuối phiên, mặc dù trước đó có lúc đạt mức cao nhất kể từ 27/2/2018 (1.060,70 USD); bạch kim và bạc cùng tăng 0,3% lên lần lượt 829,10 USD/ounce và 14,29 USD/ounce. Nhu cầu bạch kim và palađi đang và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, sau khi có tin Volkswagon's Porsche đã giảm sản xuất xe chạy diesel và tăng ô tô điện.

Đồng duy trì cao nhất gần 10 tuần

Mặc dù giảm chút ít trong phiên vừa qua, nhưng giá đồng vẫn đang quanh mức cao nhất gần 10 tuần do vấn đề thuế giữa Mỹ và Trung Quốc. Đồng giao sau 3 tháng tại London giảm 0,7% xuống 6.320 USD/tấn. Phiên cuối tuần trước, kim loại này đã tăng vọt 4.62% chỉ trong 1 ngày, lên 6.382,5 USD/tấn, lý do bởi mức thuế thấp hơn nhiều so với dự kiến (dự kiến là 25% ngay từ ban đầu, nhưng trên thực tế Mỹ sẽ áp thuế 10% lúc đầu, sau đó tăng lên 25% vào cuối 2018).

Tập đoàn Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết, thị trường đồng tinh luyện toàn cầu tiếp tục thiếu hụt 45.000 tấn trong tháng 6/2018, sau khi thiếu 50.000 tấn trong tháng 5/2018. Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường thiếu 51.000 tấn, so với mức thiếu 148.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đồng tinh luyện thế giới tháng 6 vừa qua đạt 1,95 triệu tấn, trong khi tiêu thụ 2 triệu tấn.

Lúa mì Nga tiếp tục tăng

Giá lúa mì Nga tiếp tục tăng trong tuần qua do đồng rouble đạt mức cao nhất 6 tuần so với USD và việc kiểm tra chất lượng khắt khe hơn. Công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết, lúa mì Biển Đen xuất khẩu loại 12,5% protein vào cuối tuần vừa qua giá 220 USD/tấn, FOB, tăng 3 USD/tấn so với một tuần trước đó; trong khi công ty tư vấn SovEcon báo giá 222 USD/tấn, tăng 4 USD/tấn. Trên thị trường nội địa, giá lúa mì loại 3 tăng 25 rouble lên 11.050 rouble (166,5 USD)/tấn,

Cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm của Nga đã tăng cường kiểm tra chất lượng ngũ cốc xuất khẩu sau khi một số khách hàng lớn cách đây một tuần phàn nàn về sự giảm sút chất lượng.

Chè hồi phục

Giá chè tại Ấn Độ gần đây hồi phục do lượng bán ra thị trường sụt giảm, nhưng so với đầu năm, hiện giá vẫn thấp hơn trên 6%.

Sản lượng chè ở miền Nam Ấn Độ năm nay dự báo giảm 25% do mưa quá nhiều trong giai đoạn tháng 7-8/2018. Mức độ thiệt hại có thể còn cao hơn nữa. Theo Hiệp hội Chè miền Nam (Upasi), sản lượng chè khu vực này trong 8 tháng đầu năm 2018 giảm 15,1 triệu kg, dự kiến giảm thêm 10 triệu kg trong tháng 8/2018, và rất khó hồi phục trong những tháng tới. Năm 2017/18, miền Nam Ấn Độ sản xuất 233,65 triệu kg chè, nhưng năm nay dự kiến sẽ không đạt 210 triệu kg.

Rau Trung Quốc giảm nhanh Giá rau tại Trung Quốc đang giảm nhanh khi thời tiết mát mẻ trở lại. Ngày 21/9/2018, giá bán buôn rau trung bình tại chợ Xinfadi là 2 đến 2,8 CNT (0,29 – 0,41 USD)/0,5 kg, giảm 28,36% so với chỉ cách đó một tuần.

Hồi tháng 7 -8/2018, nhiệt độ nóng và mưa quá nhiều đã khiến rau bị chết úng hoặc khô héo, đẩy giá bán tại các chợ tăng mạnh thêm đến 5 CNY (0,73 USD)/0,5 kg chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng tháng 8 bước vào mùa Thu, trời mát dần, sản xuất rau cũng theo đó hồi phục. Dự kiến một thời gian ngắn nữa giá sẽ trở lại bình thường như cùng kỳ của những năm trước.

Gạo dự kiến tăng nhờ Philippines

Philippines ngày 24/9/2018 thông báo mua bổ sung 500.000 tấn gạo ngoài khối lượng 250.000 tấn dự định sẽ mua thông qua hình thức đấu thầu tự do. Nước này dự định sẽ tăng cường nhập khẩu gạo trước khi kết thúc năm 2018 để ngăn giá gạo bán lẻ vẫn chưa ngừng tăng. Nhu cầu tăng từ Philippines có thể hỗ trợ giá tăng tại những nhà cung cấp truyền thống là Việt Nam và Philippines.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng 25/8/2018

Thị trường ngày 25/9: Giá dầu tăng vọt, vượt 81 USD/thùng - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên