MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 27/4: Dầu thô sụt giảm thảm hại, vàng lên đỉnh 2 tuần

27-04-2019 - 08:48 AM | Thị trường

Chốt phiên giao dịch đêm qua 26/4, dầu rớt giá thảm hại 3% do có tin tổng thống Trump gây sức ép với OPEC nhằm hạ giá dầu thô. Các số liệu về lạm phát Mỹ trong quý 1 thấp hơn so với quý trước đó khiến đồng bạc xanh sụt giảm, đẩy giá vàng lên đỉnh cao gần 2 tuần, đẩy giá hầu hết các kim loại màu tăng cao. Trong khi quặng sắt và thép đều giảm. Đường giảm 2,5% trong tuần.

Dầu giảm 3% sau khi ông Trump gây sức ép với OPEC nhằm hạ giá dầu thô

Giá dầu rớt 3% sau khi có tin Tổng thống Donald Trump một lần nữa gây áp lực với OPEC nhằm tăng sản lượng dầu thô, ép giá xăng dầu giảm xuống.

Các thương gia cho biết những bình luận của ông Trump, mặc dù thiếu thông tin cụ thể, nhưng cũng đủ chất xúc tác để thúc đẩy các nhà đầu tư bán ra sau một thời gian dài trục lợi đẩy giá lên mức cao nhất sáu tháng.

Dầu thô Brent giảm 2,20 USD, tương đương 3% còn 72,15 USD/thùng. Dầu WTI chốt phiên ở mức 63,30 USD/ thùng, giảm 1,91 USD, tương đương 2,9%.

Tính chung cả tuần, dầu Brent không đổi sau bốn tuần tăng liên tiếp. Dầu WTI giảm 1,2%, phá vỡ đợt tăng giá kéo dài sáu tuần.

Các thương nhân cũng cho biết việc bán tháo vào ngày giao dịch cuối tuần cũng một phần do tin đồn rằng Washington có thể sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục mua dầu của Iran, điều này sẽ làm tăng nguồn cung trên toàn thế giới.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán thương mại để chấm dứt một cuộc tranh chấp kéo dài nhiều tháng.

Vàng nhảy vọt lên đỉnh gần 2 tuần

Giá vàng đã nhảy vọt lên mức cao gần hai tuần do USD sụt giảm sau khi Mỹ công bố chỉ số lạm phát thấp trong quý 1 chỉ là 1,3% so với quý trước đó (1,8%), làm lu mờ báo cáo tăng trưởng GDP rất mạnh của nước này.

Vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.286,41 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 16/4 là 1.288,59 USD/ounce. Giá vàng đã chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12 vào hôm thứ Ba là 1.265,90 USD, và tăng gần 1% từ đó đến hết tuần, ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên kể từ 22/3/2019.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters, các ngân hàng trung ương lớn đang thực hiện chính sách thắt chặt vì triển vọng tăng trưởng toàn cầu đã giảm bớt ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi, với triển vọng tăng lạm phát là rất ít.

Trong số các kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,7% lên 15,04 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 1,7% lên 897,25 USD. Palađi tăng 3% đạt 1.458,01 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 27/3.

Giá kim loại màu đồng loạt tăng cao, trừ nhôm

Giá đồng và hầu hết các kim loại khác tăng cao do USD yếu và hy vọng tích cực về kết quả cuộc họp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể giúp giảm bớt căng thẳng thương mại.

Giá đồng kỳ hạn 3 tháng tại sàn London chốt phiên tăng 0,6% đạt 6.400 USD/tấn, mặc dù tính chung cả tuần giảm hơn 1%. Trong phiên giao dịch liền trước, giá đồng đã chạm xuống mức thấp nhất kể từ 28/3 do USD mạnh và lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tồn kho đồng tại các sở giao dịch LME tăng hơn 70% kể từ giữa tháng 3/2019 lên 195.900 tấn. Ngược lại, tồn kho đồng tại Thượng Hải đã chạm mức thấp nhất 2 tháng là 219.679 tấn.

Trong khi đó, giá kẽm chốt phiên tăng 1% đạt 2.76871 USD. Giá chì tăng 1% lên 1.952 USD/tấn. Giá thiếc tăng hơn 0,5% đạt 19.925 USD và niken tăng 0,9% lên mức 12.440 USD/tấn. Chỉ riêng giá nhôm giảm 1% xuống còn 1.837 USD/tấn.

Quặng sắt và thép đều giảm

Giá quặng sắt và thép Trung Quốc đều giảm trong phiên giao dịch cuối tuần. Giá quặng sắt giảm phiên thứ 4 liên tiếp bất chấp nhu cầu tiêu thụ tăng từ các nhà máy thép. Tỷ lệ sử dụng công suất hàng tuần tại các nhà máy trên toàn quốc tiếp tục tăng trong tuần này, tăng 0,55 điểm phần trăm so với tuần trước lên 70,58%.

Các nhà máy thép đang ráo riết tung ra nhiều sản phẩm trước mùa xây dựng thấp điểm khởi động vào tháng 5, khi miền nam Trung Quốc bước vào mùa mưa.Lợi nhuận của các nhà máy đã tăng lên hơn 700 CNY/tấn sau khi giảm mạnh vào tháng 11/2018.

Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên chốt phiên giảm 0,3% xuống còn 618,5 CNY(91,87 USD)/tấn. Giá thép cây Thượng Hải giảm 0,1% xuống còn 3.739 CNY/tấn. Tồn kho các sản phẩm thép tại các thương nhân Trung Quốc tiếp tục giảm trong tuần này, nhưng tốc độ chậm hơn. Tồn kho đã giảm 611.300 tấn so với tuần trước xuống còn 12,72 triệu tấn. Tồn kho thép cây ở mức 6,73 triệu tấn và thép cuộn cán nóng ở mức 2,08 triệu tấn.

Đường giảm 2,5% trong tuần

Giá đường thô giao tháng 7/2019 giảm 0,04 cent, tương đương 0,3%, xuống còn 12,65 cent/lb, sau khi giao dịch ở mức thấp 12,52 cent/lb. Giá giao dịch trong khoảng 12,50-13 cent kể từ đầu tháng ba.Tính chung cả tuần, giá hợp đồng này đã giảm 2,5%, mức phần trăm giảm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 3.

Trong khi đó, giá đường trắng giao tháng 8/2019 giảm 10 cent, tương đương 0,03%, xuống còn 340 USD/tấn.

Cà phê tăng cao do đồng real tăng giá

Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2019 tăng 0,75 cent, tương đương 0,8%, lên mức 94,10 cent/lb. Tính chung cả tuần, giá hợp đồng này tăng 1,3%, sau ba tuần giảm liên tiếp. Giá được hỗ trợ bởi đồng real mạnh tại Brazil tuy nhiên mức tăng giá bị hạn chế bởi vụ thu hoạch cà phê lớn tại nước này.

Cà phê Robusta giao tháng 7/2019 đã tăng 20 USD, tương đương 1,4%, đạt 1.410 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp hơn ba năm là 1.369 USD trong phiên liền trước.

Ngô tăng cao, đậu tương lơ lửng mức thấp nhiều tháng

Giá ngô tại Mỹ đã tăng khoảng 1% sau khi dự báo thời tiết ẩm ướt tại vành đai Trung Tây đã thúc đẩy hoạt động mua trục lợi, trong khi giá đậu tương lơ lửng ở mức thấp trong nhiều tháng.

Giá ngô giao tháng 7/2019 tại Chicago đã tăng 3-1/4 cent đạt 3,60-1/2 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 7/2019 đã giảm 5-1/2 cent xuống còn 8,67-1/4 USD/bushel.

Philippines ban hành các quy định mới về nhập khẩu gạo

Ngày 15/02/2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành Đạo luật số 11203 (Republic Act N. 11203) chuyển đổi cơ chế hạn ngạch sang cơ chế thuế hóa đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo. Đạo luật này có tên đầy đủ là "Luật về tự do hóa nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại mặt hàng gạo, nhằm dỡ bỏ cơ chế hạn ngạch đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo và thực hiện những mục đích khác". Luật số 11203 có hiệu lực từ ngày 05/3/2019.

Ngày 05/4/2019, Thông tư liên ngành số 01-2019 (Joint Memorandum Circular No. 01-2019) về việc hướng dẫn thi hành Luật số 11203 chính thức được ban hành vào ngày 05/4/2019 (do Bộ Nông nghiệp, Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia (NEDA) và Bộ Ngân sách Philippines phối hợp ban hành).

Luật số 11203 xóa bỏ hoàn toàn quy định về hạn ngạch nhập khẩu áp dụng đối với mặt hàng gạo, thay vào đó quy định các mức thuế nhập khẩu gạo như sau:

(i) Thuế suất đối với gạo nhập khẩu từ các nước trong ASEAN là 35%.

(ii) Thuế suất nhập khẩu trong hạn mức tiếp cận tối thiểu (Mimimum Access Volume - MAV) 350.000 tấn đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN và là thành viên của WTO (áp dụng thuế MFN) là 40%.

(iii) Thuế suất ngoài hạn mức tiếp cận tối thiểu (MAV) 350.000 tấn đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN và là thành viên của WTO (áp dụng thuế MFN) là 180%.

Trong trường hợp trong nước xảy ra tình trạng thiếu lương thực, Ủy ban Quản lý MAV của Philippines có thể đề nghị Tổng thống điều chỉnh lại hạn mức tiếp cận tối thiểu nêu trên.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/4

Thị trường ngày 27/4: Dầu thô sụt giảm thảm hại, vàng lên đỉnh 2 tuần - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên