MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 28/05: Dầu giảm gần 5%, đồng, cao su cũng quay đầu giảm

28-05-2020 - 08:09 AM | Thị trường

Lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung Quốc về luật an ninh quốc gia tại Hong Kong khiến hầu hết các mặt hàng đều giảm giá từ dầu, đồng, cao su, thép, tuy nhiên giá đậu tương và ngô của Mỹ tăng.


Dầu giảm do căng thẳng Mỹ - Trung, không rõ ràng về OPEC+

Giá dầu giảm trong phiên vừa qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông thực hiện đáp trả mạnh mẽ với luật an ninh Trung Quốc đề xuất tại Hong Kong và một số thương nhân nghi ngờ cam kết cắt giảm sâu sản lượng của Nga.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga và Thái tử Saudi Arabia đã đồng ý trong một cuộc điện đàm về sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa theo thỏa thuân hạn chế sản lượng dầu mỏ. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy Nga đã gửi những tín hiệu trái chiều trong chưa đầy 2 tuần.

Ngoài ra khả năng mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi có thể tăng áp lực lên các doanh nghiệp và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vốn đã suy yếu bởi đại dịch Covid-19.

Chốt phiên 27/5 dầu thô Brent kỳ hạn tháng 7 giảm 1,65 USD tương đương 4,6% xuống 34,52 USD/thùng và dầu WTI của Mỹ cùng kỳ hạn giảm 1,54 USD tức 4,5% xuống 32,81 USD/thùng.

Các dự báo ảm đạm về tác động tới nền kinh tế của đại dịch cũng gây sức ép lên giá dầu thô.

Bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho biết kinh tế khu vực eurozone có thể giảm từ 8% tới 12% trong năm nay, cảnh báo rằng một kịch bản nhẹ nhàng đã lỗi thời và kết quả sẽ từ trung bình tới nghiêm trọng.

Các thương nhân cũng đã chú ý đến các tín hiệu sớm về cuộc họp giữa OPEC và các đồng minh trong ít nhất 2 tuần nữa.

Một dấu hiệu khác của nhu cầu suy yếu là các nhà máy lọc dầu của Nhật Bản chỉ hoạt động với 56,1% công suất trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ năm 2005.

Thị trường ngày 28/05: Dầu giảm gần 5%, đồng, cao su cũng quay đầu giảm - Ảnh 1.

Khí tự nhiên của Mỹ giảm do dự báo nhu cầu thấp

Khí tự nhiên của Mỹ giảm khi xuất khẩu và nhu cầu giảm mặc dù sản lượng cũng chậm lại.

Trong ngày giao dịch cuối cùng hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6 trên sàn New York, giá giảm 7,1 US cent hay 4% xuống 1,722 USD/mmBtu. Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giảm 7 US cent xuống 1,88 USD/mmBtu.

Xuất khẩu LNG của Mỹ đạt trung bình 6,5 tỷ feet khối mỗi ngày trong tháng 5, giảm từ mức thấp nhất trong tháng 4 tại 8,1 tỷ feet khối mỗi ngày.

Vàng giao ngay giảm

Trong phiên có lúc giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần do hy vọng nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, mặc dù căng thẳng Mỹ - Trung Quốc về Hong Kong đã hạn chế giá giảm.

Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.709,5 USD/ounce, trước đó giá vàng đã giảm xuống 1.693,22 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 12/5. Vàng kỳ hạn tháng 6 đóng cửa tăng 0,1% lên 1.707,9 USD/ounce.

Bất ổn chính trị ngày càng tăng tại Hong Kong khiến các nhà đầu tư đứng ngoài lề.

Theo giới phân tích, giá vàng giữ trên mốc 1.700 USD/ounce là rất quan trọng, nếu giá tiếp tục điều chỉnh các nhà đầu tư có thể rời đi và tăng áp lực lên giá.

Ngân hàng Citi cho biết khả năng thị trường vàng ngắn hạn tạm thời giảm xuống mức từ 1.600 tới 1.650 USD dường như đang tăng lên, ngoài ra vàng vẫn tăng giá trong trung hạn và dự báo mốc 2.000 USD/ounce sẽ đạt được trong 12 tháng tới.

Trong năm nay giá vàng đã tăng hơn 12% và các nhà phân tích cho biết nhìn chung vàng theo quỹ đạo tích cực, được hỗ trợ bởi lãi suất thấp và tình trạng kinh tế, chính trị toàn cầu không rõ ràng.

Đồng giảm do lo lắng về Hong Kong

Giá đồng và các kim loại cơ bản giảm trong phiên qua bởi tình hình căng thẳng tại Hong Kong và dự đoán Washington sẽ trả đũa đối với Trung Quốc - nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.

Không ít các thị trường chứng khoán toàn cầu và giá dầu giảm trái với lạc quan về việc mở cửa lại nền kinh tế thế giới.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,6% xuống 5.278 USD/tấn. Giá đồng LME đã lên đỉnh 10 tuần trong ngày 21/5 tại 5.464 USD/tấn, giá đã phục hồi 25% kể từ khi xuống thấp nhất 45 tháng vào ngày 19/3.

Các thương nhân trước đó đã phản ứng tích cực với triển vọng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và do các công ty đua nhau phát triển vaccine Covid-19.

Đồng giao ngay thấp hơn đồng giao sau 3 tháng tới 34,75 USD/tấn, nhiều nhất kể từ tháng 10/2019, cho thấy các nguồn cung cấp kim loại trong kho LME dồi dào.

Thép cuộn cán nóng tăng giá

Hợp đồng thép thanh kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa giảm 8 CNY (1,13 USD) xuống 3.494 CNY/tấn, giảm phiên thứ 4 liên tiếp, bởi lo ngại về tiêu thụ do mưa tại một số khu vực phía nam của nước này. Trong khi đó hợp đồng thép cuộn cán nóng cùng kỳ hạn tăng 6 CNY lên 3.419 CNY/tấn.

Cao su giảm do căng thẳng Mỹ - Trung Quốc

Giá cao su tại Tokyo giảm trong phiên qua do lo lắng về căng thẳng Mỹ - Trung Quốc về Hong Kong.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đóng cửa giảm 0,6 JPY xuống 154,0 JPY (1,43 USD)/kg.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 20 CNY đóng cửa tại 10.250 CNY (1.432 USD)/tấn.

Đường giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm giảm 0,25 US cent hay 2,3% xuống 10,8 US cent/lb.

Các đại lý dự kiến giá đường tăng khi Mỹ, Châu Á và Châu Âu bắt đầu thấy một chút ánh sáng ở cuối đường hầm, nhưng lưu ý rủi ro liên quan tới Brazil.

Nhà sản xuất đường hàng đầu thế giới này đã trở thành một trong những tâm của đại dịch Covid-19, một động thái có thể tiếp tục gây thiệt hại cho nhu cầu ethanol và suy yếu đồng nội tệ của Brazil.

Đồng real yếu khuyến khích các nhà xuất khẩu Brazil bán đường được định giá bằng USD.

Nordzucker nhà tinh chế đường lớn thứ hai của Đức cho biết họ hy vọng có lợi nhuận trong năm tài chính mới do việc phong tỏa nới lỏng giúp ổn định giá đường và nhu cầu.

Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 12,4 USD hay 3,3% xuống 364,00 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê arabica đóng cửa giảm 2,6 US cent tức 2,5% xuống 1,025 USD/lb, giá đã xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2/2020 vào ngày 22/5.

Một số thương nhân lo lắng về nhu cầu arabica đang yếu đúng lúc Brazil dự kiến sản lượng gần kỷ lục trong niên vụ này.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 9 USD tương đương 0,7% xuống 1.210 USD/tấn.

Đậu tương, ngô của Mỹ mạnh

Giá đậu tương của Mỹ mạnh trong phiên qua do việc tiến độ trồng trọt chậm lại tại Midwest và các dự báo thời tiết bất thường đã khiến giá lên mức cao nhất trong 2 tuần, mặc dù việc bán ra theo yếu tố kỹ thuận đã hạn chế đà tăng.

Ngô cũng tăng giá sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo việc trồng trọt chậm hơn dự kiến, nhưng đà tăng bị hạn chế bởi những lo ngại về nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào.

Đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa tăng 1-1/2 US cent lên 8,48-1/2 USD/bushel. Hợp đồng này đã giảm từ mức đỉnh 2 tuần tại 8,51-1/4 USD do việc bán ra theo yếu tố kỹ thuật.

Ngô kỳ hạn tháng 7 tăng 1-1/2 US cent lên 3,2-1/2 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 28/05

Thị trường ngày 28/05: Dầu giảm gần 5%, đồng, cao su cũng quay đầu giảm - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên