MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 28/4: Giá khí đốt tăng vọt, ngô đạt ‘đỉnh’ 10 năm, dầu đậu tương cao kỷ lục lịch sử

28-04-2022 - 15:15 PM | Thị trường

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giá hàng hóa biến động mạnh trong phiên 27/4 sau khi Nga dừng cung cấp khí đốt cho 2 nước châu Âu. Thị trường tiếp tục chịu tác động từ việc USD mạnh lên và kỳ vọng Trung Quốc gia tăng kích thích kinh tế.

Dầu tăng do lo ngại về nguồn cung trên toàn thế giới

Giá dầu tăng nhẹ trong phiên vừa qua do lo ngại về nguồn cung trên toàn thế giới bị thắt chặt trong bối cảnh dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất khác của Mỹ sụt giảm.

Việc Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt tới 2 quốc gia châu Âu càng làm gia tăng lo ngại rằng nguồn cung năng lượng sẽ bị thắt chặt.

Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi USD mạnh lên và Trung Quốc đang chật vật với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới làm giảm nhu cầu trên toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 33 cent lên 105,32 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas của Mỹ (WTI) tăng 32 cent lên 102,02 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết các kho dự trữ dầu thô của họ tuần trước chỉ tăng 692.000 thùng, không như kỳ vọng, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và nhiên liệu máy bay, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2008.

Việc dự trữ sản phẩm chưng cất giảm đã đẩy giá hợp đồng dầu đốt nóng của Mỹ tăng vọt lên mức đóng cửa cao kỷ lục mọi thời đại, là trên 4,67 USD/gallon.

Vàng giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng do USD hồi phục mạnh bởi thị trường nhận định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tích cực thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,8% xuống 1.890,29 USD/ounce, trong phiên có lúc giảm xuống 1.881,45 đô la, mức thấp nhất kể từ ngày 24 tháng 2; vàng kỳ hạn tháng 6 cũng giảm 0,8% xuống 1.888,7 USD.

Bob Haberkron, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết: "Các nhà đầu tư đang có xu hướng chuyền tài sản từ các loại tiền tệ khác sang USD… Giá vàng sẽ khó có thể tăng từ nay đến khi Fed họp".

Chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2017 do kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ ‘diều hâu’ hơn so với các ngân hàng đồng cấp và dòng tiền trú ẩn an toàn được thúc đẩy bởi lo ngại về tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và châu Âu.

Đồng tăng bởi kỳ vọng vào Trung Quốc

Giá đồng và các kim loại cơ bản khác phục hồi trong phiên vừa qua bởi kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở ra một làn sóng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng – lĩnh vực sử dụng nhiều kim loại - để chống lại tác động của việc phong tỏa chống Covid-19.

Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,2% lên 9,879 USD/tấn, sau khi giảm khoảng 7% trong 2 phiên đầu tuần. Giá đồng trên sàn New York (Comex) cũng tăng 0,7% lên 4,47 USD/lb.

Ole Hansen, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo ở Copenhagen, cho biết: "Vấn đề trọng tâm trong vài tuần qua là việc Trung Quốc phong tỏa và Fed tăng lãi suất. Những điều đó đang làm tổn hại đến tăng trưởng (kinh tế toàn cầu)". "Nhưng giờ đây, trọng tâm của thị trường là các bình luận kêu gọi thúc đẩy toàn bộ cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc, điều mà thị trường rất mong chờ. Tuy nhiên, điều đó có đủ để đưa giá tăng thành xu hướng hay không thì có lẽ còn quá sớm để nói."

Dầu thực vật tăng mạnh

Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tương lai đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần do lo ngại rằng các nhà xuất khẩu từ Indonesia sẽ không đưa sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế đủ sớm khi lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực vào nửa đêm.

Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ tinh chế, tẩy trắng và khử mùi từ nửa đêm ngày 28 tháng 4 cho đến khi giá dầu cọ thực phẩm giảm xuống 14.000 rupiah/lít.

Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 7 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa (Malaysia) lúc đóng cửa phiên 27/4 tăng 601 ringgit, tương đương 9,39%, lên 7.001 ringgit (1.606,47 USD)/tấn.

Giá dầu đậu tương Mỹ tăng trở lại mức cao kỷ lục sau khi Indonesia công bố lệnh cấm trên. Giá dầu đậu tương Mỹ kỳ hạn tháng 7 kết thúc phiên tăng 2,29 US cent lên 84,72 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại là 85,77 US cent.

Ngô cao nhất kể từ tháng 8 năm 2012, lúa mì giảm

Giá ngô tăng mạnh trong phiên vừa qua, với hợp đồng giao dịch nhiều nhất có giá tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ do triển vọng thời tiết không khả quan khi lạnh giá và ẩm ướt quá mức khiến các diện tích đất trồng trọt ở khu vực Trung tây nước Mỹ không thể gieo hạt được.

Giá ngô Mỹ giao tháng 7 tăng 10-3/4 US cent lên 8,12-1/4 USD/bushel vào lúc kết thúc phiên, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2012.

Giá đậu tương phiên này cũng tăng 21 US cent lên 16,92-3/4 USD/bushel.

Giá lúa mì trong phiên này hầu hết các kỳ hạn đều giảm, trong đó lúa mì đỏ mềm kỳ hạn tháng 7 giảm 3-3/4 cent xuống 10,91-1/4 USD/bushel

Cao su thấp nhất 5-1/2 tuần

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5-1/2 tuần do thị trường chứng khoán Tokyo lao dốc ảnh hưởng đến tâm lý các nhà giao dịch, trong khi việc Trung Quốc phong tỏa chống Covid-19 cũng làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro, giữa bối cảnh nhu cầu sản phẩm cao su nhìn chung giảm sút ở thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới này.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka giảm 3,8 yên, tương đương 1,5%, xuống 247,6 yên (1,9 USD)/kg vào lúc đóng phiên, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18 tháng 3 là 246,5 yên.

Chỉ số trung bình Nikkei 255 của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần do lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái và tác động của việc phong tỏa chống Covid-19 ở Trung Quốc đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 40 nhân dân tệ lên 12.700 nhân dân tệ (1.939 USD)/tấn sau khi chứng khoán Trung Quốc phục hồi mạnh từ mức thấp nhất trong hai năm.

Khí đốt tăng mạnh

Giá khí đốt bán buôn tại Châu Âu tăng vọt 20% sau khi Ba Lan và Bulgaria thông báo Nga cắt nguồn cung khí đốt cho họ.

Tại trung tâm TTF của Hà Lan, khí đốt kỳ hạn tháng 5/2022 và giao quý 3/2022 trong phiên giao dịch buổi sáng 27/4 tăng 22,52 euro lên 115,75 euro/MWh, sau đó hạ nhiệt chút ít vào cuối phiên, kết thúc ở mức 108,75 euro, vẫn cao hơn 10,55 euro so với phiên liền trước.

Tương tự, giá khí đốt kỳ hạn tháng 5 tại Anh tăng vọt thêm 12 pence lên 160 pence/therm, trước khi hạ nhiệt để kết thúc phiên vẫn tăng 6 pence lên 170 pence/therm.

Tại Châu Á, giá LNG giao ngay tăng 16% trong phiên vừa qua, với giá khí giao tới Nhật Bản và Hàn Quốc do Platts công bố (JKM - Japan-Korea-Marker, tham chiếu cho thị trường khu vực châu Á) vọt lên 26,20 USD/mmBtu, từ mức 22,599 USD của phiên liền trước.

Sắt thép hồi phục do giảm lo ngại về Covid-19

Giá quặng sắt và thép trên thị trường Trung Quốc hồi phục sau 2 phiên giảm liên tiếp trước đó do thị trường giảm bớt lo ngại về sự bùng phát dịch Covid-19.

Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 3,5% lên 834 nhân dân tệ (127,19 USD)/tấn trong phiên giao dịch buổi sáng 27/4, kết thúc phiên vẫn 2,6% so với phiên trước đó, đạt 827 nhân dân tệ.

Giá thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải phiên này cũng tăng 1% lên 4.864 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, tăng 0,8% lên 4.948 nhân dân tệ/tấn. Tuy nhiên, giá thép không gỉ giao tháng 6 giảm 0,2% xuống 816 nhân dân tệ/tấn.

Trong 2 phiên trước đó (25 và 26/4), giá quặng sắt đã giảm hơn 8%, trong khi gí thép cây dùng trong xây dựng giảm khoảng 3% do lo ngại triển vọng nhu cầu sẽ trì trệ do dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 28/4

Thị trường ngày 28/4: Giá khí đốt tăng vọt, ngô đạt ‘đỉnh’ 10 năm, dầu đậu tương cao kỷ lục lịch sử - Ảnh 1.
https://cafef.vn/thi-truong-ngay-28-4-gia-khi-dot-tang-vot-ngo-dat-dinh-10-nam-dau-dau-tuong-cao-ky-luc-lich-su-20220428151449376.chn

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên