MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 29/06: Giá quặng sắt leo lên kỷ lục mới, thép vẫn ở đỉnh 8 năm

29-06-2019 - 08:25 AM | Thị trường

Kết thúc quý 2/2019, giá vàng, quặng sắt tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2016 trong khi đồng giảm mạnh nhất kể từ năm 2015.


Dầu giảm, nhưng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp

Giá dầu giảm phiên đêm qua nhưng đã có tuần tăng thứ 2 liên tiếp trước các cuộc đàm phán thương mại giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc vào cuối tuần này, đồng thời do dự đoán OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng.

Chốt phiên 28/6, dầu Brent kỳ hạn tháng 9 giảm 93 US cent xuống 64,74 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 8 không đổi tại 66,55 USD/thùng. Dầu thô WTI kỳ hạn tháng 8 giảm 96 US cent đóng cửa tại 58,47 USD/thùng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, dầu Brent đã tăng hơn 20%, trong khi dầu WTI tăng hơn 25%. Cả hai loại dầu này đều có tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp.

Cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gây sức ép cho giá dầu, khiến lo sợ rằng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại có thể giảm nhu cầu dầu.

Tổ chức OPEC và một số thành viên ngoài OPEC gồm cả Nga, được gọi là OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 1 – 2/7 tại Vienna để quyết định có gia hạn thỏa thuận cắt giảm hay không.

Hãng tin RIA dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết Nga đang cắt giảm sản lượng dầu ít hơn một chút so với thỏa thuận OPEC+.

Giá dầu có thể trì trệ khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại làm giảm nhu cầu và dầu thô của Mỹ tràn ngập thị trường, bất chấp OPEC và các đồng minh gia hạn thỏa thuận sản lượng.

Sản lượng của Mỹ trong tháng 4/2019 đã lên mức cao mới, vượt 12 triệu thùng/ngày.

Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung số giàn khoan hoạt động tuần thứ 2 liên tiếp, đưa tổng số giàn khoan lên 793 giàn.

Vàng ổn định, bạch kim tăng 3%

Giá vàng ổn định trong phiên cuối tuần do nhà đầu tư đợi xem các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cuối tuần có giải quyết được tranh chấp song phương hay không, trong khi bạch kim tăng vọt hơn 3%.

Tuy nhiên, vàng đã đánh dấu tháng diễn biến tốt nhất trong 3 năm, tăng 8% trong riêng tháng 6/2019, do dự đoán Cục dự trữ liên bang sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Giá tăng 9,1% trong quý này, tăng tính theo phần trăm lớn nhất kể từ quý 4/2016.

Vàng giao ngay thay đổi ít tại 1.409,33 USD/ounce. Giá vượt qua mức tâm lý quan trọng 1.400 USD trong đầu tuần và đã đạt mốc 1.438,63 USD/ounce lần đầu tiên trong 6 năm.

Chốt phiên vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% lên 1.413,7 USD/ounce.

Căng thẳng thương mại dịu đi có thể lấy đi một số nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại này. Trong khi đó, đồng USD thay đổi ít, thiết lập tháng yếu nhất kể từ đầu năm 2018, chỉ số USD giảm 1,7% trong tháng này.

Giá bạch kim đóng cửa tăng hơn 3% lên 839,76 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 16/5/2019. Vàng tăng giá mạnh khiến các thương nhân đánh giá lại toàn bộ kim loại quý. Nhu cầu với linh kiện xe điện cũng nâng giá bạch kim.

Đồng có quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2015

Giá đồng ổn định trong phiên, trước cuộc họp của các lãnh đạo G20, nhưng có quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2015 do tranh chấp thương mại Mỹ - Trung kéo dài ảnh hưởng tới tăng trưởng và nhu cầu.

Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London đóng cửa giảm 0,1% xuống 5.993 USD/tấn. Giá kim loại đã giảm 7,4% trong quý 2/2019.

Đồng USD giảm giá cũng hỗ trợ các kim loại cơ bản, khiến các hàng hóa định giá bằng USD rẻ hơn cho các nhà nhập khẩu sử dụng đồng tiền khác.

Các khách hàng mua đồng Trung Quốc đang săn nguồn kim loại thay thế khi quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới tăng cường hạn chế nhập phế liệu đồng loại cao cấp bắt đầu vào ngày 1/7.

Lo lắng về nguồn cung dịu đi sau khi cuộc đình công kéo dài 2 tuần tại mỏ đồng Chuquicamata của Chile kết thúc, khi ba công đoàn bỏ phiếu chấp nhận đề nghị mới nhất từ Codelco, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới.

Quặng sắt Trung Quốc có quý tăng mạnh nhất trong 2,5 năm

Giá quặng sắt của Trung Quốc đạt kỷ lục trong ngày 28/6 và có quý tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2016, bởi dự đoán nguồn cung nguyên liệu thô tại nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới này sẽ vẫn thắt chặt trong nửa cuối năm.

Giá thép kỳ hạn tăng phiên thứ 8 liên tiếp, dài nhất kể từ tháng 8/2017, bởi dự trữ giảm và việc cắt giảm sản lượng bắt buộc tại một số trung tâm thép.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 2,1% lên 838,5 CNY. Trong phiên giá đã tăng khoảng 2,7% lên 844 CNY (122,94 USD)/tấn, cao nhất kể từ năm 2014 khi Trung Quốc bắt đầu giao dịch quặng sắt kỳ hạn.

Hợp đồng này đã tăng 7 tháng liên tiếp và tăng 47% trong quý 2/2019, tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2016.

Dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc giảm xuống 116,75 triệu tấn tính tới tuần trước, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017, theo số liệu của SteelHome, phản ánh ảnh hưởng của nguồn cung giảm từ Brazil.

Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,7% lên 4.065 CNY/tấn, gần mức đỉnh trong hơn 8 năm đã chạm tới trong này 27/6. Giá tăng 6,5% trong tuần, tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2018.

Thép cuộn cán nóng đóng cửa tăng 0,3% lên 3.953 CNY/tấn và tính chung cả tuần tăng 6,6%, tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2018.

Cao su TOCOM giảm tuần thứ ba liên tiếp

Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo giảm, áp lực bởi việc bán tháo tại Thượng Hải, dẫn tới giá giảm tuần thứ 3 liên tiếp.

Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 1,1 JPY hay 0,6% xuống 193,5 JPY (1,8 USD)/kg. Giá đã giảm 3,2% trong tuần này và giảm 0,4% trong tháng.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 290 CNY đóng cửa tại 11.355 CNY (1.654 USD)/tấn.

Dự trữ cao su tại các kho của sàn Thượng Hải giảm 2,3% so với một tuần trước.

Cà phê tăng lên mức cao nhất trong năm 2019

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 2,75 US cent hay 2,6% lên 1.0945 USD/lb, sau khi tăng lên 1.1050 USD, cao nhất kể từ ngày 3/12/2018.

Mặc dù chưa có mối đe dọa trực tiếp về sương giá ở Brazil, nhưng các đại lý vẫn thận trọng khi đưa ra dự báo nhiệt độ thấp cho những ngày tới. Đồng nội tệ của Brazil mạnh lên gần đây cũng đang hỗ trợ giá cà phê.

Giá cà phê tăng 2,2% trong tháng này, tăng tháng thứ 2 liên tiếp.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 21 USD hay 1,5% lên 1.451 USD/tấn.

Nhập khẩu chuối của Trung Quốc đạt kỷ lục

Chỉ riêng trong tháng 5/2019, lượng chuối nhập khẩu vào Trung Quốc tăng lên kỷ lục 227.199 tấn. Số liệu chính thức cũng cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 1,54 triệu tấn chuối trong năm 2018, tăng 50% so với năm trước đó.

Do đất nông nghiệp hạn chế và chuối bị tàn phá bởi dịch bệnh, Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung chuối từ Đông Nam Á và Nam Mỹ. Nhu cầu chuối của Trung Quốc cũng được thúc đẩy bởi thu nhập của người dân ngày càng tăng và sự phổ biến của quả chuối trong bữa ăn ở địa phương.

Năm ngoái Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất từ Philippines. Trung Quốc cũng đang mở rộng nguồn cung từ các quốc gia trồng chuối khác như Mexico và Campuchia. Giá chuối đã ở mức cao trong lịch sử vào tháng trước.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 29/06

Thị trường ngày 29/06: Giá quặng sắt leo lên kỷ lục mới, thép vẫn ở đỉnh 8 năm - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên