Thị trường ngày 29/12: Giá dầu và vàng giảm trong khi đồng chạm mức cao nhất hai tuần, cà phê arabica tăng gần 4%
Trong phiên giao dịch ngày 28/12 giá dầu giảm do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại nước này, vàng giảm gần 1%, đồng chạm mức cao nhất trong hai tuần, cà phê arabica tăng 4%.
- 28-12-2022Mải miết bán dầu giá rẻ cho các “vị cứu tinh”, Nga đang trao đi ngôi vương năng lượng cho các quốc gia châu Á mà không hề hay biết
- 27-12-2022Nhiều ‘ông lớn’ ngành xăng dầu, khí đốt 'ăn nên làm ra', vượt kế hoạch doanh thu
Dầu giảm do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc
Giá dầu giảm do nhà đầu tư lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới điều này lấn át tin tức nới lỏng những hạn chế về đại dịch tại nước này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu.
Chốt phiên 28/12 dầu thô Brent giảm 1,07 USD hay 1,3% xuống 83,26 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 57 US cent hay 0,7% xuống 78,96 USD/thùng.
Các thị trường dầu mỏ cũng bị ảnh hưởng bởi dự đoán về một đợt tăng lãi suất tiếp của Mỹ, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ cố gắng hạn chế đà tăng giá.
Khối lượng giao dịch trong tuần này dự kiến là thấp hơn so với thường lệ khi gần đến thời điểm cuối năm, tạo ra nhiều biến động cho giá dầu.
Giá dầu sụt giảm trong phiên này sau ba phiên tăng liên tiếp. Giá dầu đã lên mức cao nhất trong ba tuần trong ngày 27/12, do thời tiết lạnh khắp nước Mỹ đã buộc đóng cửa các khu vực sản xuất chính và nhà máy lọc dầu vào cuối tuần qua.
Nga cho biết họ sẽ cấm bán dầu từ ngày 1/2/2023 cho các quốc gia tuân thủ mức giá trần G7 áp đặt vào ngày 5/12, mặc dù chi tiết về cách thức hoạt động của lệnh cấm vận vẫn chưa rõ ràng.
Dự trữ dầu thô của Mỹ ước tính giảm 1,6 triệu thùng trong tuần trước, dự trữ sản phẩm chưng cất cũng giảm, theo một thăm dò của Reuters.
Vàng giảm gần 1%
Giá vàng giảm gần 1% sau khi chạm mức đỉnh 6 tháng trong phiên trước, do USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng.
Vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.803,16 USD/ounce, sau khi giảm xuống 1.796 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2/2023 đóng cửa giảm 0,4% xuống 1.815,8 USD/ounce.
Cả chỉ số USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giữ ở gần mức cao nhất của phiên gây áp lực cho nhu cầu vàng.
Vàng tăng khoảng 200 USD từ mức thấp nhất trong hơn hai năm đã chạm tới hồi tháng 9, do dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất chậm lại, làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Đồng đạt mức cao nhất trong hai tuần
Giá đồng đạt mức cao nhất trong hai tuần do Trung Quốc đang nới lỏng những hạn chế về Covid, nhưng nguy cơ suy thoái và dự đoán nhu cầu yếu hơn đã hạn chế đà tăng.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME tăng 1,1% lên 8.444 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 14/12 tại 8.520 USD.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại Trung Quốc và đợt nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng tới dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu kim loại, mặc dù lo ngại về nguồn cung có thể có một số hỗ trợ.
Sự chú ý cũng tập trung vào tranh chấp thuế giữa chính phủ Panma và công ty khai mỏ First Quantum Minerals. Mỏ Cobre Panama của công ty này đã sản xuất 331.000 tấn đồng trong năm ngoái.
Quặng sắt Đại Liên tăng
Giá quặng diễn biến trái chiều, tại Singapore giá giảm từ mức cao nhất 5 tháng, do các nhà đầu tư đánh giá triển vọng nhu cầu sau khi Trung Quốc nới lỏng những biện pháp kiềm chế Covid và nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 0,7% lên 835,5 CNY (119,87 USD)/tấn sau khi chạm mức 838,5 CNY, cao nhất kể từ ngày 16/12.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 1/2023 giảm 0,1% xuống 113,35 USD/tấn.
Chính sách ngăn chặn Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc, nước sản xuất thép và tiêu thụ quặng sắt hàng đầu đã hạn chế hoạt động công nghiệp và nhu cầu trong nước đồng thời gây ra tình trạng bất ổn trong tháng trước.
Tuy nhiên các ca nhiễm Covid tăng vọt ở Trung Quốc và các kỳ nghỉ lễ kéo dài đến sau Lễ hội mùa xuân vào tháng tới có thể kiềm chế giá quặng sắt và thép trong thời gian tới.
Trong khi đó, xuất khẩu thép của Trung Quốc cũng đối mặt với nguy cơ giảm từ dự đoán suy thoái kinh tế tại Mỹ và Châu Âu.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,3%, thép cuộn cán nóng tăng 0,1%, thép không gỉ tăng 0,4%.
Cao su Nhật Bản ổn định
Giá cao su Nhật Bản ổn định, do nhu cầu sản phẩm máy móc trong nước yếu làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, với đà giảm bị hạn chế bởi đồng JPY suy yếu và đà tăng tại thị trường Thượng Hải.
Hợp đồng cao su giao tháng 6/2023 tại sàn giao dịch Osaka đóng cửa ổn định tại 220,4 JPY (1,65 USD)/kg.
Tại Thượng Hải giá cao su giao tháng 5/2023 tăng 65 CNY lên 12.815 CNY (1.839 USD)/tấn.
Các nhà máy tại Nhật Bản giảm sản lượng tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 11, khiến nhu cầu sản phẩm máy móc giảm trong bối cảnh lo sợ về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Đường thô giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa giảm 0,16 US cent hay 0,8% xuống 20,16 US cent/lb, đảo lại chiều tăng trước đó trong phiên này. Thị trường này đã tăng lên mức cao nhất trong gần 6 năm tại 21,18 US cent trong tuần trước.
Các đại lý cho biết triển vọng với sản xuất đường của Ấn Độ vẫn là trọng tâm chính, một số lời đồn về khả năng điều chỉnh giảm sản lượng bởi các báo cáo sản lượng giảm mạnh tại Maharashtra.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 16,4 USD hay 2,9% xuống 555,7 USD/tấn. Không có giao dịch đường trắng tại London do nước Anh nghỉ lễ.
Cà phê arabica tăng 4%
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa tăng 6,4 US cent hay 3,8% lên 1,7315 USD/lb, giá đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 7/11 tại 1,7495 USD/lb.
Dự trữ cà phê được chứng nhận của sàn ICE ở mức 797.755 bao tính tới ngày 28/12, cao nhất trong 5 tháng.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 6 USD hay 0,3% xuống 1.869 USD/tấn.
Đậu tương mạnh do thời tiết khô hạn tại Argentina và hy vọng nhu cầu của Trung Quốc
Giá đậu tương tại Chicago tăng phiên thứ 3 liên tiếp do các nhà đầu tư theo dõi dự báo thời tiết tại Argentina để có những dấu hiệu về lượng mưa cần thiết, trong khi Trung Quốc dỡ bỏ những hạn chế về Covid-19 làm tăng hy vọng về nhu cầu.
Ngô cũng được hỗ trợ từ thời tiết không rõ ràng tại Nam Mỹ, trong khi lúa mì tăng do tiếp tục theo dõi thiệt hại do băng giá tại vùng đồng bằng của Mỹ.
Hợp đồng đậu tương CBOT tăng 25-1/4 US cent lên 15,14-1/4 USD/bushel, tăng một ngày nhiều nhất kể từ ngày 11/11 và đóng cửa lần đầu tiên trên 15 USD kể từ ngày 23/6.
Lúa mì CBOT tăng 11 US cent lên 7,85-1/2 USD/bushel, ngô tăng 8 US cent lên 6,82-3/4 USD/bushel sau khi chạm mức 6,83-1/2 USD, cao nhất đối với hợp đồng được giao dịch nhiều nhất kể từ ngày 4/11.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 29/12
Nhịp sống thị trường