Thị trường ngày 30/3: Dầu có quý 1 tăng mạnh nhất 1 thập kỷ, quặng sắt tăng nhiều nhất kể từ năm 2013
Chốt quý 1/2019, dầu tăng mạnh nhất kể từ năm 2009, vàng quý tăng thứ 2 liên tiếp, kẽm cao nhất 9 tháng, đồng quý tăng đầu tiên kể từ cuối năm 2017, quặng sắt tăng mạnh nhất kể từ năm 2013, trong khi cà phê, ngô, đậu tương , lúa mì và dầu cọ đều giảm.
- 29-03-2019Thu giữ gần 200 bộ máy điều hòa đã qua sử dụng nhập về không hóa đơn chứng từ
- 29-03-2019Cà phê Việt dần "thất sủng" trên đất Mỹ
- 29-03-2019Dịch tả lợn châu Phi đe dọa sự phục hồi của thị trường lợn Việt Nam năm 2019
Dầu có quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2009
Giá dầu có quý tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và
Venezuela, cũng như OPEC cắt giảm nguồn cung làm lu mờ mối lo ngại kinh tế toàn cầu chậm lại.
Chốt phiên giao dịch vừa qua, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 5/2019 đã hết hiệu lực tăng 57 US cent tương đương 0,8% lên 68,39 USD/thùng, tính chung quý 1/2019 tăng 27%. Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 6/2019 tăng 48 US cent lên 67,58 USD/thùng. Giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tăng 84 US cent tương đương 1,42% lên 60,14 USD/thùng, tính chung quý 1/2019 tăng 32%. Như vậy, cả 2 loại dầu đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ quý 2/2009 (cả hai tăng khoảng 40%).
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela đã đẩy giá dầu tăng trong năm nay. Ngoài ra, giá dầu được nâng đỡ bởi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga thêm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2019.
Barclays dự báo giá dầu có khả năng vẫn ở mức cao trong quý 2/2019 và ở mức trung bình 73 USD/thùng đối với dầu Brent, 65 USD/thùng đối với dầu WTI và dầu Brent sẽ ở mức trung bình 70 USD/thùng trong năm nay.
Một cuộc khảo sát hàng tháng của Reuters dự báo, giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 67,12 USD/thùng năm 2019, tăng 1% so với 66,44 USD/thùng dự báo trước đó.
Vàng tăng, palađi rời khỏi chuỗi giảm
Vàng tăng và có quý tăng thứ 2 liên tiếp, do đồng USD giảm bởi số liệu kinh tế Mỹ chậm lại. Chốt phiên cuối quý 1, vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.292,93 USD/ounce và vàng kỳ hạn tăng 0,2% lên 1.298,5 USD/ounce.
Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1/2019 tăng ít hơn so với dự kiến và thu nhập trong tháng 2/2019 tăng khiêm tốn, làm gia tăng lo ngại tăng trưởng toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vàng được hỗ trợ bởi thận trọng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu.
Đồng thời, palađi tăng 1,5% trong phiên cuối quý 1 lên 1.368,21 USD/ounce, song tính chung cả tuần cuối tháng 3 lại giảm hơn 12%, trong bối cảnh lo ngại nhu cầu ngành công nghiệp đối với kim loại này sẽ bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế suy yếu. Tính chung cả quý, giá palađi tăng hơn 9%.
Kẽm cao nhất 9 tháng, đồng tăng
Giá kẽm đạt mức cao nhất 9 tháng, được nâng đỡ bởi lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và khả năng thiếu hụt nguồn cung do dự trữ ở mức thấp và khai thác bị gián đoạn. Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London hôm qua tăng 2% lên 2.923 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 28/6/2018, do dự trữ kẽm tại London chạm mức thấp nhất kể từ ít nhất năm 1998. Tính đến nay, giá kẽm tăng 24% từ mức thấp nhất đầu tháng 1/2019, được thúc đẩy bởi kỳ vọng thỏa thuận thương mại.
Giá đồng kỳ hạn trên sàn London tăng 1,9% lên 6.482,5 USD/tấn, tăng mạnh nhất kể từ ngày 25/1/2019. Đồng thời kim loại đỏ cũng có quý tăng đầu tiên kể từ cuối năm 2017.
Quặng sắt quý 1 tăng mạnh nhất kể từ năm 2013
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng mạnh, có quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2013, sau khi Vale giảm ước tính doanh số bán quặng sắt năm 2019 và Rio Tinto tuyên bố bất khả kháng đối với một số hợp đồng do ảnh hưởng lốc xoáy.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên chốt phiên 29/3 tăng 4,7% lên 638,5 CNY (94,96 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 12/2/2019 (657,5 CNY/tấn), do thảm họa vỡ đập hồi tháng 1/2019. Tính chung trong quý 1/2019, giá quặng sắt tăng 26%, quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2013.
Đồng thời, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 1,5% lên 3.758 CNY/tấn, được hỗ trợ bởi nhu cầu từ ngành hạ nguồn tăng. Tính chung trong quý 1/2019, giá thép cây tăng 10,6%, sau khi giảm 4,2% trong quý 4/2018. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,6% lên 3.741 CNY/tấn.
Vale, Brazil – công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới – ước tính doanh số bán quặng sắt trong năm nay ít hơn 75 triệu tấn, sau khi một số mỏ khai thác tạm ngừng hoạt động. Trong khi công ty khai thác quặng sắt Rio Tinto tuyên bố bất khả kháng đối với một số khách hàng, do ảnh hưởng từ cơn bão nhiệt đới Veronica phía tây Australia vào đầu tuần này.
Cà phê tăng, đường giảm, ca cao cao nhất 1 tháng
Giá cà phê tăng do đồng real Brazil tăng, đường giảm, trong khi ca cao đạt mức cao nhất 1 tháng.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2019 tăng 0,5 US cent tương đương 0,5% lên 94,5 US cent/lb. Tính chung trong tháng 3/2019, giá cà phê giảm 4,1% sau khi giảm 9,7% trong tháng 2/2019.
Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 36 USD tương đương 2,4% xuống 1.456 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức thấp 1.454 USD/tấn.
Trong khi đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2019 không thay đổi ở mức 12,53 US cent/lb. Giá dao động trong phạm vi hẹp giữa 12,33-12,73 US cent/lb trong tuần này và ở mức 12-13 US cent/lb trong quý 1/2019. Tính chung trong tháng 3/2019, giá đường thô giảm 1,6%. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 1,8 USD tương đương 0,6% xuống 324,8 USD/tấn. Tính chung cả tháng, giá đường trắng giảm 6,7%.
Giá ca cao kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn New York tăng 23 USD tương đương 1% lên 2.280 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.286 USD/tấn, cao nhất 1 tháng. Tính chung trong tháng 3/2019, giá ca cao tăng 1,5%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Giá ca cao giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 18 GBP tương đương 1,1% lên 1.728 GBP/tấn. Tính chung cả tháng tăng 2,7%.
Ngô giảm mạnh nhất gần 3 năm, đậu tương và lúa mì đều giảm
Giá ngô giảm hơn 4%, mức giảm mạnh nhất trong gần 3 năm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính dự trữ và diện tích trồng vụ xuân cao hơn ước tính thương mại.
Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Chicago giảm 17-1/2 US cent xuống 3,56-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc giảm 4,7% xuống 3,56 USD/bushel, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 5/7/2016.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Chicago giảm 5-1/4 US cent xuống 8,84-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 1/11/2018.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Chicago giảm 6-3/4 US cent xuống 4,57-3/4 USD/bushel. Tính chung trong quý 1/2019, giá ngô giảm 4,9%, đậu tương giảm 1,2% và lúa mì giảm 9%.
Trong báo cáo hàng quý, USDA chốt dự trữ ngô nội địa tính đến ngày 1/3/2019 đạt mức cao lần thứ 3, dự trữ lúa mì đạt mức cao lần thứ 2 trong 31 năm và dự trữ đậu tương đạt mức cao chưa từng có.
Dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 5 liên tiếp trong 6 phiên, theo xu hướng giá dầu cọ tại Đại Liên suy giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,6% xuống 2.107 ringgit (516,3 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm 0,9% xuống 2.100 ringgit/tấn, thấp nhất kể từ ngày 19/3/2019. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 2,8% và có tháng giảm thứ 2 liên tiếp, do dự kiến sản lượng và dự trữ dầu cọ Malaysia tăng. Tính chung cả quý, giá dầu cọ giảm 0,7%.
Giá dầu cọ Malaysia chịu áp lực giảm bởi giá dầu đậu tương và dầu cọ trên sàn Đại Liên giảm. Giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên giảm 0,9% và giá dầu cọ giao cùng kỳ hạn trên sàn Đại Liên giảm 1,6%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 30/03