Thị trường ngày 30/9: Giá dầu, vàng, đồng, cao su đồng loạt giảm
Ảnh minh họa.
Giá dầu và vàng tiếp tục giảm vào lúc đóng cửa phiên giao dịch 29/9. Thị trường dầu đã bớt áp lực về nguồn cung, trong khi đồng USD tăng mạnh ảnh hưởng đến giá vàng cùng các kim loại công nghiệp. Lo ngại về nguy cơ Trung Quốc suy yếu cũng gây áp lực giảm giá lên thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch vừa qua.
- 28-09-2021Thị trường ngày 28/9: Giá dầu Brent gần chạm 80 USD/thùng, sắt thép đồng loạt tăng mạnh
- 25-09-2021Thị trường ngày 25/9: Giá dầu gần chạm mức cao nhất trong 3 năm, thiếc cao nhất lịch sử, quặng sắt, lúa mì, cà phê đều tăng giá
- 24-09-2021Thị trường ngày 24/9: Giá dầu lên mức cao nhất 2 tháng, thiếc, cà phê tăng mạnh trong khi vàng giảm 1%
Dầu giảm do tồn trữ của Mỹ tăng
Giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp sau khi Mỹ thông báo tồn trữ dầu thô cao hơn dự đoán, mặc dù OPEC có kế hoạch duy trì lộ trình sản lượng như đã thỏa thuận.
Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 4,6 triệu thùng trong tuần trước, vượt quá kỳ vọng, được thúc đẩy bởi sản lượng phục hồi khi các cơ sở ngoài khơi - đã từng bị đóng cửa bởi hai cơn bão vùng Vịnh Mỹ - hoạt động trở lại.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 45 cent xuống 78,64 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 46 cent, tương đương 0,6% xuống 74,83 USD/thùng.
Thị trường cũng bị áp lực bởi sức mạnh của đồng đô la Mỹ, khi đồng tiền này đạt mức cao nhất 1 năm so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt. Vì dầu được giao dịch bằng đô la, nên USD mạnh lên làm cho mặt hàng này trở nên đắt hơn trên toàn thế giới.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, các kho dự trữ dầu, xăng và sản phẩm chưng cất của nước này đều tăng trong tuần vừa qua. Sản lượng của Mỹ tăng lên 11,1 triệu thùng/ngày, gần bằng với mức sản xuất trước khi cơn bão Ida ập đến - khoảng một tháng trước.
Vàng giảm do USD tăng mạnh
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tuần do USD mạnh lên và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sớm bắt đầu giảm bớt các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.722,50 USD/ounce vào cuối phiên, trong phiên có lúc xuống mức thấp nhất kể từ ngày 10 tháng 8, là 1.720,49 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 phiên này cũng giảm 0,8% xuống 1.722,9 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, cho biết đồng đô la tăng giá đang hạn chế đà tăng của vàng, khiến kim loại này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Đồng giảm do tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến tiêu thụ ở Trung Quốc
Giá đồng giảm trong phiên vừa qua khi cuộc khủng hoảng cung cấp điện bao trùm Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa và gây nghi ngờ về triển vọng nhu cầu.
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm trong khi đồng USD suy yếu. Cả hai ngân hàng Goldman Sachs và Nomura điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
Bên ngoài Trung Quốc, những nghi ngờ đang xuất hiện về sự phục hồi kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương chuẩn bị giảm các chương trình kích thích và chính phủ Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,9% xuống 9.189,50 USD/tấn lúc đóng cửa phiên giao dịch vừa qua, sau khi giảm 1% ở phiên liền trước.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 2 tháng do dự báo sẽ có mưa nhiều ở Brazil trong vài ngày tới.
Arabica kỳ hạn tháng 12 phiên này giảm 5,2 cent, tương đương 2,6%, xuống 1,934 USD/lb, sau khi chạm mức cao nhất trong hai tháng là 1,9945 USD lúc đầu phiên giao dịch cùng ngày.
Cà phê robusta giao tháng 11 phiên này cũng giảm 44 USD, tương đương 2,0%, xuống 2.116 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay dự kiến sẽ giảm 4,2% so với một năm trước đó xuống 1,2 triệu tấn.
Cao su giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên vừa qua, rời xa khỏi mức cao nhất 3 tuần do lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do khủng hoảng điện và khủng hoảng nợ Evergrande. Trung Quốc là nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 3 trên sàn Osaka giảm 1,3 yên xuống 207,6 yên/kg.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 35 CNY lên 13.815 CNY/tấn. Cao su kỳ hạn giao sau 1 tháng trên sàn giao dịch SICOM của Singapore tăng 0,2% lên 166,4 US cent/kg.
Ngô, lúa mì, đậu tương tăng
Giá ngô Mỹ hồi phục trong phiên vừa qua sau khi giảm ở phiên trước đó do các nhà giao dịch điều chỉnh giá cả trước khi Chính phủ Mỹ công bố các số liệu quan trọng về dự trữ nông sản của nước này.
Giá đậu tương và lúa mì kỳ Mỹ phiên này cũng tăng. Tuy nhiên, giá cả 3 loại nông sản trên đều bị hạn chế mức tăng do USD mạnh lên.
Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 6-1/2 cent lên 5,39 USD/bushel, nhưng vẫn nằm trong phạm vi giao dịch ở phiên liền trước, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 6-3/4 cent lên 12,83-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 3-3/4 cent lên 7,10-1/4 USD/bushel.
Thép không gỉ giảm tiếp do Trung Quốc khủng hoảng điện, các loại thép khác tăng
Giá thép không gỉ của Trung Quốc giảm hơn 3% trong phiên vừa qua, là phiên thứ 4 liên tiếp giảm do hoạt động sản xuất chậm lại trong bối cảnh thiếu cung điện ngày càng trầm trọng.
Thép không gỉ hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kết thúc phiên giảm 1,6% xuống 19.690 CNY (3.045,06 USD)/tấn. Trước đó, trong cùng phiên, có lúc giá giảm 3,1% xuống 19.405 CNY/tấn.
Các sản phẩm thép khác giao dịch trên sàn Thượng Hải tăng nhẹ trong phiên này. Cụ thể, thép thanh vằn dùng làm vật liệu xây dựng tăng 1,1% lên 5.657 CNY (874,86 USD)/tấn, thép cuộn cán nóng được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất tăng 1,3% lên 5.697 CNY/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giao tháng 1 tăng 2,1% lên 694 CNY/tấn, quặng sắt nhập khẩu hàm lượng 62% giao ngay tăng 1 USD lên 118,5 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 30/9