Thị trường ngày 6/9: Giá dầu tăng gần 3%, vàng vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce
Ảnh minh họa.
Thị trường hàng hóa toàn cầu giao dịch trầm lắng do Mỹ nghỉ lễ Lao động. Chốt phiên giao dịch ngày 5/9, giá dầu tăng gần 3%, vàng vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce, đồng, sắt thép và cao su đều tăng, đường trắng cao nhất 7 tuần.
- 06-09-2022Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 36 tỉ USD
- 05-09-2022Giá quặng sắt tại Trung Quốc xuống dưới 100 USD/tấn, thấp nhất gần 10 tháng
- 05-09-2022Giá khí đốt ở châu Âu sẽ cao đến mức nào sau khi Nga khóa van vô thời hạn?
Giá dầu tăng gần 3%
Giá dầu tăng gần 3%, khi các thành viên của OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày để thúc đẩy giá.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/9, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 2,72 USD tương đương 2,92% lên 95,74 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 2 USD tương đương 2,3% lên 88,85 USD/thùng, sau khi tăng 0,3% trong phiên trước đó.
Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng gần 4 USD, song mức tăng bị hạn chế khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết thực hiện tất cả các bước cần thiết để thúc đẩy nguồn cung năng lượng và hạ giá.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, giảm 100.000 thùng/ngày (bpd) – chiếm 0,1% nhu cầu toàn cầu. Nhóm cũng thỏa thuận có thể gặp nhau bất kỳ lúc nào để điều chỉnh sản lượng trước cuộc họp dự kiến tiếp theo vào ngày 5/10/2022.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tháng trước đã nâng dự báo nhu cầu dầu trong năm nay, khi dự kiến một số nước chuyển từ khí sang dầu bởi giá khí tự nhiên và điện tăng cao kỷ lục.
Giá vàng vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce
Giá vàng tăng vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce, do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất sau số liệu việc làm trái chiều, làm lu mờ đồng USD tăng mạnh.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,1% lên 1.712,89 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.724,1 USD/ounce.
Tuy nhiên, thị trường giao dịch trầm lắng do hầu hết thị trường Mỹ đóng cửa cho ngày nghỉ lễ Lao động. Giá vàng đã có phiên tăng hạn chế, khi chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất 20 năm so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Trong phiên trước đó, giá vàng đã có phiên tăng mạnh nhất gần 1 tháng, sau số liệu của Mỹ cho thấy rằng mức tăng lương khiêm tốn trong tháng 8/2022 và tỉ lệ thất nghiệp tăng 3,7%.
Giá đồng tăng
Giá đồng tăng, do triển vọng lãi suất của Mỹ thấp hơn so với dự kiến trước đó, làm lu mờ lo ngại nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,2% lên 7.651 USD/tấn.
Các lĩnh vực bất động sản và công nghiệp của Trung Quốc suy yếu, chiếm tỉ trọng lớn trong nhu cầu kim loại công nghiệp, đã làm giảm giá đồng và nhôm trong mấy tuần gần đây.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy rằng, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8/2022 giảm, do nhu cầu toàn cầu suy yếu, nhập khẩu dự kiến cũng giảm do tiêu thụ chậm lại.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh lãi suất trong những tháng tới để giảm lạm phát, song tỉ lệ thất nghiệp tăng, khiến các thương nhân đặt cược chi phí đi vay trong năm tới có thể không quá cao so với dự kiến trước đó.
Giá quặng sắt và thép tăng
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng, sau đợt bán tháo vào tuần trước, bất chấp lo ngại về các hạn chế Covid-19 tại nước sản xuất thép hàng đầu - Trung Quốc – kéo dài.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên tăng 4% lên 692 CNY (99,85 USD/tấn).
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore tăng 4,5% lên 98,75 USD/tấn.
Trong phiên trước đó, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên chạm mức thấp nhất 5 tuần (652 CNY/tấn), trong khi giá quặng sắt trên sàn Singapore chạm mức thấp (92,75 USD/tấn), trong bối cảnh gia tăng lo ngại về nhu cầu khi dịch Covid-19 mới bùng phát, khiến Trung Quốc phải tăng cường các hạn chế.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,9%, thép cuộn cán nóng tăng 1,5% và thép không gỉ tăng 2%.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn Osaka tăng 0,9 JPY tương đương 0,4% lên 217,5 JPY (1,55 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 130 CNY lên 12.405 CNY (1.790 USD)/tấn.
Sản lượng cao su tại nước xuất khẩu hàng đầu – Thái Lan – có thể bị ảnh hưởng bởi dự báo mưa lớn và cảnh báo lũ lụt trên khắp cả nước, bao gồm các tỉnh trồng cao su trọng điểm phía nam.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore tăng 0,5% lên 133,9 US cent/kg.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn London giảm 0,45% xuống 2.217 USD/tấn, giảm từ mức cao nhất 7,5 tháng (2.355 USD/tấn) hôm 24/8/2022.
Rabobank giảm dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ tới 2022/23 và cho rằng giá tăng cao chịu ảnh hưởng rất ít bởi sản lượng tại Brazil, Colombia, Honduras và Việt Nam.
Giá đường trắng cao nhất 7 tuần
Giá đường trắng trên sàn London tăng lên mức cao nhất 7 tuần, được thúc đẩy bởi lo ngại nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London tăng 1,3% lên 581,5 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 583,8 USD/tấn – cao nhất 7 tuần.
Giá dầu cọ giảm phiên thứ 3 liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 3 liên tiếp, sau cuộc điều tra cho thấy rằng tồn trữ tính đến cuối tháng 8/2022 đạt hơn 2 triệu tấn – lần đầu tiên – trong hơn 2 năm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 3 ringgit tương đương 0,08% xuống 3.912 ringgit (871,08 USD)/tấn – thấp nhất kể từ ngày 5/8/2022.
Thương nhân có trụ sở tại Kuala Lumpur cho biết, áp lực bán ra do dự kiến sản lượng và tồn trữ dầu cọ ở mức cao.
Tồn trữ dầu cọ Malaysia tính đến cuối tháng 8/2022 tăng 14,5% lên 2,03 triệu tấn so với tháng trước đó. Trong khi sản lượng tăng 8% lên 1,7 triệu tấn, xuất khẩu giảm 0,14% xuống 1,32 triệu tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 6/9:
Nhịp sống kinh tế