MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 8/10: Giá dầu giảm 2%, vàng tăng tiếp, lúa mì lập ‘đỉnh’ 5 năm

08-10-2020 - 12:47 PM | Thị trường

Thị trường hàng hóa phiên giao dịch vừa qua bị chi phối bởi 2 yếu tố chính: Ông Trump dừng đàm phán về gói kích thích kinh tế bổ sung nhưng chuyển sang hỗ trợ trọng tâm, trước mắt là cho ngành hàng không Mỹ (khiến giá dầu giảm và vàng tăng); và thời tiết khô hạn ở nhiều nước sản xuất nông nghiệp chính là Mỹ, Brazil, Argentina, Nga..., khiến giá ngũ cốc, đường và cà phê tăng mạnh.

Dầu mất 2% do tồn trữ dầu thô Mỹ tăng và mất hy vọng về gói kích thích kinh tế

Giá dầu giảm gần 2% trong phiên 7/10 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhà đầu tư mất hết hy vọng vào gói kích thích kinh tế bổ sung nhằm vực nền kinh tế nước này khỏi đại dịch Covid-19. Thông tin tồn trữ dầu tho Mỹ tăng trong tuần qua càng gây thêm áp lực giảm giá.

Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 66 US cent (1,6%) xuống 41,99 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 72 US cent (1,8%) xuống 39,95 USD/thùng.

Việc ông Trump quyết định dừng đàm phán làm gia tăng những bất chắc về nền kinh tế Mỹ. Chánh văn phòng Nhà Trắng, Mark Meadows, cho biết ông không cho rằng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện về gói kích thích kinh tế mới này, mà có nhiều khả năng Chính quyền của ông Trump sẽ hướng tới một cách tiếp cận cụ thể hơn.

Trong khi đó, số liệu cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần vừa qua tăng 501.000 thùng, gấp đôi mức dự đoán của giới chuyên gia là twang 294.000 thùng. Tuy nhiên, tồn trữ xăng giảm 1,4 triệu thùng xuống 226,8 triệu thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái; tồn trữ sản phẩm dầu chưng cất giảm 962.000 thùng – đúng như dự báo.

Khoảng 29% sản lượng dầu ngoài khơi Vịnh Mexico của Mỹ đã đóng cửa để tránh bão, chiếm 17% tổng sản lượng dầu mỏ Mỹ. Trong khi đó, tại Nauy, liên đoàn lao động Lederne cho biết họ sẽ mở rộng cuộc đình công trong giới công nhân ngành dầu mỏ kể từ ngày 10/10 nếu không đạt được thỏa thuận về tiền lương. Mỏ dầu Johan Sverdrup của Na Uy – lớn nhất Biển Bắc, với công suất 470.000 thùng dầu mỗi ngày, có khả năng sẽ phải ngừng sản xuất nếu cuộc đình công không chấm dứt vào ngày 14/10 tới.

Vàng tăng vì ông Trump chuyển hướng yêu cầu kích thích kinh tế cho ngành hàng không

Giá vàng tăng trong phiên vừa qua vì lo ngại kinh tế Mỹ sẽ thêm khó khăn chồng chất nếu không có gói kích thích kinh tế mới. Thị trường vàng chuyển hướng tập trung chú ý sang cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để tìm kiếm manh mối thông tin về triển vọng chính sách tiền tệ của nước này – sẽ diễn ra vào ngày 15-16/9.

Kết thúc phiên, vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.887,05 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 0,9% xuống 1.890,80 USD/ounce.

Ông Trump sau khi tuyên bố dừng đàm phán về gói kích thích kinh tế bổ sung cho đến sau cuộc bầu cử (khiến giá vàng giảm 2% ngay sau đó) thì đã đề xuất Quốc hội nhanh chóng phê duyệt gói hỗ trợ 25 tỷ USD cho các hãng hàng không nước này vì các hãng bay đang phải cho hàng nghìn nhân sự nghỉ việc khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vẫn giảm mạnh.

Jeff Klearman, giám đốc của GraniteShares cho biết: "Việc Tổng thống Trump chuyển từ 'không đàm phán về gói kích thích kích thích' sang 'các biện pháp cứu trợ đơn phương' đã giúp hỗ trợ giá vàng tăng, mặc dù đồng USD chỉ giảm nhẹ".

Đồng hồi phục do hy vọng kinh tế thế giới hồi phục 

Giá đồng tăng mạnh trong phiên vừa qua do nhà đầu tư hy vọng nhu cầu sẽ tăng mạnh khi kinh tế thế giới được cải thiện. Làn sóng mua mạnh đẩy giá vượt ngưỡng kháng cự, tạo động lực để giá tăng thêm nữa. 

 Trên sàn giao dịch kim loại London, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 2,3% lên 6.677 USD/tấn. Mức trung bình 50 ngày qua là 6.570 USD/tấn đã được vượt qua, đẩy giá có thời điểm chạm mức 6.710 USD/tấn. 

 Nhà phân tích Jens Pederson của Danske Bank cho biết: "Chúng tôi lạc quan rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong năm tới - điều đó sẽ có lợi cho kim loại, vốn đang ở vị trí tốt hơn là năng lượng". Cũng theo ông: "Châu Á, nhất là Trung Quốc, đang tăng trưởng tốt. Điều này rất quan trọng đối với kim loại, sẽ hướng giá theo đà đi lên".

Thép Trung Quốc, Indonesia và Đài Loan bị EU áp thuế chống phá giá

Liên minh Châu Âu (EU) sẽ áp thuế đối với thép cuộn cán nóng và thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc) sau khi kết quả điều tra cho thấy thép xuất xứ từ các thị trường này đã được bán ở EU với mức giá thấp một cách bất thường.

Theo đó, Ủy ban Châu Âu – cơ quan tiến hành điều tra – đề xuất áp thuế 19% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, 17,3% đối với thép Indonesia và 7,5% đối với thép không gỉ nhập khẩu từ Đài Loan. Ủy ban này cho biết, thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 8/10, nhằm khắc phục những thiệt hại gây ra đối với thép sản xuất ở EU, chủ yếu là của Bỉ, Italy và Phần Lan.

Lúa mì và đậu tương cao nhất nhiều năm do khô hạn

Giá lúa mì và đậu tương Mỹ tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới trong vòng nhiều năm do lo ngại thời tiết bất lợi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất ở những nước xuất khẩu chính.

Cụ thể, các thương gia lo ngại khô hạn sẽ ảnh hưởng xấu tới việc trồng lúa mì ở vùng Đồng bằng nước Mỹ, khu vực Biển Đen (Nga và Ukraina) và vùng trồng đậu tương của Brazil.

Kết thúc phiên giao dịch trên sàn Chicago, lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 14-3/4 US cent lên 6,07-1/2 USD/bushel, trước đó có thời điểm đạt 6,11-1/2 USD, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 lúc kết thúc phiên tăng 7 US cent lên 10,51 USD/bushel, sau khi có thời điểm đạt 10,59-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 4/2018. Các hợp đồng kỳ hạn xa hơn có giá thấp hơn.

Giá ngô cũng tăng trong phiên này, thêm 3-3/4 US cent lên 3,88-3/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 3,92 USD - cao nhất kể từ tháng 1/2020.

Đường thô vượt 14 US cent lần đầu tiên kể từ tháng 3

Giá đường thô kỳ hạn tăng mạnh do lo ngại về thời tiết ở những nước sản xuất chủ chốt, bất chấp những xáo trộn trên thị trường tài chính.

Kết thúc phiên này, đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,26 US cent (1,9%) lên 14,14 US cent/lb, cao nhất kể từ ngày 2/3; đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 5,20 USD, tương đương 1,4%, lên 384,10 USD/tấn, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 là 384,20 USD/tấn.

Thời tiết ở nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới là Brazil cũng như ở Thái Lan và Nga rất đáng lo ngại, trong khi ở Liên minh Châu Âu dịch Covid-19 vẫn đang gia tăng.

Brazil đã trải qua mấy tháng hạn hán, và lượng mưa trong tháng tới sẽ quyết định giá cả những mặt hàng mà nước này giữ vài trò quan trọng trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu.

Cà phê tăng gần 2%

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng phiên thứ 2 liên tiếp, thêm 1,95 cent, tương đương 1,8%, lên 1,096 USD/lb. Trái lại, robusta giao tháng 11 giảm 9 USD (0,7%) xuống 1.246 USD/tấn.

Cao su giảm vì mất hy vọng vào gói kích thích kinh tế ở Mỹ

Giá cao su quay đầu giảm sau khi ông Trump từ bỏ việc đàm phán về gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Osaka giảm 1,5 JPY (0,8%) xuống 188,1 JPY (1,77 USD)/kg. Giá dầu đi xuống càng gây thêm áp lực giảm giá cao su.

Tuy nhiên, đồng JPJ yếu đi đã ngăn giá cao su giảm mạnh trong phiên này.

Thịt lợn ở Đức vững giá dù xuất khẩu bị gián đoạn

Giá lợn trên thị trường Đức tuần này vững ở mức 1,27 euro (1,49 USD)/kg, bất chấp hàng loạt thị trường cấm nhập khẩu thịt lợn nước này sau khi Đức phát hiện một số trường hợp lợn nhiễm bệnh tả lợn châu Phi (ASF).

Trước khi có dịch ASF, giá  lợn ở Đức vào khoảng 1,47 euro/kg. Ngày 10/9 nước này xác nhận có ca nhiễm ASF, sau đó giá giảm xuống 1,27 euro kể từ 11/9.

Philippines dự định dừng nhập khẩu gạo trong 2 tháng

Bộ Nông nghiệp Philippines ngày 6/10 đã yêu cầu các nhà nhập khẩu trong nước ngừng hoạt động nhập khẩu gạo cho đến 10/11 để hỗ trợ giá gạo nội địa trong giai đoạn nước này thu hoạch lúa, giữa bối cảnh dự trữ gạo tính đến cuối năm dự báo sẽ ở mức cao nhất so với cùng thời điểm của 10 năm qua.

Nhập khẩu gạo vào Philippines tính đến nay đạt gần 2 triệu tấn, và dự báo sẽ có thêm khoảng 300.000 tấn từ nay đến cuối năm.

Nước này bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa chính (vụ lúa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11), do đó nguồn cung trong 6 tháng cuối năm dự báo sẽ dồi dào.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 8/10

Thị trường ngày 8/10: Giá dầu giảm 2%, vàng tăng tiếp, lúa mì lập ‘đỉnh’ 5 năm - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên