MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 9/8: Dầu đảo chiều tăng, vàng quay đầu giảm xuống dưới 1.500 USD/ounce

09-08-2019 - 07:29 AM | Thị trường

Chốt phiên giao dịch đêm qua 8/8, giá dầu đảo chiều bật tăng hơn 2%, vàng quay đầu giảm khỏi ngưỡng 1.500 USD/ounce. Quặng sắt và thép tiếp tục giảm mạnh. Niken tăng hơn 7%, cao nhất 16 tháng. Dầu cọ cao nhất 10 tuần. Giá cà phê xuất khẩu Việt Nam và Indonesia tăng. Gạo Thái tăng, gạo Việt Nam ổn định còn gạo Ấn Độ giảm giá.

Giá dầu đảo chiều tăng mạnh hơn 2%

Dầu tăng hơn 2% do dự kiến giá giảm sẽ dẫn tới cắt giảm sản xuất và đồng CNY vững giá sau một tuần sụt giảm do tác động của những căng thẳng thương mại leo thang giữa hai cường quốc Mỹ- Trung.

Chốt phiên giao dịch đêm qua, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10/2019 tăng 1,15 USD, tương đương 2,1%, đạt 57,38 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất trong phiên là 58,01 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas (WTI) kỳ hạn tháng 9/2019 tăng 1,45 USD, tương đương 2,8%, đạt 52,54 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất là 52,98 USD.

Giá đã tăng trở lại sau khi giảm gần 5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019 vào phiên liền trước sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ cao bất ngờ sau gần 2 tháng giảm.

Giá dầu nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ như đồng CNY mạnh lên so với USD; xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng trở lại trong tháng 7, cho thấy nhu cầu toàn cầu được cải thiện bất chấp áp lực thương mại của Mỹ; nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng 14% trong tháng 7;

Vàng quay đầu giảm

Trái ngược với dầu, giá vàng quay đầu giảm trở lại khi thị trường chứng khoán phục hồi, USD mạnh lên và các nhà giao dịch chốt lời sau khi vàng tăng vượt 1.500 USD trong phiên liền trước.

Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay trên sàn LBMA đã giảm 0,2% còn 1.498,45 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 12/2019 tại Mỹ giảm 0,7% còn 1.509,50 USD/ounce.

Từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng hơn 16% và tăng khoảng 100 USD trong tuần qua trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, Fed giảm lãi suất trái phiếu và sự thay đổi chính sách ngày càng ôn hòa của các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Các kim loại quý khác cũng giảm theo, cụ thể giá bạc giảm 0,9% xuống 16,95 USD/ounce, sau khi đạt mức cao hơn một năm trong phiên liền trước. Giá bạch kim đã giảm 0,1% xuống còn 860,81 USD/ounce.

Quặng sắt và thép tiếp tục giảm mạnh

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm hơn 2%, giảm phiên thứ 6 liên tiếp do lo ngại nguồn cung toàn cầu gia tăng.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 2,7% xuống 664 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt giảm 16% từ mức cao kỷ lục 789,5 CNY (112,06 USD)/tấn trong ngày 31/7/2019.

Giá quặng sắt chịu áp lực giảm do dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc trong tuần này tăng lên 121,05 triệu tấn, tăng 5% so với mức thấp nhất 1,5 năm (115,25 triệu tấn) hồi cuối tháng 6/2019. Đồng thời, nhập khẩu quặng sắt của nước này trong tháng 7/2019 tăng 21% so với tháng trước đó lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2019. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự kiến giá quặng sắt sẽ sớm được hỗ trợ, do nhu cầu của các nhà máy thép vẫn tăng sau khi các biện pháp chống ô nhiễm môi trường khu vực phía bắc Trung Quốc sẽ được nới lỏng trong tháng 8/2019.

Giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 1,1% xuống 3.672 CNY/tấn. Cùng với đó là giá thép cuộn cán nóng giảm 0,4% xuống 3.643 CNY/tấn, do dự trữ các sản phẩm thép tại Trung Quốc tăng 300.000 tấn lên 12,83 triệu tấn tính đến tuần kết thúc ngày 2/8/2019, cao nhất kể từ giữa tháng 4/2019, công ty tư vấn Mysteel cho biết.

Niken tăng hơn 7%, cao nhất 16 tháng

Giá niken tăng hơn 7% lên mức cao nhất trong 16 tháng do lo ngại thiếu cung khi nước cung cấp lớn thế giới Indonesia có nhiều khả năng sẽ đặt lệnh cấm xuất khẩu quặng niken và tồn kho giảm mạnh tại LME trong khi nhu cầu tiêu thụ có nhiều dấu hiệu tốt hơn khi xuất khẩu của Trung Quốc đột ngột tăng mạnh trong tháng 7.

Giá niken kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) trong ngày đã tăng hơn 12% lên 16.690 USD/tấn, bằng mức cao đạt được trong tháng 4/2018, sau đó lại giảm còn 15.880 USD vào lúc đóng cửa, tăng 7,2% so với phiên liền trước.

Giá niken tại Thượng Hải cũng tăng 6% lên mức cao kỷ lục 124.890 CNY(17.732,50 USD)/tấn.

Dự trữ niken trong các kho LME đã giảm xuống còn khoảng 140.000 tấn so với khoảng 370.000 tấn vào đầu năm 2018, mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Cao su tăng tiếp

Giá cao su tại Tokyo tăng nhẹ theo xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải tăng. Trên sàn TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 1,8 JPY (0,017 USD) lên 168,8 JPY/kg. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 2/2020 giảm 2 JPY xuống 142 JPY/kg.

Đồng thời giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 70 CNY (9,94 USD) lên 11.575 CNY/tấn.

Dầu cọ cao nhất 10 tuần

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất 10 tuần, theo xu hướng giá dầu đậu tương tại Chicago tăng, song mức tăng bị hạn chế do đồng ringgit tăng mạnh.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Bursa Malaysia tăng 0,3% lên 2.111 ringgit (504,78 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch tăng lên 2.114 ringgit/tấn, cao nhất kể từ ngày 29/5/2019.

Cà phê xuất khẩu Việt Nam và Indonesia tăng

Trong tuần này, giá cà phê xuất khẩu của Việt nam tăng do nhu cầu cao hơn trên toàn cầu và thiếu nguồn cung trong nước, trong khi giá cà phê tại Indonesia cũng được hỗ trợ nhờ nguồn cung dự kiến ​​sẽ giảm khi vụ thu hoạch sắp kết thúc.

Tại Việt Nam, người trồng cà phê ở Tây Nguyên bán cà phê nhân xô với giá 35.000 đồng(1,51 USD)/kg, tăng so với 34.600 đồng tuần trước. Trong khi đó, các thương nhân chào bán robusta loại 5% đen, vỡ (loại 2) với giá cộng 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019 ở phiên liền trước trên sàn London, tăng 60 USD/tấn so với tuần trước.

Trong hai ngày qua, mưa lớn đã hoành hành tại một số khu vực của Tây Nguyên và dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong vài ngày tới, điều này có thể ảnh hưởng tới mùa cà phê tới.

Tổ chức Cà phê Quốc tế đã nâng dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu trong năm 2018/19 lên 168,77 triệu bao(60 kg) so với dự kiến ​​trước đó là 167,75 triệu.

Trong khi đó tại Lumpung (Indonesia), cà phê robusta được chào giá cộng 170 – 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2019 của phiên liền trước trên sàn London, tăng so với mức cộng 150-200 USD/tấn cách đây một tuần.

Gạo Thái tăng, gạo Việt Nam ổn định, gạo Ấn Độ giảm

Tuần này, giá xuất khẩu gạo Thái Lan tăng do lo ngại hạn hán tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua có thể làm giảm nguồn cung và đồng baht Thái tăng giá, trong khi giá xuất khẩu gạo Việt Nam ổn định nhờ nhu cầu vững.

Các số liệu sơ bộ cho thấy 103.000 tấn gạo sẽ được chở tới các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ 2 đến 10/8, trong đó 42% xuất sang Tây Phi, 29% xuất sang Iraq và phần còn lại sang Philippines và Malaysia.

Đối với loại 5% tấm, gạo Việt Nam không đổi so với tuần trước ở mức 340- 350 USD/tấn,trong khi đó gạo Thái Lan tiếp tục tăng từ 395 – 405 USD/tấn lên 406 – 425 USD/tấn, và gạo Ấn Độ giảm từ mức 381 – 384 USD/tấn xuống còn 377-381 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đã xuất khẩu 651.000 tấn gạo trong tháng 7/2019, cao hơn nhiều so với dự báo của chính phủ là 600.000 tấn. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ có khả năng giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm do nhu cầu yếu từ châu Phi.

Đáng chú ý, lũ lụt lớn tại Bangladesh đã cuốn trôi mùa màng tương đương với gần 400.000 tấn gạo, khiến nước này có khả năng sẽ phải nhập khẩu gạo.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 9/8

Thị trường ngày 9/8: Dầu đảo chiều tăng, vàng quay đầu giảm xuống dưới 1.500 USD/ounce    - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên