MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngoại tệ năm 2021: Vượt ''sóng dữ'', VND là đồng tiền hiếm hoi lên giá so với USD

31-12-2021 - 14:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường ngoại tệ năm 2021: Vượt ''sóng dữ'', VND là đồng tiền hiếm hoi lên giá so với USD

Từ lâu trong tâm lý của người Việt Nam, VND chỉ có giảm giá so với USD chứ không bao giờ tăng giá. Tuy nhiên, lối suy nghĩ trên đã không còn đúng trong năm 2021 khi VND lại bất ngờ lên giá so với USD bất chấp sự mạnh lên của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế.

Tính đến ngày 30/12, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng được giao dịch ở mức 22.788 VND/USD, giảm gần 1,3% so với cuối năm trước. Trong khi giá mua USD tại các ngân hàng cũng giảm 330 – 400 đồng/USD, tương ứng giảm 1,5 - 2% và giá bán giảm 250 – 330 đồng/USD, tương đương 0,8 – 1,4%.

Ở phía ngược lại, tỷ giá USD trung tâm chỉ tăng nhẹ 14 đồng so với cuối năm 2020 trong khi giá USD tự do tăng 80 -100 đồng/USD. Đây đều là mức biến động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Với diễn biến trên thị trường ngân hàng, VND là một trong số ít các loại tiền tệ trong khu vực đã tăng giá so với USD trong năm 2021.

Thị trường ngoại tệ năm 2021: Vượt sóng dữ, VND là đồng tiền hiếm hoi lên giá so với USD - Ảnh 1.

Nguồn: Quang Hưng tổng hợp

VND lên giá so với USD trong phần lớn thời gian năm 2021

Xuyên suốt gần 11 tháng đầu năm năm 2021, VND ghi nhận xu hướng tăng giá so với USD hay nói cách khác tỷ giá USD/VND đã suy yếu bất chấp chỉ số US Dollar Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh - liên tục leo dốc trên thị trường quốc tế (tăng 6,7%).

Theo đó, đồng VND chạm mức mạnh nhất kể từ tháng 2/2017 vào ngày 12/11/2021 khi tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giảm về mức 22.655 đồng/USD so với mức 23.085 đồng/USD ghi nhận vào đầu năm. Đồng nghĩa, đến giữa tháng 11, VND đã tăng giá gần 1,9% so với USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhất là sau khi Việt Nam đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào tháng 7 với trọng tâm Việt Nam sẽ không cố tình làm suy yếu VND nhằm đạt được lợi thế thương mại.

Cụ thể, trong năm 2021, NHNN đã liên tục có những thay đổi liên quan đến việc mua, bán USD. Từ việc ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay tại Sở Giao dịch, ngưng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay từ ngày 4/1, cho tới giảm sâu giá mua USD.

Trong 11 tháng đầu năm, NHNN đã thực hiện ba lần giảm giá mua vào ngoại tệ, với tổng mức giảm là 475 đồng (giảm 150 đồng vào ngày 8/6, 225 đồng vào ngày 10/8 và 100 đồng vào ngày 5/11).

Bên cạnh đó, NHNN đã không còn tích cực can thiệp vào thị trường ngoại tệ một chiều thể hiện qua khối lượng mua vào ngoại tệ giảm mạnh so với các năm trước. Theo KBSV, giá trị mua vào ước tính cho năm 2021 là 13 tỷ USD so với giá trị mua vào các năm 2020, 2019 theo IMF lần lượt là 16 tỷ USD và 23 tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng những thay đổi trên cho thấy NHNN đang điều hành tỷ giá một cách linh hoạt theo quy luật cung cầu của thị trường ngoại hối hơn. Và điều này cũng được thể hiện khi Bộ Tài chính Mỹ tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ trong kỳ đánh giá cuối cùng trong năm 2021 và "hài lòng với những gì Việt Nam đã làm được cho đến nay" trong việc giải quyết các vấn đề tỷ giá hối đoái.

Bên cạnh chính sách điều hành phù hợp, diễn biến tỷ giá trong năm vừa qua qua cũng được hỗ trợ rất lớn từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào khi cán cân thanh toán tổng thể thặng dư nhờ lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực.

Theo đó, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) vẫn khá sôi động trong năm 2021 bất chấp hạn chế của dịch bệnh. Một số thương vụ cụ thể có thể kể đến như VPBank chính thức bán 49% cổ phần công ty tài chính FE Credit cho nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo Mitsui, thu về 1,4 tỷ USD. Hoặc SK Group Hàn Quốc thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (TCX - công ty con của Masan) với giá trị sau hai đợt lần lượt là 410 triệu USD vào tháng 4 và 340 triệu USD vào tháng 11…

Đồng thời, kiều hối năm 2021 cũng ghi nhận diễn biến tích cực với con số ước tính của NHNN vào khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với 2020.

Về phía cầu, niềm tin của người dân vào VND được củng cố khi lạm phát duy trì ở mức thấp dưới 2% đã giúp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ. Qua đó góp phần đẩy tỷ giá USD/VND xuống mức thấp nhất hơn 4 năm vào giữa tháng 11.

Thị trường ngoại tệ năm 2021: Vượt sóng dữ, VND là đồng tiền hiếm hoi lên giá so với USD - Ảnh 2.

VND là đồng tiền hiếm hoi trong khu vực tăng giá so với USD. (Nguồn: SSI Research)

Sóng nổi về cuối năm

Mặc dù đồng Việt Nam tăng giá so với USD trong phần lớn thời gian năm 2021, Tuy nhiên, trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12, VND đã đảo chiều giảm giá so với USD sau một loạt các đợt điều chỉnh tỷ giá trung tâm của NHNN cùng với nhu cầu mua ngoại tệ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp và hoạt động giao dịch ngân hàng tăng cao.

Theo đó, liên tục trong thời gian trên, tỷ giá USD/VND tại các ngân đã biến động rất mạnh, với những bước tăng 200 - 300 đồng/USD chỉ trong một phiên. Đến ngày 7/12, giá USD tại một loạt ngân hàng đã chạm ngưỡng gần 23.000 đồng/USD ở chiều mua và 23.250 đồng ở chiều bán.

Trong khi tỷ giá liên ngân hàng vào ngày 6/12 cũng vọt lên mức 23.100 đồng/USD, cao hơn mức đóng cửa năm 2020 dù trước đó 1 tháng vẫn thấp hơn gần 2%.

Mức tăng mạnh và bất thường trên đã xóa sạch thành quả có được trong hơn 11 tháng đầu năm.

Trong khi đó, giá USD tự do lại không có nhiều thay đổi khi vẫn duy trì mua – bán USD ở mức 23.450 – 23.550 VND/USD.

Thị trường ngoại tệ năm 2021: Vượt sóng dữ, VND là đồng tiền hiếm hoi lên giá so với USD - Ảnh 3.

Tỷ giá USD tăng vọt vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.(Nguồn: BVSC)

Đánh giá diễn biến này, giới phân tích cho rằng đây chỉ là hiện tượng tạm thời xuất phát từ nguồn cung USD không dồi dào nhưng nhu cầu dồn mạnh tại một thời điểm.

Theo ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), diễn biến tăng mạnh của tỷ giá trong những phiên gần đây chủ yếu do ảnh hưởng của tính mùa vụ khi nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa gia tăng dịp cuối năm. Bên cạnh đó, mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế (trên 10 triệu đồng/lượng) cũng gây áp lực lên tỷ giá do hiện tượng gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế cũng phần nào tạo áp lực lên tỷ giá. Thực tế, NHNN vừa qua cũng đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm nhằm phù hợp với cung cầu ngoại tệ trong nước và diễn biến trên thị trường quốc tế.

"Đây là bước đi đón đầu của nhà điều hành nhằm tránh sự điều chỉnh đột ngột, gây sốc cho thị trường", ông Tuấn đánh giá.

Bên cạnh các yếu tố khách quan, việc Kho bạc Nhà nước thu mua ngoại tệ từ các ngân hàng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 cũng được nhìn nhận là một nhân tố khiến tỷ giá bật tăng.

Ngoài ra, tỷ giá ổn định và đi xuống trong nhiều tháng gần đây khiến các nhà băng thực hiện các lệnh short (bán ra) USD. Khi giá USD trên thị trường quốc tế quay đầu tăng, họ phải cover trạng thái ngoại tệ (tăng mua vào) khiến nhu cầu tăng mạnh trong thời gian ngắn. Đây cũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến giá USD tăng mạnh chỉ trong một tuần, theo suy đoán của chuyên viên phân tích mảng vĩ mô.

Trước diễn biến tăng nóng của tỷ giá, ngày 8/12, NHNN đã giảm mạnh 706 đồng giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 23.856 VND/USD xuống 23.150 VND/USD, trong khi giữ nguyên giá mua ở mức 22.650 VND/USD. Đây là bước giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây.

Động thái giảm sâu giá bán USD của NHNN được cho là nhằm hạ nhiệt đà tăng nóng của tỷ giá trên thị trường ngân hàng, cho thấy cơ quan này sẵn sàng bán ra ngoại tệ nếu thị trường có dấu hiệu căng thẳng.

Thực tế, giá USD trên thị trường ngân hàng đã quay đầu giảm sâu trong những phiên sau đó và hiện đang giao dịch ở mức 22.600 - 22.660 đồng/USD ở chiều mua vào và 22.880 – 23.940 đồng/USD ở chiều bán ra. Như vậy, mức tỷ giá hiện tại đã giảm về vùng ghi nhận vào quý III.

Theo Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, biến động tỷ giá USD trong những ngày vừa qua xuất phát từ cung cầu thị trường.

Đại diện NHNN cho biết, điều hành chính sách là để cân bằng lượng ngoại tệ và giữ được tỷ giá không gây ra những tác động ngoài mong muốn của nhà điều hành như kỳ vọng găm giữ ngoại tệ làm lệch lạc tỷ giá một cách khách quan của thị trường. Bên cạnh đó, việc điều hành tỷ giá nhằm giúp trạng thái ngoại tệ giữa các ngân hàng thương mại với NHNN và với các doanh nghiệp được hài hòa.

"Với việc điều hành theo tỷ giá trung tâm, khi cần chúng tôi sẽ nâng một vài giá hoặc giảm một vài giá. Như vậy mới là thị trường", ông Tú cho hay.

Quang Hưng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên