Thị trường ngược dòng ngoạn mục, cổ phiếu chứng khoán lại đua xanh tím
Đồng loạt VND, SSI, HCM, VCI, MBS, SHS, CTS,... đều tăng mạnh, đặc biệt BSI còn tăng trần “trắng bên bán” từ khi VN-Index còn chưa hồi về tham chiếu.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên lội ngược dòng ngoạn mục, VN-Index đảo chiều từ mức giảm gần 14 điểm lên đóng cửa cao nhất phiên với mức tăng hơn 4 điểm. Cổ phiếu chứng khoán tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường hồi phục khi đồng loạt đua xanh tím, thu hút dòng tiền.
Thực tế, nhóm chứng khoán cũng khởi đầu phiên không mấy suôn sẻ với sắc đỏ bao trùm nhưng cục diện đã thay đổi chóng mặt khi cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh mẽ trong phiên chiều. Đồng loạt VND, SSI, HCM, VCI, MBS, SHS, CTS,... đều tăng mạnh, đặc biệt BSI còn tăng trần “trắng bên bán” từ khi VN-Index còn chưa hồi về tham chiếu.
Cổ phiếu chứng khoán đua xanh tím
Cổ phiếu nhóm chứng khoán nổi sóng thời điểm này là điều khá bất ngờ khi thị trường đang chịu nhiều áp lực đến từ các yếu tố bên ngoài. Tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng khi chứng khoán Mỹ giảm mạnh đêm qua sau thông tin Fed tăng lãi suất 0,75 điểm % lần thứ 3 liên tiếp cùng với phát biểu cho thấy quan điểm diều hâu hơn nữa của chủ tịch Jerome Powell.
Trước diễn biến trên, Chính phủ cũng đã có những phản ứng tức thời. Trong phiên họp sáng 22/9 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Trong trường hợp NHNN tăng lãi suất, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán sẽ khó trảnh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất gần như đã được dự báo từ trước khi áp lực tỷ giá đang ngày một lớn do đồng USD liên tục tăng mạnh trước động thái đẩy nhanh tốc độ hút tiền của Fed.
Phản ứng của thị trường đã cho thấy một vài tín hiệu khả quan, không chỉ về mặt điểm số. Thanh khoản đã có sự cải thiện sau khi xuống đáy 22 tháng vào phiên trước. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE đã tăng 35% lên trên 10.000 tỷ đồng trong đó các cổ phiếu chứng khoán hút tiền khá mạnh, đặc biệt là bộ đôi VND và SSI còn dẫn đầu toàn sàn.
Tuy nhiên, thanh khoản về cơ bản vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với những phiên biến động mạnh giai đoạn trước. Tính từ đầu tháng 9, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE chỉ đạt 13.000 tỷ đồng, giảm 8% so với tháng trước. Đây là mức thanh khoản thấp thứ 2 trong vòng 18 tháng kể từ tháng 3/2021 và chỉ cao hơn giai đoạn xuống đáy hồi tháng 7.
Thanh khoản thị trường là yếu tố có tác động kép đến triển vọng của cổ phiếu chứng khoán. Kết quả kinh doanh của nhóm ngành này phụ thuộc nhiều vào sự sôi động của thị trường, đặc biệt là các mảng nghiệp vụ chính như môi giới và cho vay ký quỹ. Thêm nữa, nhóm chứng khoán cũng cần dòng tiền vào đủ khỏe để hấp thụ được lượng cổ phiếu lưu hành đã tăng mạnh thời gian qua sau những đợt tăng vốn.
Trong báo cáo mới đây, Maybank IBG Research cho rằng thanh khoản đã chạm đáy và kỳ vọng sẽ có thể sớm hồi phục khi những thông tin về thắt chặt chính sách quản lý lắng xuống trong quý 4, thời điểm Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường vốn (thông qua Nghị định 153 sửa đổi, Thông tư 39,…). Tuy nhiên, rất khó có thể trông chờ vào một sự bùng nổ về mặt thanh khoản trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ thời gian tới.
Ngoài ra, nguồn thu từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu của các CTCK cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng do sự thắt chặt chính sách quản lý sau khi Nghị định 65 được triển khai. Triển vọng tăng trưởng doanh thu đến từ việc phân phối lại trái phiếu doanh nghiệp được Chứng khoán KIS cho rằng sẽ là một điểm chưa chắc chắn.
Theo Chứng khoán KIS, vai trò của các đơn vị tư vấn, CTCK hoặc Ngân hàng thương mại, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ tư vấn chào bán chứng khoán, sẽ trở nên quan trọng hơn cùng những yêu cầu chuyên môn cao hơn để có thể cung cấp nghiệp vụ này. Trong ngắn hạn, những doanh nghiệp chưa có thể mạnh về mảng tư vấn trái phiếu có thể sẽ gặp khó khăn trong khi các đơn vị có đội ngũ IB dày dạn kinh nghiệm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Nhịp Sống Thị Trường