Thị trường nhà đất sôi động, ngân hàng đem loạt bất động sản ''khủng'' ra bán
Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank... liên tục chào bán các bất động sản thế chấp để thu hồi nợ. Nhiều khu đất, dự án có diện tích hàng nghìn m2, giá trị hàng trăm tỷ đồng.
- 17-12-2021Ngân hàng siết nợ nhiều công ty bất động sản
- 16-12-2021VietinBank và Agribank cùng siết nợ ''ông lớn'' bất động sản Quảng Ninh
- 10-12-2021Thanh tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản
Trong thời gian gần đây, một loạt bất động sản giá trị lớn đã được các ngân hàng thông báo phát mại để thu hồi nợ.
Đầu tháng 11, Vietcombank chào bán một loạt bất động sản và máy móc thiệt bị của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam có giá trị gần 1.200 tỷ để thu hồi nợ vay. Trong đó, số bất động sản rao bán gồm hơn 70.000m2 đất khu công nghiệp và nhà xưởng gắn liền với đất tại KCN Việt Nam – Singapore II mở rộng, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và KCN VSIP II, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Mới đây, Vietcombank chi nhánh TP HCM cũng thông báo phát mãi quyền tài sản phát sinh tương ứng với 20% vốn góp của Tổng Công ty Tư Vấn Thiết Kế Dầu Khí – Công ty Cổ phần (PVE) trong dự án hợp tác đầu tư xây dựng Cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay đã đổi tên thành PV GAS Tower) được ký giữa PVGAS, Tổng Công ty PVC, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long và PVE. Số tài sản này được Vietcombank rao bán với giá khởi điểm hơn 423 tỷ đồng.
Theo giới thiệu của PVGAS, dự án đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng PV GAS Tower là công trình hợp tác kinh doanh giữa PV GAS, PVC và Phú Long Co., với tổng mức đầu tư dự kiến là 827 tỉ đồng. Đây là tổ hợp trụ sở văn phòng kết hợp với thương mại dịch vụ trên diện tích khu đất 7.441m2, mục tiêu là xây dựng hoàn chỉnh một khu cao ốc văn phòng cao cấp, kết hợp thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu văn phòng cho các công ty trong tầm nhìn nhiều năm tới. Tòa nhà cao 15 tầng có diện tích sàn thương mại dịch vụ là 8.680 m2, diện tích sàn văn phòng cho thuê là 22.615 m2.
Tương tự VietinBank cũng vừa thông báo phát mại quyền sử dụng hơn 8.000m2 đất và tài sản gắn liền để thu hồi nợ vay của Công ty TNHH Mỹ Hưng (Công ty Mỹ Hưng). Số bất động sản này có địa chỉ tại Sóc Trăng và Bạc Liêu, thuộc quyền sở hữu của "ông trùm" xăng dầu giả Trịnh Sướng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Mỹ Hưng và bà Trương Bích Đào.
Trước đó, trong tháng 11, VietinBank cũng chào bán gần 50.000m2 đất trồng cây lâu năm tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp tại ngân hàng. VietinBank chào giá khởi điểm cho số bất động sản trên là gần 100 tỷ.
Agribank đang chào bán quyền sử dụng đất có diện tích hơn 2.000 m2 tại TP Thủ Đức với giá khởi điểm 58 tỷ đồng. Đây là tài sản bảo đảm khoản vay cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiết kế Xây dựng Phú Cường.
Trong tháng 12, nhà băng này cũng đấu giá bán một số bất động sản tại Quận 1 với giá khởi điểm 20 – 25 tỷ đồng.
Tương tự, BIDV cũng thông báo phát mại hơn 2.000m2 đất tại TP Thủ Đức và 500m2 đất ở và nhà ở tại quận 1, TP.HCM với cùng giá khởi điểm gần 53 tỷ đồng. Ngân hàng cũng rao bán một loạt 7 quyền sử dụng đất tại Thị xã Sơn Tây, Hà Nội và huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Sacombank hiện đang rao bán 2 tầng thương mại (tầng 1 + 2) Chung cư Kim Hồng Fortuna, số 306-308 Vườn Lài, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP.HCM. Giá khởi điểm cho lô bất động sản này là hơn 89 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang chào bán một số bất động sản giá trị khác tại quận Tân Bình và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang.
Ngân hàng tận dụng ''sóng'' bất động sản để xử lý nợ xấu?
Hoạt động rao bán bất động sản để thu hồi nợ được các ngân hàng đẩy mạnh thời gian gần đây trong bối cảnh chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng xấu do dịch bệnh. Theo số liệu của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9/2021 đã trở lại ngang mức năm 2017 khiến thành quả xử lý nợ xấu 5 năm qua có nguy cơ bị xoá bởi Covid-19.
Trong khi đó, phần lớn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ ngân hàng là bất động sản. Riêng nhóm các ngân hàng quốc doanh, bất động sản thường chiếm 70 – 90% tổng tài sản thế chấp.
Mặt khác, hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng đang được hỗ trợ rất lớn nhờ sự sôi động của thị trường bất động sản.
Báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhu cầu tìm mua nhà đất toàn quốc trong tháng 10 tăng hơn 55% so với tháng 9. Trong đó, mức độ quan tâm tới phân khúc đất nền tăng mạnh trên diện rộng như Thái Nguyên tăng 123%, Lào Cai tăng 94%, Hòa Bình tăng 53%, Hưng Yên tăng 45%, Bắc Ninh tăng 41%, Quảng Ninh tăng 40%,... Tại các thị trường lớn, Hà Nội ghi nhận tăng 19%, Đà Nẵng tăng 9%, riêng chỉ có TP HCM giảm 8%.
Không chỉ sự quan tâm gia tăng, giá bất động sản cũng đã thiết lập một mặt bằng mới trong năm 2021. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy so với năm 2020, tại miền Bắc, tính trong phạm vi cách Hà Nội 50 km, giá rao bán đất nền năm 2021 tại Bắc Ninh tăng 61%, Hưng Yên tăng 22% so với năm trước. Trong phạm vi cách Hà Nội 100 km, giá rao bán đất Hòa Bình tăng 106%, Thái Nguyên 57%.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới phát hành, Chứng khoán Agribank đánh giá, thị trường bất động sản (tài sản bảo đảm chính của các ngân hàng) duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu, qua đó hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các nhà băng.
Tại phiên họp thường niên 2021, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, năm 2020, BIDV thu về 7.000 tỷ đồng từ bán và thu hồi nợ. Năm 2021, ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận 8.000 tỷ đồng từ hoạt động này.
Trong khi theo Chứng khoán Bản Việt, Sacombank có thể đã thanh lý được ba bất động sản thế chấp cho các khoản nợ có trị giá 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, Sacombank đã xóa một số tài sản rao bán trên trang website của ngân hàng, bao gồm lô bất động sản diện tích 52.976 m2 tọa lạc tại huyện Bình Chánh, TP HCM được rao bán với giá 398 tỷ đồng; lô bất động sản diện tích 6.382 m2 tại quận Bình Thạnh, TP HCM được rao bán với giá 377 tỷ đồng, và lô bất động sản diện tích 407m2 tọa lạc tại Quận 3, TP HCM được rao bán với giá 257 tỷ đồng.