Thị trường nhà phố và biệt thự Tp.HCM đang dịch chuyển mạnh ra vùng ven các tỉnh lân cận
Theo bà Đỗ Thị Nguyệt Anh, Quản lý Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam, BĐS tại các tỉnh lân cận như Long An hoặc Đồng Nai ngày càng thu hút sự quan tâm nhờ giá trị gia tăng khi hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng sẽ hoàn thành trong 3 năm tới.
Theo đó, đối với phân khúc nhà phố, biệt thự Tp.HCM đang bị cạnh tranh từ các thị trường vùng ven. Theo đại diện Savills, do nguồn cung mới khan hiếm và lượng hàng tồn kho giá cao, thị trường nhà ở Tp.HCM ngày càng cạnh tranh với các đô thị vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương với quỹ đất lớn và giá cả phải chăng hơn.
Nguồn cung tương lai hơn 16.200 căn từ hai tỉnh này kỳ vọng sẽ đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở và đầu tư của người mua đến từ Tp.HCM. Trong bối cảnh nhà đầu tư hướng đến các cơ hội đầu tư khác với giá thấp và tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Việc cơ sở hạ tầng kết nối thành phố với các tỉnh lân cận ngày càng phát triển và thuận tiện như các dự án đường Vành Đai, hệ thống cầu nối Tp. HCM-Đồng Nai và cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ góp phần thúc đẩy mật độ dân cư ở các đô thị vệ tinh.
Cũng theo báo cáo của đơn vị này, nguồn cung sơ cấp nhà phố, biệt thự Tp.HCM thấp nhất trong 5 năm do số lượng mở bán mới hạn chế và người mua ngày càng thận trọng hơn. Nửa đầu năm 2020, lượng sản phẩm biệt thự/nhà phố, đất nền sơ cấp đã giảm 43% theo năm xuống còn 3.250 căn/nền. Trong đó, đất nền giảm mạnh hơn (giảm 53% theo năm) so với biệt thự/nhà phố (23%). Tổng nguồn cung mới trong 6 tháng đầu năm là hơn 1.900 căn/nền, giảm 58% theo năm.
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, thị trường đón nhận 240 căn biệt thự/nhà phố mới, chỉ bằng 36% so với quý trước khiến nguồn cung sơ cấp giảm 27% theo quý. Đối với đất nền, khoảng 440 lô mở bán làm nguồn cung mới giảm 24% theo quý và nguồn cung sơ cấp giảm 1% theo quý. Các quận phía Đông thống trị thị trường với gần 80% thị phần nhờ các dự án phức hợp quy mô lớn của Khang Điền và Vingroup. Đối với đất nền, Bình Chánh và Củ Chi là hai quận dẫn đầu.
Theo Savills, nguồn cung hạn chế đã đẩy doanh số quý 2/2020 xuống đáy trong 5 năm trở lại đây. Lượng giao dịch biệt thự/nhà phố giảm 34% theo năm; trong đó nhà phố/shophouse được hấp thụ tốt nhất. Đối với đất nền, sự sụt giảm các nhà đầu cơ do Covid-19 đã khiến doanh số giảm 67% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ quý 2 đạt mức trung bình: 50% đối với biệt thự/nhà phố và 43% cho đất nền.
Về mức giá, khoảng 61% dự án đang hoạt động trên thị trường sơ cấp giữ nguyên mức giá theo quý. Tuy nhiên, để kích cầu, chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chương trình chiết khấu và thanh toán chậm.
Theo đơn vị nghiên cứu này, nửa cuối năm 2020 kỳ vọng sẽ sôi động hơn với hơn 3.600 sản phẩm từ các dự án mới và giai đoạn tiếp theo của dự án hiện tại. Đến 2022, phân khúc bất động sản liền thổ sẽ chào đón 12.800 căn/nền.
Các quận phía Đông được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu với hơn 50% nguồn cung tương lai. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp sẽ là động lực thu hút vốn đầu tư vào các đô thị vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An để phát triển các dự án quy mô lớn với đa dạng sản phẩm ở mức giá cạnh tranh hơn.