Thị trường nước ngoài mang về cho FPT trên 40% tổng doanh thu trong 10 tháng
Mặc dù đồng yên “lao dốc”, FPT vẫn thu về gần 6.000 tỷ đồng doanh thu từ thị trường Nhật Bản, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ.
- 24-11-2022Đại diện quỹ Dariu: “Khoảng cách kỹ năng số giữa nông thôn và thành thị ngày càng bị nới rộng”
- 24-11-2022"Vua hàng hiệu" vừa rút lui, "ông lớn" hàng không Đức mở thêm đường bay chuyên chở hàng đến Hà Nội: Đưa thẳng điện thoại, máy tính,... ô tô VinFast đến cửa ngõ châu Âu
- 24-11-2022Hơn 500 cửa hàng Highlands Coffee đổi logo, Founder David Thái: “Chúng tôi không muốn mình chỉ phục vụ cà phê”
Theo thông tin công bố kết quả kinh doanh 10 tháng của Tập đoàn FPT, bất chấp sự "lao dốc" của đồng yên và đồng USD trượt giá, doanh thu từ mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vẫn tăng trưởng 30% so với cùng kỳ và chiếm tới 43,4% tổng doanh thu Tập đoàn công nghệ này, tương đương con số 15.249 tỷ đồng. Khối lượng đơn hàng ký mới cũng tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt mức 18.266 tỷ đồng tương đương tăng trưởng 40,5%.
Biểu đồ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT trong 10 tháng đầu năm (đơn vị: tỷ đồng)
Ba thị trường thế "chân kiềng" của Tập đoàn đều tăng trưởng tốt, cụ thể, thị trường Mỹ tăng 46%, thị trường châu Á Thái Bình Dương (APAC) tăng 46,6% và thị trường Nhật Bản tăng 13%.
Trong đó, đáng chú ý, Nhật Bản - thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT, chống cự khá tốt với sự tụt giá của đồng Yên. Năm 2022, đồng Yên đã mất giá gần 20% so với USD, rớt xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai thập kỷ qua, nhưng doanh thu của FPT tại thị trường này trong 10 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 26,4% theo nguyên tệ và 13% theo Việt Nam đồng, đạt 5.955 tỷ đồng.
Lý giải về khả năng chống đỡ này, đại diện FPT cho hay, trong những tháng gần đây, thị trường Nhật Bản mang về khá nhiều hợp đồng ký mới, cũng như ký lại sau thời gian dài phong tỏa do dịch bệnh Covid-19. Sau gần hai thập kỷ đặt văn phòng tại đất nước mặt trời mọc FPT cũng đã thiết lập được thế mạnh so với các đối thủ cùng ngành, cụ thể là về kinh nghiệm chuyển đổi hệ thống lên các nền tảng mở, đây cũng là một trong những xu hướng nổi bật tại thị trường Nhật Bản hiện nay. Mới đây nhất, Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này cũng đã M&A công ty đứng trong Top 10 công ty tư vấn và dịch vụ chuyển đổi số tại Nhật Bản nhằm tập trung vào hệ thống phần mềm quản lý tài nguyên ERP, phát triển công nghệ low-code cũng như các dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, dựa trên các công nghệ AI, IoT, Big Data, RPA, Smart Factory…
Hiện quân số làm cho các dự án với khách hàng Nhật Bản của FPT khoảng 10.000 người, trong đó có hơn 2.000 nhân sự với 16 quốc tịch làm việc trực tiếp tại Nhật Bản. 52% nhân sự trong số 2.000 người này là các chuyên gia về Consultant, Front PM, Front SE và các công nghệ Cloud, AI, Data, Solution Architech. Điều này cho thấy FPT đang đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này hướng đến mục tiêu Top 20 công ty dịch vụ công nghệ lớn nhất tại Nhật Bản vào năm 2025 và đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ đô la năm 2027.
Bên cạnh tăng trưởng tốt của 3 thị trường trụ cột, thị trường châu Âu của FPT, với chiến lược "mở rộng vùng phủ" và tập trung vào các khách hàng lớn cũng cho thấy nhiều cơ hội mới, đạt tăng trưởng 25,2% so với cùng kỳ. Tháng 9/2022, FPT đã mở văn phòng đầu tiên tại Đan Mạch với mục đích mở rộng cung ứng dịch vụ công nghệ đẳng cấp tới các doanh nghiệp và tổ chức lớn, cũng như giải quyết nhu cầu nhân lực công nghệ cao, đón đầu xu hướng chuyển đổi số tại quốc gia này.
Chính phủ Đan Mạch đã phát động chiến lược chuyển đổi số vào tháng 5 năm 2022 với mục tiêu bứt tốc quá trình chuyển đổi xanh, nuôi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh tăng trưởng và xuất khẩu thông qua ứng dụng công nghệ. Điều này mở ra cơ hội tăng cường đầu tư quốc tế vào các lĩnh vực như AI, công nghệ cho tài chính, robot tự động hóa… Với việc mở văn phòng ở Đan Mạch, FPT đã mở rộng vùng phủ tới 7 quốc gia trong khu vực châu Âu, cung cấp giải pháp dịch vụ cho gần 100 doanh nghiệp lớn như RWE, Schaeffler, Airbus, E.ON, ...
Kết thúc 10 tháng đầu năm, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT đạt lần lượt 35.105 tỷ đồng và 6.456 tỷ đồng, tăng 24,4% và 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 4.550 tỷ đồng và 4.158 đồng, tăng 30,7% và 30%. Với kết quả này, SSI Research dự báo, FPT có thể đạt mức tăng trưởng 22% cho cả doanh thu và LNTT, cao hơn so với con số mà Tập đoàn này công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4 năm 2022. Đồng thời SSI Research cũng dự báo năm 2023, FPT vẫn sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao, với doanh thu dự phóng đạt 51.226 tỷ đồng và LNTT đạt 9.130 tỷ đồng.
Nhịp sống kinh tế