Thị trường nước ngoài tiếp tục là động lực tăng trưởng của FPT trong dài hạn
Xấp xỉ 700 triệu USD doanh thu ký mới trong 9 tháng đầu năm, thị trường nước ngoài tiếp tục là đòn bẩy kéo tăng trưởng của FPT trên hai con số.
Số liệu từ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 vừa được Tập đoàn FPT phát ra cho thấy, công ty công nghệ đầu ngành này vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt của năm 2021 và quý 1, 2 năm 2022. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của FPT tăng trưởng lần lượt 24,1% và 23,8% so với cùng kỳ, tương đương 30.975 tỷ đồng và 5.665 tỷ đồng, tương đương 73% và 74% kế hoạch năm. Doanh thu chuyển đổi số đạt 5.294 tỷ đồng, tăng trưởng 34,1% so với cùng kỳ, khẳng định năng lực cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hiệu quả, toàn diện của Tập đoàn.
Chiếm 44% tổng doanh thu và 40% tổng lợi nhuận trước thuế, thị trường nước ngoài của FPT với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ, tiếp tục là đòn bẩy kéo tăng trưởng chung của toàn Tập đoàn.
Giữ đà tăng trưởng cao ở các thị trường trọng điểm
90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 và 2023. Đơn cử như với Mỹ, Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển kinh tế tháng 9/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo tăng trưởng kinh tế giảm từ 3,9% xuống còn 1,6%. Hay với khu vực đồng Euro, điều chỉnh dự báo giảm từ 3,3% xuống 2,5%, Nhật Bản giảm từ 2,7% xuống 1,4%.
Trái ngược với xu hướng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế trên toàn cầu, hoạt động kinh doanh của FPT tại thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao ở mức xấp xỉ 30% về doanh thu và 28% về lợi nhuận. Trong đó, các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt là thị trường Mỹ - tăng 42,4% và châu Á – Thái Bình Dương - tăng 56,4%. Thị trường Nhật Bản, mặc dù chịu tác động của việc đồng Yên mất giá nhưng vẫn tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.
Cùng với tốc độ tăng trưởng cao, FPT cũng không ngừng mở rộng quy mô hoạt động tại các thị trường trọng điểm. Với việc mở mới văn phòng tại Copenhagen hồi thàng 9/2022, FPT đã tăng cường vùng phủ tới 7 quốc gia tại khu vực Châu Âu với mục đích mở rộng cung ứng dịch vụ công nghệ đẳng cấp tới các doanh nghiệp và tổ chức lớn, cũng như giải quyết nhu cầu nhân lực công nghệ cao. Tại khu vực này, FPT đang có khoảng 100 khách hàng là các doanh nghiệp lớn như RWE, Schaeffler, Airbus, E.ON ….
Mới đây nhất, Tập đoàn này cũng đã đầu tư chiến lược vào LTS, Inc. – Top 20 công ty tư vấn và dịch vụ chuyển đổi số tại Nhật Bản. Khoản đầu tư này giúp FPT tăng năng lực tư vấn các dịch vụ chuyển đổi số toàn diện đến các khách hàng quốc tế, tập trung vào thị trường Nhật Bản và Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời, mở rộng tập khách hàng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất, bán lẻ, xây dựng…
Gia tăng các dự án triệu USD từ nước ngoài
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của FPT tại thị trường nước ngoài là nhờ gia tăng các dự án/khách hàng quy mô triệu USD. Số liệu từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của FPT cho thấy, doanh thu ký mới của mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài tăng 42,6%, đạt 16.799 tỷ đồng (xấp xỉ 700 triệu USD). Trong đó, các khách hàng và dự án có quy mô doanh số triệu USD tăng mạnh và tập trung chủ yếu tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Cụ thể số lượng khách hàng mang về doanh số trên 1 triệu USD cho FPT tăng 21,1%, đạt 115 khách hàng. Số lượng dự án có giá trị từ 1- 5 triệu USD tăng mạnh so với cùng kỳ, 45,2%, đạt 106 dự án. Số dự án có giá trị trên 5 triệu USD cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ, đạt 18 dự án.
Những dự án này phần lớn thuộc lĩnh vực tự động hóa và sản xuất, ngân hàng tài chính, y tế và năng lượng. Trong đó có dự án với khách hàng trong lĩnh vực y tế tại thị trường Mỹ, quy mô lên tới 10 triệu USD.
Bên cạnh những dự án đã được ký kết, "room" tăng trưởng của FPT nói riêng và các công ty CNTT Việt tại thị trường nước ngoài còn rất lớn, khi The Business Research Company dự báo, thị trường CNTT toàn cầu sẽ đạt quy mô 13.092 tỷ USD vào năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép là 8,8%. Còn riêng với thị trường chuyển đổi số toàn cầu, theo dự báo mới nhất của ResearchandMarkets, quy mô thị trường này sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2022 - 2027 sẽ đạt con số 21,1%, tương đương với việc tăng trưởng từ 595 tỷ USD trong năm 2022 lên 1.549 tỷ USD vào năm 2027.
Mới đây nhất, tại sự kiện "Giải pháp Bán lẻ trên Internet, Chuyển đổi số và Hợp tác thống nhất" tại Anh quốc, đã có 86 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Anh bày tỏ mong muốn hợp tác với FPT để triển khai các giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, bắt kịp các xu hướng và yêu cầu phát triển của lĩnh vực bán lẻ trong thời đại số.
Nhịp sống kinh tế