MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường phân bón 'té nước theo mưa' khi áp thuế tự vệ

29-08-2017 - 13:46 PM | Thị trường

Sau khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ cho phân DAP và MAP với thuế suất trên 1,8 triệu/tấn kể từ ngày 19/8, nhưng trước và sau ngày có hiệu lực, không chỉ 2 loại phân trên tăng giá mà còn có phân Kali, Urê cũng "té nước theo mưa".

Theo ghi nhận chúng tôi tại Chợ phân bón Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM), phân Urê (còn gọi phân đạm) sản xuất trong nước gồm đạm Cà Mau (hạt đục), đạm Phú Mỹ (hạt trong); ngoài ra còn có Urê hạt đục nhập khẩu của Ả Rập, Trung Quốc, Mã Lai và Indonesia với mức giá nội và ngoại tương đương nhau, bình quân cách đây 1 tuần có 5.950 đồng/kg, nay các nhà phân phối tăng lên 6.150 đồng/kg, tức tăng 150-200 đồng/kg.

Đáng nói, Urê Trung Quốc trên bao bì in hình "trái táo" (hạt đục) được các doanh nghiệp sản xuất NPK trộn ưa chuộng nhờ hạt to giống Urê Cà Mau do ưu điểm chậm tan lại tăng mạnh đến 300 đồng/kg.

Không chỉ Urê mà phân Kali cũng tăng theo. Mặt hàng Kali trên thị trường có hai loại bột và hạt (miểng), nhập khẩu hoàn toàn của nước ngoài do trong nước chưa sản xuất được từ nguồn gốc Ukraine, Belarus (miểng); Israel, Lào (miểng và bột), Chi Lê (bột)...

Chênh lệch giá giữa Kali bột và miểng vào khoảng 1 triệu đồng. Cách đây 10 ngày, giá Kali miểng được ghi nhận 6.800 đồng/kg, nay tăng lên 7.100 đồng (tức tăng 300 đồng/kg).


Kali miếng và Kali bột

Kali miếng và Kali bột

Trong sản xuất phân NPK trộn, các doanh nghiệp chỉ sử dụng kali miểng; trái lại trong sản xuất NPK một hạt bằng công nghệ hơi nước, urê hóa lỏng hoặc công nghệ ép viên thì sử dụng nguyên liệu Kali bột.

Theo ông Trần Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Phân bón Hà Lan (KCN Tân Kim, Long An), trong SX phân NPK trộn, sở dĩ người ta không sử dụng Urê hạt trong của Đạm Phú Mỹ là do hạt mịn nhanh tan. Thông thường, mức giá chênh lệch giữa hạt trong và hạt đục vào khoảng 100 - 200 đồng/kg. Hơn nữa, trong khi khu vực ĐBSCL bà con nông dân đang có tập quán sử dụng cả hạt đục và hạt trong (Trung Quốc, Đạm Cà Mau) làm phân đơn khá nhiều thì vùng Tây Nguyên lại ưa sử dụng Urê hạt trong hơn do đặc tính tan nhanh.

"Hiện nay, giá phân đơn mà nông dân thường sử dụng gần như tăng đồng loạt, ban đầu là phân DAP, MAP nhập khẩu tăng đến 1,9 - 2 triệu đồng/tấn, sau đó là Urê, Kali. Đây cũng là nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón NPK nên dẫn tới giá thành các loại sản phẩm NPK bắt buộc phải tăng giá theo. Chẳng hạn, trên thị trường phân NPK 20-20-15 là loại sản phẩm được bà con nông dân sử dụng phổ biến đã tăng từ 30 - 40 ngàn đồng/bao (50 kg), tức tăng khoảng 600 - 800 ngàn đồng/tấn. Việc tăng này buộc doanh nghiệp phải đưa vào giá thành sản xuất nên cuối cùng người nông dân lãnh đủ", ông Dũng nói.


Phân Urê Mã Lai nhập khẩu hạt đục

Phân Urê Mã Lai nhập khẩu hạt đục

Hiện nay, vùng ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu, trong khi vụ 3 do lũ lên sớm nên chưa thể sản xuất được. Mặt khác, vùng Tây Nguyên cũng đã dứt điểm xuống đợt phân cuối cho cây cà phê đến tháng 12 các doanh nghiệp mới cung cấp phân bón trở lại. Vì thế, bà con nông dân nói chung chưa có nhu cầu sử dụng phân bón nhiều, trong khi giá phân bón được cho đã tăng cao thì không hiểu 1 - 2 tháng tới khi vào vụ sản xuất, thị trường phân bón sẽ biến động như thế nào?

"Thuế suất chỉ áp dụng tự vệ cho 2 mặt hàng DAP và MAP nhập khẩu, thay vì DAP sản xuất trong nước của Đình Vũ và Lào Cai giá cả phải ổn định, nhưng hiện nay cũng tăng bình quân từ 8.300 đồng/kg lên 9.300 đồng, tức 1 tấn tăng 1 triệu đồng, thậm chí không có hàng. Trong khi đó, DAP hầu hết là được nông dân sử dụng như một loại phân đơn rất quan trọng bón hầu hết cho các loại cây trồng", ông Trần Văn Châu, TGĐ Cty TNHH XNK Phân bón Châu Âu


Hiện nay các nhà máy chưa giao hàng phân bón nhiều do ĐBSCL chưa vào vụ

Hiện nay các nhà máy chưa giao hàng phân bón nhiều do ĐBSCL chưa vào vụ

Đ.Quyên

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên