MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường phân bón thế giới hiện nay ra sao?

03-11-2020 - 08:30 AM | Thị trường

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường phân bón theo một cách riêng. Đó là giá mỗi loại phân bón và ở mỗi thị trường có diễn biến khác biệt, do sự biến động tỷ giá tiền tệ và tác động của dịch bệnh cũng như thời tiết khác nhau đối với nền kinh tế.

Giá hai loại phân DAP (diammonium phosphate) và urea tăng nhanh trong 2 tháng đầu năm 2020, sau đó biến động cực mạnh cho đến gần giữa năm 2020. Kể từ đó, giá DAP tiếp tục tăng nhanh cho đến nay, còn urea tiếp tục biến động mạnh dù cũng theo hướng hồi phục, phản ánh nhu cầu tăng và chi phí đầu vào đắt đỏ hơn (giá khí gas và lưu huỳnh (sulfur) tăng, chi phí vận chuyển và chi phí lao động tăng do dịch Covid-19).

Riêng giá UAN có sự biến động đáng kể theo chiều hướng tăng trong giai đoạn mới bùng nổ dịch Covid-19, nhưng từ đó đến nay có xu hướng giảm.

Thị trường phân bón thế giới hiện nay ra sao? - Ảnh 1.

Trái với các loại trên, giá potash (MOP - kali) liên tục giảm. Nhiều nước nông nghiệp trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 – dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp cũng như sức mua của người tiêu dùng.

Thị trường phân bón thế giới hiện nay ra sao? - Ảnh 2.

Chỉ số giá phân bón trung bình toàn cầu do Ngân hàng thế giới (WB) công bố (tổng hợp từ các nguồn: Bloomberg; FAO, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, WB) đã tăng 7% trong quý III/2020. Đây là quý tăng đầu tiên sau 6 quý giảm trước đó.

Tại Brazil, đồng real giảm giá giúp cho giá phân bón nhập khẩu trở nên rẻ hơn, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Nhập khẩu kali của Brazil trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 7,3 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu MAP đạt 3,1 triệu tấn (tăng 28%).

Trong khi đó, điều điện trồng trọt thuận lợi ở Australia, Ấn Độ và Bắc Mỹ là nguyên nhân chính đẩy nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng ở những thị trường này.

Giá MAP (Monoammonium phosphate) và DAP (diammonium phosphate) tăng trên toàn thế giới do nguồn cung thiếu hụt, trong khi nhu cầu tai Đông Nam Á dự báo tiếp tục mạnh.

Giá DAP tăng 23% trong quý III/2020, sau khi sự gián đoạn sản xuất ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) bị gián đoạn do dịch Covid-19 bùng phất (Hồ Bắc chiếm hơn ¼ công suất sản xuất DAP của Trung Quốc), giữa bối cảnh nhu cầu mạnh từ các khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm và thời tiết thuận lợi.

Tại Mỹ, nhập khẩu phân bón từ cuối tháng 5/2020 đến tháng 7 đã giảm 57%, tạo nên "cú sốc" về nguồn cung và đẩy giá nội địa ở Mỹ tăng vọt.

Việc hãng phân bón Mosaic – trụ sở ở Florida – hãng sản xuất phân phosphates lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Florida – hồi tháng 6/2020 đã kiến nghị lên Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ yêu cầu đánh thuế nhập khẩu phân phosphate từ Maroc và Nga với lý do hai nước này trợ cấp cho phân DAP – đã và đang đẩy giá phân bón ở Mỹ lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ vào giữa tháng 10/2020, bởi hai quốc gia này là nguồn cung cấp phân bón lớn nhất cho Mỹ trong niên vụ vừa qua.

Giá phân DAP tại vùng Trung Tây nước Mỹ đã tăng 29% trong quý III/2020, nhiều chưa từng thấy trong một thập kỷ qua. Thậm chí, giá phân có hàm lượng phosphate ít hơn còn tăng tới 34%. Hai chế phẩm phân bón này chiếm phần lớn phân phosphate mà nông dân Mỹ thường sử dụng.

Thị trường phân bón thế giới hiện nay ra sao? - Ảnh 3.

Năm 2019, Mỹ đã nhập khẩu hơn 2 triệu tấn phân phosphate từ Maroc, trị giá 729,4 triệu USD, và nhập khẩu hơn 767.000 tấn, trị giá 299,4 triệu USD từ Nga. Hãng sản xuất phân bón lớn nhất của Nga, PhosAgro PJSC, mới đây cho biết đã dừng xuất khẩu sang Mỹ để phục vụ công tác điều tra, và đang chuyển hướng xuất khẩu sang Canada, Nga.

Thị trường phân bón thế giới hiện nay ra sao? - Ảnh 4.

Một số chuyên gia nhận định, việc Mỹ giảm nhập khẩu phân phosphate từ Maroc và Nga sẽ là cơ hội để phân bón Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang thị trường này (Trung Quốc là nước sản xuất phân phosphate thành phầm lớn nhất thế giới).

Sau khi chạm mức thấp nhất gần 3 năm vào tháng 5/2020, giá phân urea (đạm) đã tăng gần 12% trong quý III/2020 và tiếp tục tăng trong tháng 10/2020, do giá một số loại năng lượng tăng gấp đôi trong cùng thời điểm đó.

Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất than chủ chốt hồi tháng 4/2020 đã kêu gọi cắt giảm sản lượng than để đẩy giá tăng trên thị trường nội địa. Và giá các loại than antraxit và bitum, những nguyên liệu chính trong sản xuất urea ở Trung Quốc – mấy tháng gần đây đã tăng lên.

Giá MOP (muriate of potash, or potassium chloride) tiếp tục giảm hơn 8% trong quý III/2020, sau khi đã giảm trong suốt 6 tháng đầu năm. Xu hướng giảm thực sự đã có từ năm 2019 do cung vượt cầu. Theo đó, giá MOP f.o.b Vancouver – tham chiếu cho thị trường MOP – đã chạm mức thấp nhất 13 năm vào tháng 6/2020. Sự kiện công nhân của Belaruskali - nhà sản xuất kali lớn thứ hai thế giới đình công và thiếu chắc chắn về nguồn cung nguyên liệu cũng không thể vực giá đi lên.

Trong khi đại dịch tắc nghẽn giao thông ở Trung Quốc và giá dầu cọ giảm dẫn đến giảm sử dụng phân bón ở Đông Nam Á, điều kiện phát triển thuận lợi đã hỗ trợ nhu cầu ở Brazil, Ấn Độ và Bắc Mỹ. Giá kali dự kiến ​​sẽ tăng 4% vào năm 2021 khi nhu cầu toàn cầu phục hồi, đặc biệt là ở Trung Quốc, sau khi dự kiến ​​giảm 14% vào năm 2020. Trong khi đó, về nhu cầu, đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc phải phong tỏa trong nhiều tháng, và giá dầu cọ thế giới giảm khiến nhu cầu sử dụng MOP ở Đông Nam Á sụt giảm.

Mặc dù tăng trong nay, song nhìn chung giá phân bón thế giới hiện vẫn rẻ hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái: Gía UAN28 rẻ hơn 17%, UAN32 rẻ hơn 13%, kali rẻ hơn 12%, urea rẻ hơn 11%, DAP rẻ hơn 8% và MAP rẻ hơn 3% so với cuối năm 2019.

Ở Việt Nam, theo Vinachem, tại khu vực ĐBSCL, sau một thời gian bình ổn ở mức thấp, giá nhiều loại phân bón như: Urê, DAP, NPK… từ đầu tháng 9/2020 tăng nhẹ do giá phân nhập khẩu tăng và một số nguyên liệu và chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón gần đây cũng tăng, mặc dù nguồn cung khá dồi dào trong khi nhu cầu ở mức cừa phải. Theo đó, giá bán lẻ các loại urea sản xuất trong nước (đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau, đạm Ninh Bình...) và nhiều loại urea nhập khẩu từ các nước (Trung Quốc, Malaysia...) lên mức từ 320.000-350.000 đồng/bao; giá DAP Cà Mau, DAP Phú Mỹ, DAP Ðình Vũ và nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ ở mức từ 560.000-630.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật có giá 445.000-450.000 đồng/bao, còn NPK 20-20-15 Ðầu Trâu ở mức 595.000-600.000 đồng/bao. Phân bón Kali (Israel, Canada, Nga) có giá khoảng 370.000-380.000 đồng/bao… Mặc dù vậy, giá phân bón tại Việt Nam nhiều loại hiện vẫn ở mức khá thấp so với cùng kỳ năm ngoái.

Về triển vọng thị trường phân bón, WB trong báo cáo tháng 10/2020 dự báo giá nhóm hàng này trung bình năm 2020 sẽ giảm khoảng 10% so với năm 2019, và năm 2021 sẽ tăng nhẹ khoảng 3%, khi nguồn cung có thể bị gian đoạn, nhất là việc khan hiếm lao động do làn sóng Covid-19 thứ 2. Giá urea dự báo sẽ giảm trung bình 6% trong năm 2020 so với 2019, và sẽ tăng khoảng 3% trong năm 2021.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên