Thị trường quà tặng thiếu nhi 1/6: Sức mua giảm sâu
Hôm nay, ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), khác với vẻ nhộn nhịp các năm trước, thị trường đồ chơi trẻ em dịp Quốc tế Thiếu nhi năm nay ế ẩm, đìu hiu, các chủ cửa hàng đợi khách trên các tuyến đường.
- 17-04-2021Slime - thứ đồ chơi "ma quái" đang tạo ra cơn sốt: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ ngộ độc
- 09-04-2021Cựu nhân viên Apple hé lộ sở thích kỳ lạ của Steve Jobs: Tắt iPhone và trốn đi chơi "đồ hàng" cùng Jony Ive
Trên các tuyến đường bán đồ chơi trẻ em tại như phố Lương Văn Can, Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà sách đầy màu sắc, dễ dàng nhận thấy vắng vẻ, đìu hiu, khác hẳn với sự nhộn nhịp hàng năm vào dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Bà Ngô Thị Phượng, chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết, thường các năm trước, từ ngày 25/5 đã có khách đến rục rịch đến mua quà cho các cháu, còn năm nay thì vắng hẳn, thậm chí trong ngày 31/5 chỉ có 3 khách ghé cửa hàng, doanh thu chưa nổi 200.000 đồng.
“Năm nay có nhiều mặt hàng mới như búp bê, xe tăng ghép hình,… nhưng bán chậm lắm, nhiều nhà không muốn cho con ra đường, cũng không muốn mua đồ về cho con chơi. Năm ngoái tuy cũng bị dịch Covid nhưng vẫn bán được, năm nay không bán được. Đường phố vắng vẻ, nhìn được từ đầu phố đến cuối phố, mọi năm không bao giờ thấy cả”, bà Ngô Thị Phượng chia sẻ.
Không chỉ cửa hàng của bà Phượng mà còn là tình trạng chung của đa số các chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em thời điểm này. Hầu hết các cửa hàng đều vắng bóng khách, thậm chí có cửa hàng đã phải tạm đóng cửa trước tình hình kinh doanh ảm đạm, lượng khách giảm 30 - 40%. Theo các chủ cửa hàng kinh doanh, những mặt hàng đồ chơi trẻ em như diều, ôtô, đồ chơi siêu nhân, búp bê đều không tăng giá so với năm ngoái nhưng vẫn ế ẩm. Giá thành có phần "mềm” hơn so với các năm trước, dao động từ 50.000 - 200.000 đồng/sản phẩm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều gia đình có xu hướng mua đồ chơi để có thể nhiều thành viên trong gia đình cùng tham gia.
“Vừa rồi bố mẹ mua bi-a với cả cờ để chơi với con cho con đỡ xem TV. Sắp tới lễ thiếu nhi mà vắng lắm. Dính dịch nên hàng bán chậm, giá cả thì vẫn thế kể cả khi vào vụ cũng không bao giờ đắt hơn”, chị Hoàng Thúy Ly, bán hàng ở phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng cho hay.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thời tiết nắng nóng gay gắt, nên đa số người tiêu dùng ưu tiên chọn mua hàng qua mạng. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều nhà sách tung ra nhiều chương trình khuyến mại khuyến khích khách hàng mua online trên trang fanpage hoặc liên hệ theo số hotline, miễn phí gói quà, miễn phí vận chuyển để đảm bảo phòng tránh dịch Covid-19. Theo đó, các loại đồ chơi thông minh, lắp ghép như xe ô tô điều khiển từ xa, robot lắp ghép, xếp hình lego nhập khẩu là những mặt hàng bán chạy thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, do trẻ em được nghỉ hè sớm hơn so với năm ngoái, nhiều gia đình lựa chọn mua những sản phẩm đồ chơi thông minh, sản phẩm phát triển kỹ năng, sách, truyện... giá cả của những sản phẩm này dao động từ 300.000 đồng đến hàng triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Linh chia sẻ lựa chọn những loại đồ chơi thu hút trẻ nhỏ để tránh phụ thuộc hoàn toàn xem clip, hoạt hình trên mạng internet: “Ngày 1/6 thì mình mua cho con những món đồ mà con thích nhưng sẽ thiên về những sản phẩm có tính giáo dục, bởi năm nay con đã 4 tuổi cần sẽ thiên về giáo dục nhiều hơn. Tình hình phức tạp nên mình ưu tiên mua hàng qua mạng”.
Sự phát triển và an toàn của trẻ em luôn là điều được ưu tiên hàng đầu trong mỗi gia đình. Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ những mặt hàng có chứng nhận hợp quy và được công bố hợp quy theo quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo không có những chất độc hại, không có các chi tiết sắc nhọn và đảm bảo độ bền chắc để không gây tổn thương cho trẻ em.
VOV