MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường sau Tết: Giá cả đang trở về đúng “quỹ đạo”

06-02-2017 - 15:59 PM | Thị trường

Chưa năm nào ra Tết, nhiều mặt hàng kinh doanh đầu năm rơi vào trạng thái ế ẩm như năm nay. Nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang, giày dép, mỹ phẩm, đồ da… vẫn tiếp tục áp dụng chương trình “xả hàng”, “xả kho” cuối năm nhưng sức mua rất chậm.

Khác với mọi năm, giá cả có xu hướng tăng do lượng cung giảm sau tết trong khi lượng cầu vẫn duy trì ở mức cao, thì năm nay tình hình đảo ngược - lượng cung đảm bảo trong khi lượng cầu duy trì ở mức thấp. Vì vậy, mặc dù các cửa hàng vẫn ra sức khuyến mãi thì các điểm kinh doanh cũng không vì thế mà hút khách, trái lại vẫn trong cảng “chợ chiều”.

Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng trong tình trạng tương tự. Mặc dù nhiều tiểu thương, thương nhân mở hàng từ ngày mùng 2, 4, 6 và mùng 8 tháng Giêng nhưng với đúng tinh thần mở hàng lấy ngày vì rất ít khách mua. Mặc dù ngay từ mùng 2 Tết lượng rau, củ, quả về chợ chưa nhiều như dịp trước Tết, nhưng sức mua vẫn duy trì ở mức thấp. Điều đáng nói năm nay, khí hậu thời tiết nắng nồm nên các loại rau, củ, hoa, quả phát triển thuận lợi, giá ổn định so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Giá thịt lợn, thịt bò, thịt gà và kể cả các loại tôm, cua, cá vẫn không đắt hơn so với thời điểm trước tết.

Lý giải về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Tươi - tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ đầu mối phía Nam TP.Hà Nội chia sẻ: Giá thịt lợn hơi vẫn duy trì ở mức thấp chỉ khoảng 30.000 đ/kg đến chưa đến 40.000đ/kg vì vậy giá thịt lợn năm nay không tăng như mọi năm. Có thể nói năm nay, sức mua của người dân giảm cùng với việc điều tiết giá của cơ quan quản lý tương đối tốt vì vậy không có tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến. Mấy ngày nữa, tiểu thương đi chợ đầy đủ, lượng cung dồi dào có thể giá tiếp tục giảm theo xu hướng chung.

Sức mua tại các chợ truyền thống thấp, tiểu thương đi chợ chưa nhiều mặc dù đã hết ngày mùng 9 tháng Giêng nhưng ngay kể cả các điểm kinh doanh của các TCty hay các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn lượng khách mua hàng ít chủ yếu là khách đến tham quan và vui chơi. Các siêu thị Big C, Vinmart, Metro, Fivimart, Intimex… mặc dù đã mở cửa từ ngày mùng 3, mùng 4 và lượng hàng cung ứng cũng đầy các sạp, kệ nhưng lượng khách đến mua không đạt được như thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Một chuyên gia về thương mại của ngành Công Thương cũng đưa ra nhận định: Năm nay, giá các mặt hàng sớm về đúng “quỹ đạo” so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2 tuần và có phần giảm hơn so với thời điểm cận Tết Nguyên đán - đây có thể là tín hiệu đáng mừng cho người tiêu dùng, nhưng lại là tín hiệu không tốt cho thị trường hàng hóa vì đơn giản kèm theo đó là cầu duy trì ở mức thấp, dẫn tới giảm phát, trong khi đó, lượng cung vẫn dồi dào.

Theo Đỗ Phong

Lao động

Trở lên trên