Thị trường sữa ra sao sau 3 tháng thuế giảm về 0%?
Giá sữa trong nước 3 tháng đầu năm 2018 không biến động, giá không đổi mặc dù kể từ 1/1/2018 có thêm hàng ngàn dòng thuế từ Liên minh Kinh tế Á-Âu, ASEAN được điều chỉnh về 0%.
- 13-03-2018Vào CPTPP, người Việt sẽ được mua sữa ngoại giá rẻ?
- 09-02-2018Giá sữa thế giới tăng mạnh
- 26-01-2018Sản xuất cung vượt quá cầu, châu Âu dư hàng trăm nghìn tấn sữa bột
Sau 3 tháng hàng ngàn dòng thuế từ Liên minh Kinh tế Á-Âu, ASEAN có hiệu lực, giá sữa trong nước không biến động, thay vì tăng giá sau Tết như những năm trước thì năm nay giá sữa không đổi. Tuy các hãng sữa không giảm giá gốc, nhưng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, với các hình thức ghi hình khuyến mãi trên bao bì (ví dụ: mua 2 lốc tặng 1 hộp), với các chương trình này người tiêu dùng được hưởng lợi.
Giá thu mua sữa tươi của các doanh nghiệp, nhà máy từ người chăn nuôi ổn định, đạt quanh mức 11.000 – 12.000 đồng/lít. Tuy nhiên giá bán các loại của thương hiệu trên thị trường đã có sự khác biệt. Ngoài các chương trình khuyến mãi, trong ba nhãn hàng sữa đang được đưa vào chương trình sữa học đường gồm Vinamilk, TH True Milk, Nutifood thì sữa tươi TH True Milk có giá cao nhất. Cụ thể, sữa tươi TH True Milk, được các nhà sản xuất giới thiệu nguyên chất, có đường, ít đường và các loại sữa hương vị dâu, socola, với hộp 180ml đồng giá bán 31.000 đồng/1 lốc 4 hộp, trong khi đó giá bán của sữa tươi Vinamilk chỉ có 28.000 đồng/1 lốc 4 hộp, thấp hơn 9,6%.
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, tình sản xuất của các doanh nghiệp ngành sữa thuận lợi và sản lượng tăng ở cả phân khúc sữa tươi và sữa bột. Cụ thể, sản lượng sữa tươi tháng 3 đạt 129,2 triệu lít, tăng 19,8% và sữa bột đạt 14,1 nghìn tấn, tăng 45,3% so với tháng 2/2018, nâng sản lượng sữa tươi và sữa bột quý 1/2018 đạt lần lượt 340,2 triệu lít và 36,7 nghìn tấn, tương ứng giảm 0,4% và tăng 26,9% so với quý 1/2017.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tình hình nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa quý 1/2018 tăng 6,1% so với cùng kỳ 2017 đạt 228 triệu USD, tính riêng tháng 3 nhập khẩu sữa tăng mạnh gấp hơn gần 2 lần so với tháng 2/2018.
Mặc dù mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa giảm về 0%, nhưng nhập khẩu sữa của Việt Nam từ các thị trường như New Zealand, Australia lại giảm mạnh, trong khi nhập từ Mỹ chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, hai tháng đầu năm 2018,Việt Nam nhập từ New Zealand chiếm 32,3% tổng kim ngạch - đây cũng là thị trường nhập chủ lực đạt 41,3 triệu USD, giảm 12,66%. Nhập từ Australia chiếm 1,8% với 2,3 triệu USD, giảm 78,3% là thị trường giảm mạnh nhất. Còn đối với thị trường Mỹ đạt 17,5 triệu USD, chiếm 13,7% tổng kim ngạch, tăng nhẹ 2,99% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 2 tháng thuế giảm nhập về 0%, sữa và sản phẩm sữa có xuất xứ từ những thị trường được dự đoán tăng mạnh nhưng ngược lại giảm cho đến tăng nhẹ.
Dự báo sang tháng 4/2018 sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam, ngoài yếu tố Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Việt Nam cùng 10 nước thành viên đã chính thức ký ngày 9/3/2018, còn bởi ngành sữa tại Việt Nam quá hấp dẫn về tiềm năng, với thị trường trên 90 triệu người và tốc độ tăng dân số cao, khoảng 1,2%/năm. Điều này gây sức ép lên các doanh nghiệp ngành sữa trong nước.
Thế giới, quý 1/2018 giá sữa biến động với 2 lần tăng và 3 lần giảm, tổng cộng tăng 10,8% và giảm 2,3%. Trong phiên giao dịch trên Sàn thương mại sữa toàn cầu cuối tháng 3 (20/3), giá sữa giảm 1,2% xuống mức 3.632 USD/tấn – đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Giá bình quân quý 1/2018 đạt 3472,5 USD/tấn.
Trong quý 1/2018 giá các sản phẩm từ sữa biến động. Cụ thể, giá bơ 82% chất béo tăng 6,07% so với tháng 2 đạt 5.350 USD/tấn, giá bình quân trong quý đạt 5.048 USD/tấn, tăng 10,19% so với cùng kỳ; Sữa bột nguyên kem tăng 4,64% so với tháng 2 đạt 3.244 USD/tấn, giá bình quân trong quý đạt 3.094 USD/tấn, giảm 2,54%.
Diễn biến giá sữa trên thị trường thế giới quý 1/2018
Thời gian tới giá sữa nước thu mua tại cổng trại sẽ tương đối ổn định, ít nhất tới cuối mùa hè, giá trong khoảng 15,75-16 USD/lb, dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Theo Fonterra Tập đoàn sữa lớn nhất trên thế giới cho biết, trong quý 1/2018 sản lượng bơ 82%, phomat Cheddar, sữa bột nguyên kem tăng so với cùng kỳ năm 2017, tăng lần lượt 32,9%; 11,5% và 33,1%, đạt tương ứng 9,6 triệu tấn; 6,1 triệu tấn và 27,1 triệu tấn. Ngược lại, lactose, sữa bột tách kem và bơ sữa bột giảm, trong đó bơ sữa bột giảm mạnh nhất 100%, kế đến là lactose 42,9% với 1,3 triệu tấn và sữa bột tách kem 18,7% xuống 64,5 triệu tấn.
Cũng theo Fonterra, dự báo trong phiên đấu giá tới đây (ngày 3/4) sản lượng sữa bột tách kem tăng 5% đạt 8.230 tấn; sữa bột nguyên kem không đổi đạt 3.130 tấn; bơ 82% tăng 50% đạt 1.425 tấn; phomat Cheddar giảm 18,2% xuống 540 tấn; bơ sữa bột không đổi 570 tấn.