MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tài chính đang như tàu lượn siêu tốc: USD cao nhất 2,5 tuần, Bitcoin tăng mạnh, vàng lao dốc

27-01-2022 - 07:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường tài chính đang như tàu lượn siêu tốc: USD cao nhất 2,5 tuần, Bitcoin tăng mạnh, vàng lao dốc

USD tiến sát mức cao nhất 2,5 tuần khi các nhà đầu tư tin chắc các nhà hoạt định chính sách Mỹ sẽ thông báo kế hoạch sẵn sàng bước vào chu kỳ tăng lãi suất.

Thị trường tiền tệ tuần này đã như đi trên "tàu lượn siêu tốc" do sự kết hợp của thái độ ‘diều hâu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tốc độ tăng trưởng chậm lại, khiến các nhà đầu tư lo lắng, nhiều người bán tháo cổ phiếu công nghệ để tìm kiếm cácnơi trú ẩn an toàn như đồng USD.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – đã chạm mức cao nhất trong vòng 2,5 tuần vào ngày thứ Ba (25/1), là 96,3, sau đó giảm nhẹ lúc kết thúc cùng phiên.

Trong phiên giao dịch tương đối yên tĩnh suốt ngày thứ Tư (26/1), Dollar index quanh quẩn ở mức 96,057, trong khi chứng khoán Phố Wall tăng hơn 1%, cho thấy một sự khởi đầu trở lại mạnh mẽ trên Phố Wall.

USD cao nhất 2,5 tuần, Bitcoin tăng mạnh, vàng lao dốc - Ảnh 1.

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.

Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Western Union Business Solutions ở Washington, cho biết: "Việc Fed cố gắng xoa dịu và trấn an các thị trường đang vô cùng hoang mang bằng triển vọng tăng lãi suất một cách trật tự có thể ảnh hưởng đến đồng bạc xanh", còn nếu "Fed giảm bớt lo ngại về lạm phát sẽ tạo ra tín hiệu ‘diều hâu’ hơn và sẽ thúc đẩy USD mạnh lên".

Tuy nhiên, theo chiến lược gia Ebrahim Rahbari của Citibank, sự "thèm khát" của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu và tiền tệ của các thị trường mới nổi đang tác động lên đồng USD mạnh hơn so với lộ trình tăng lãi suất dự kiến của Fed. Các nhà giao dịch cũng rất quan tâm đến thông tin chi tiết về kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán gần 9 nghìn tỷ USD của ngân hàng trung ương Mỹ - quá trình được gọi là thắt chặt định lượng (QT).

"Tâm lý thị trường vẫn còn mong manh", các chiến lược gia của TD Securities cho biết, và thêm rằng "bất kỳ tín hiệu nào" liên quan đến sự khởi đầu QT "sớm hơn" hoặc "nhanh hơn" đều có thể gây biến động cho thị trường", ông Rahbari cho biết.

Đồng euro lúc kết thúc ngày 26/1 theo giờ Việt Nam giảm 0,11% xuống 1,1287 USD, trước đó có lúc xuống chỉ 1,12640 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 21 tháng 12.

So với đồng franc Thụy Sĩ, đồng euro ổn định ở mức 1,0379 franc mỗi euro, không xa so với mức thấp nhất kể từ giữa năm 2015 là 1,03 franc chạm tới vào thứ Hai (24/1).

Ông Manimbo cho biết chính sách tiền tệ là một "điểm nhức nhối" đối với đồng euro, do Ngân hàng Trung ương châu Âu đã hạ thấp triển vọng tăng lãi suất trong năm nay, khiến điều đó trở thành "chất xúc tác" chính gây ra mức giảm giá khoảng 4,5% của đồng euro so với USD trong 6 tháng qua.

Rouble Nga giảm xuống mức thấp nhất gần 15 tháng, vượt qua ngưỡng 80 rouble so với USD do căng thẳng về Ukraine leo thang khiến các quốc gia phương Tây dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề chống lại Moscow.

USD cao nhất 2,5 tuần, Bitcoin tăng mạnh, vàng lao dốc - Ảnh 2.

Các khoản đặt cược ròng USD dài hạn của nhà đầu cơ đang ở mức cao nhất kể từ trước đại dịch

Thị trường tiền tệ Châu Á ngày 26/1 chật vật vì thiếu phương hướng trong sự chờ đợi kết quả họp của Fed.

Ringgit của Malaysia, Rupiah của Indonesia và đô la Singapore đều không thay đổi trong phiên giao dịch này.

Tài khoản vãng lai cân bằng, áp lực lạm phát giảm nhiều và tỷ giá nhân dân tệ so với các tiền tệ trong khu vực tương đối ổn định đã giúp đảm bảo cho hầu hết các ngân hàng trung ương Châu Á không bị áp lực theo đuổi việc tăng lãi suất mạnh mẽ như các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, việc Fed thắt chặt tiền tệ đang gây áp lực buộc một số ngân hàng trung ương ở châu Á phải làm theo, có khả năng làm tổn thương thị trường chứng khoán của những nước này, tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 2013 khi ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu giảm bớt các biện pháp kích thích sau khủng hoảng tài chính.

Frances Cheung, chiến lược gia về lãi suất của Ngân hàng OCBC cho biết: "Các động thái gần đây của ngân hàng trung ương ở châu Á cho thấy họ có thể đã chuẩn bị cho tình huống Fed có thái độ ‘hiếu chiến’ hơn so với dự kiến ​", "Việc họ (các ngân hàng trung ương châu Á) chủ động sẽ tạo cho họ có thể linh hoạt để nhanh chóng thực hiện các lộ trình thắt chặt của riêng mình trong trường hợp Fed bất ngờ có động thái tăng lãi suất".

Hôm thứ Ba (25/1), ngân hàng trung ương Singapore đã bất ngờ thông báo thắt chặt chính sách tiền tệ do nguy cơ lạm phát gia tăng. Cụ thể, Cơ quan Tiền tệ Singapore thông báo điều tiết chính sách tiền tệ dựa trên các biện pháp điều chỉnh tỷ giá hối đoái thay vì điều chỉnh lãi suất. Theo đó, giá trị của đồng SGD được điều chỉnh tăng hoặc giảm so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính trong một biên độ không được tiết lộ.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, giao dịch trên ngưỡng 37.000 USD trong gần suốt ngày 26/1.

USD cao nhất 2,5 tuần, Bitcoin tăng mạnh, vàng lao dốc - Ảnh 3.

Diễn biến Bitcoin ngày 26/1.

Giá vàng quay đầu giảm do USD mạnh lên. Theo đó, vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 26/1 theo giờ Việt Nam giảm 0,9% xuống 1.831,70 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 1% xuống 1.833,50 USD.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

https://cafef.vn/thi-truong-tai-chinh-dang-nhu-tau-luon-sieu-toc-usd-cao-nhat-25-tuan-bitcoin-tang-manh-vang-lao-doc-20220127015426525.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên