Thị trường thăng hoa ngoài mong đợi, VNDIRECT sửa kịch bản dự báo, cho rằng VN-Index có thể lên tới 1.330 điểm trong năm 2021
Trong kịch bản đưa ra trước đó vào tháng 12, VNDIRECT dự báo VN-Index có thể đạt 1.180 điểm trong năm 2021. Tuy nhiên sự bứt phá vững chắc của thị trường vừa qua đã khiến VNDIRECT trở thành CTCK đầu tiên sửa lại dự báo.
Chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn thăng hoa ngay trong những ngày đầu năm mới 2021. Kết thúc phiên giao dịch 22/1, chỉ số VN-Index dừng tại 1.166,78 điểm, tăng 5,7% so với thời điểm cuối năm 2020.
Đà tăng ấn tượng của thị trường trong một tháng qua là tương đối bất ngờ đối với hầu hết các thành viên trên thị trường. Khối Phân tích VNDIRECT là một trong những đơn vị xuất bản báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 đầu tiên với kịch bản cơ sở cho chỉ số VN-Index năm 2021 là mức 1.180 điểm.
Tuy vậy, với đà tăng khá vững chắc vừa qua, VNDIRECT đã cập nhật kịch bản mới cho thị trường. Theo kịch bản cơ sở được đưa ra, VNDIRECT dự báo VN-Index sẽ trong khoảng 1.180 – 1.230 điểm, cao hơn đôi chút so với mức 1.180 điểm trong báo cáo trước đó.
Kịch bản này được VNDIRECT đưa ra với giả định EPS năm 2021 các doanh nghiệp tăng trưởng 22-24% so với năm trước. Kỳ vọng P/E Forward thị trường cuối năm 2021 trong khoảng 16 – 16,5 lần; Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu trở lại thị trường cận biên với quy mô nhỏ, khối ngoại mua ròng nhẹ, dưới 5.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Ngoài ra, VNDIRECT cũng dự báo GDP Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 7,1% so với năm trước và lãi suất huy động, cho vay có thể giảm tiếp 20 – 50 điểm phần trăm.
Thậm chí trong kịch bản lạc quan, VNDIRECT còn cho rằng VN-Index sẽ tăng lên 1.280 – 1.330 điểm và xác suất xảy ra kịch bản này lên tới 30%.
Yếu tố gì làm nên sức bật mạnh mẽ cho TTCK Việt Nam thời gian qua?
Theo VNDIRECT, đà tăng ấn tượng trong thời gian qua được lý giải bởi những nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục kích thích dòng tiền nội đổ vào TTCK. Năm 2020 chứng kiến làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu để hỗ trợ các nền kinh tế vượt qua suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng đó. NHNN Việt Nam đã có ba đợt cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 với mức cắt giảm 1,5-2%, nằm trong số những quốc gia cắt giảm lãi suất điều hành mạnh nhất trong khu vực.
Mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng giảm sâu, lãi suất cho vay bình quân năm 2020 giảm khoảng 80-100 điểm cơ bản, trong khi lãi suất huy động giảm khoảng 150-170 điểm cơ bản. Đặc biệt hơn, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh về mức quanh 0,1%, thấp nhất trong lịch sử và lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng về mức quanh 2,2% (giảm 200 điểm cơ bản so với cuối năm 2019).
Việc mặt bằng lãi suất về mức rất thấp trong nhiều năm đã khiến một bộ phận dòng tiền trong dân cư cũng như tổ chức chuyển hướng sang các kênh đầu tư tài sản, mà nổi bật nhất là chứng khoán. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy dòng tiền và thanh khoản trên TTCK tăng mạnh thời gian qua.
Trong năm 2021, VNDIRECT dự báo lãi suất huy động và cho vay có thể giảm tiếp 20-50 điểm % trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt, qua đó sẽ kích thích dòng vốn giá rẻ tiếp tục chảy vào kênh đầu tư chứng khoán.
Thứ hai, dòng tiền nội tiếp tục đổ mạnh vào TTCK. Tháng 12/2020 ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt 64.183 tài khoản, trong đó riêng nhà đầu tư cá nhân mở mới 63.629 tài khoản, tăng khoảng 54% so với tháng trước và cũng là tháng có con số tài khoản mở mới cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong 2 tháng trước đó, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng ở mức cao, đạt lần lượt 36.346 tài khoản và 41.080 tài khoản trong tháng 10 và tháng 11.
Đây được coi là làn sóng nhà đầu tư F0 lần hai, sau giai đoạn đầu hồi tháng 3 đến tháng 6 năm 2020. Tính trong cả năm 2020, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên tới 392.527 tài khoản, tăng 108% so với năm 2019.
Thứ ba, niềm tin vào hiệu quả chống dịch của Chính phủ và kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2021. Nhờ những giải pháp quyết liệt và kịp thời trong thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" của Chính phủ và sự đồng lòng hưởng ứng của người dân, việc Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi đầu năm và sau đó là làn sóng lây nhiễm thứ hai vào tháng 7 - 8 đã giúp nền kinh tế sớm bước vào giai đoạn bình thường mới.
Chính phủ đã tung ra các gói kích thích tài khóa với tổng quy mô lên tới 4,3% GDP và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia cắt giảm mạnh nhất lãi suất điều hành trong năm 2020.
Bằng những giải pháp "trúng" và kịp thời, nền kinh tế Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục trong nửa cuối năm 2020. GDP năm 2020 tăng trưởng 2,91% so với cùng kỳ, thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Với thành quả vững chắc trong phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế, bước sang năm mới, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh hơn về mức trước dịch. Đa số các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6% trong năm 2021, trong đó VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đạt mức 7,1%. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh và ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2021 và đây chính là một yếu tố quan trọng hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư tiếp tục chảy vào TTCK.