MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường thép thế giới bước vào chu kỳ thoái trào

28-08-2019 - 06:05 AM | Thị trường

Chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị gia tăng các chương trình kích thích kinh tế, tập trung cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Điều này khiến nhiều người hy vọng nhu cầu thép sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ có thể giúp giảm dòng chảy thép giá rẻ của Trung Quốc ra thị trường quốc tế giữa bối cảnh xu hướng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Theo dữ liệu mới công bố của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất lịch sử 925,06 triệu tấn. Trong khi đó Fitch Ratings trích dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay, cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép thô và các sản phẩm thép của Trung Quốc đã tăng lần lượt 9,9% và 11,4%, lên 492 triệu tấn và 587 triệu tấn, vượt xa mức trung bình toàn cầu. Fitch Ratings cũng lưu ý rằng các loại thép phục vụ cho hoạt động xây dựng chiếm phần lớn mức tăng nói trên, phù hợp với mức tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư tài sản cố định vào lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tăng trưởng công suất sản xuất thép của Trung Quốc sẽ đỉnh điểm trong năm 2019 sau đó giảm dần.

S&P Global Platts nhận định, công suất sản xuất thép thô của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2019 khi ssản lượng của những cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động vượt công suất của những cơ sở đóng cửa của năm 2018 tới hai côn số, bất chấp nỗ lực suốt 4 năm qua của Chính phủ nước này trong việc cắt giảm công suất để cân bằng thị trường.

Các nhà máy thép Trung Quốc chỉ được phép xây dựng công suất mới để thay thế công suất sẽ dừng hoạt động với quy mô tương đương nhau. Tuy nhiên, theo Platts, do hầu hết các công suất cũ đăng ký đóng cửa vào đầu năm 2019 trên thực tế đã ngừng hoạt động trước đó một thời gian, do đó khi công suất mới đi vào hoạt động thì tổng công suất thép trên toàn quốc tăng lên khoảng 1,18 – 1,2 tỷ tấn/năm 2019.

Theo tính toán của Platts (dựa trên thông tin về việc phê duyệt công suất mới của Chính phủ Trung Quốc), trong năm 2019, công suất thép thô mới đi vào hoạt động là 51,1 triệu tấn, để thay thế 51,9 triệu tấn công suất cũ bị đóng cửa. Tuy nhiên, khoảng 35,7 triệu tấn trong số 51,9 triệu tấn đó đã không hoạt động hoặc ngừng hoạt động trước năm 2019, nghĩa là chỉ 16,2 triệu tấn công suất bị đóng cửa trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với công suất mới đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, sang năm 2020, Trung Quốc sẽ vận hành 91,9 triệu tấn công suất mới, trong khi đóng cửa 91,2 triệu tấn, trong đó chỉ khoảng 12 triệu tấn công suất cũ bị đóng cửa từ trước, giúp giảm dần mức chênh lệch giữa công suất mới và cũ.

Thị trường thép thế giới bước vào chu kỳ thoái trào - Ảnh 1.

Tuy nhiên, thị trường thép vẫn đang trong tình trạng dư thừa. Theo Worldsteel, công suất sản xuất thép toàn cầu năm 2018 là 2,235 tỷ tấn, trong khi mức tiêu thụ cùng năm chỉ là 1,840 tỷ tấn, tức là dư thừa 395 triệu tấn. Năm 2018, Trung Quốc dư thừa tới 154 triệu tấn, Cộng đồng các quốc gia độc lập thừa 81 triệu tấn, các nước Châu Á trừ Trung Quốc thừa 80 triệu tấn, Châu Âu thừa 47 triệu tấn, Trung và Nam Mỹ thừa 26 triệu tấn, Châu Đại dương, Trung Đông và Bắc phi thừa 13 triệu tấn…

Trong bối cảnh này, Chủ tịch Worldsteel, Andre Gerdau Johannpeter, tại hội nghị thường niên của Viện Thép Brazil diễn ra tại Brasilia nhận định, nhu cầu thép sẽ tăng nhưng triển vọng trong thời gian ngắn sắp tới rất "thiếu chắc chắn" vì kinh tế toàn cầu đang giảm tốc. Còn về lâu dài, nhu cầu thép toàn cầu đang chuyển hướng sang giai đoạn tăng trưởng chậm lại bởi những thách thức như: tốc độ tăng dân số chậm lại, các nền kinh tế đang phát triển bước vào thời kỳ dân số già, chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội…Và đặc biệt, những lo ngại về môi trường cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực thép toàn cầu, khiến ngành này phải ưu tiên đặc biệt so việc phát triển bền vững.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban kinh tế của Worldsteel,Al Remeithi, cho biết, nhu cầu sử dụng thép toàn cầu trong năm 2019 sẽ chỉ tăng 1,3% và trong năm 2020 tốc độ này tiếp tục giảm còn 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,1% của năm 2018.

Nhu cầu thép trên toàn cầu sẽ vẫn tập trung ở Trung Quốc, nơi tiêu thụ gần 50% sản lượng thép thế giới, nhưng thị trường thép năm 2019 dự báo chỉ tăng trưởng 1% và ở mức 843,3 triệu tấn, trong khi sản lượng thép của chính nước này dự kiến đạt 930 triệu tấn (tăng gần 2%). Ông Johannpeter dự báo năm 2020, nhu cầu thép Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 834,9 triệu tấn.

Ở các thị trường khác, những bất ổn về chính trị tác động không nhỏ tới nhu cầu thép. Dự báo nhu cầu thép ở các nền kinh tế phát triển ít có sự biến động, trong khi nhu cầu ở những nền kinh tế mới nổi có triển vọng tăng nhưng mức tăng rất kahcs biệt. Nhiều khả năng Ấn Độ sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ thép lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Worldsteel dự báo đến năm 2020, tiêu thụ thép của Ấn Độ sẽ ở mức 110 triệu tấn, còn Mỹ là trên 101 triệu tấn và Nhật Bản 64 triệu tấn.

Thị trường thép thế giới bước vào chu kỳ thoái trào - Ảnh 2.

Dòng vốn chảy vào ngành thép ở Trung Quốc hiện vẫn còn rất cao, công suất sản xuất mặc dù chậm lại song vẫn tiếp tục tăng, trong khi đó cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ đang gia tăng tăng thẳng khiến triển vọng nhu cầu thép Trung Quốc thiếu chắc chắn vì có thể nhu cầu tăng ở lĩnh vực hạ tầng cơ sở nhưng lại giảm trong các lĩnh vực khác như ô tô… Đó là lý do khiến triển vọng thị trường thép toàn cầu tiếp tục bấp bênh trong thời gian tới.

Vân Chi tổng hợp

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên